Gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những năm 1990 và chụp ảnh ông trong hơn 11 năm, nhưng đây là lần đầu tiên nhiếp ảnh gia Dương Minh Long thực hiện triển lãm về nhân vật lớn của mình, Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại.
Sự kiện vừa kết thúc vào ngày 1/3 vừa qua, nhưng dư âm của nó là khá lớn, vì đã đóng góp thêm những mảnh ghép quan trọng về cuộc sống đời thường vào bức tranh tổng thể của Trịnh Công Sơn. Và hẳn nhiều người đã xúc động khi nhìn thời trai trẻ của các nhân vật trong ảnh để thấy ý nghĩa lưu lại thời gian của nghệ thuật nhiếp ảnh.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với tác giả Dương Minh Long.
Chuyện về khoảnh khắc giữa 2 nhạc sĩ lớn
* Hiệu ứng truyền thông cũng như trực tiếp từ cuộc triển lãm "Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại" thì đã rõ. Nhưng cá nhân anh có gì bất ngờ hoặc thú vị từ sự kiện này không?
- Điều bất ngờ là trước đó tôi cứ đinh ninh chỉ có thế hệ anh Trịnh Công Sơn vì yêu nhạc của anh mới thích xem hình ảnh về anh, nhưng hoá ra đã có rất nhiều người trẻ trong độ tuổi 18 đến 25 đến với triển lãm và hỏi rất nhiều về các bức ảnh. Lúc tôi xuống máy bay, có một cô gái trẻ rất quan tâm hỏi nhiều về ảnh Trịnh Công Sơn ngồi trong khoảnh nắng được in trên giấy mờ. Hay một cậu trẻ 21 tuổi nhắn tin chia sẻ với tôi rằng rất thích tấm ảnh anh Sơn đùa với chú chó trong khoảnh đất nhỏ của gia đình ở An Phú (quận 2) vì thấy nhạc sĩ rất gần gũi.
* Anh có quan tâm tới những lời bình luận từ nhiều kênh khác nhau không, có nhiều lời khen và có cả những định kiến?
- Tôi quan tâm và thấy bình thường, không vấn đề gì. Đó mới là cách người ta nhìn về một nhân vật lớn, mỗi người đều có cách yêu, ghét riêng của mình. Ví dụ, người ta nói rằng triển lãm phải cho thấy cái đương thời chứ không phải "ăn mày dĩ vãng", tôi lắng nghe chứ không tự ái. Khen thì rất cảm ơn, chê nếu không thích thì cũng im lặng thôi, vì tôi không nhiều lời, mà chỉ nói bằng sản phẩm của mình.
Chỉ có một điều tôi chưa thật sự hài lòng ở triển lãm này. Làm ngoài trời thì diện tích phải dài hơn và khổ ảnh ít nhất phải lớn gấp đôi, như vậy người xem mới thấy "ép phê" hơn nhiều. Nhưng vì tôi tự làm, kinh phí chỉ đủ làm vậy. Tuy nhiên, tôi đã làm ngăn nắp nhất có thể. Ví dụ về mặt mỹ thuật thì dù ảnh đứng hay ngang tôi đều chọn in đúng khung 60 x 90 để người xem khỏi thấy lổn nhổn, đó là kinh nghiệm sau rất nhiều lần tôi làm triển lãm.
* Bức ảnh và câu chuyện nào khiến anh nhớ nhiều nhất?
- Trong gần 30 năm chụp ảnh, tất cả những câu chuyện đằng sau mỗi tấm ảnh đều gây ấn tượng và để lại nhiều kỷ niệm, nên tôi nhớ hết, và rất khó nói thích tấm nào hơn. Tương tự như các tác phẩm nghệ thuật khác, mỗi tấm ảnh một khi đã được công bố là bắt đầu có đời sống riêng, người xem có quyền định đoạt về sự yêu ghét của mình.
Tôi là một người làm ảnh tư liệu, có cơ hội chứng kiến những khoảnh khắc ấy và lưu giữ lại. Ví dụ tôi đã giữ lại được khoảnh khắc giữa hai nhạc sĩ lớn của Việt Nam và đã chuyển tải không khí ấy đến người xem.
* Có phải anh muốn nói đến tấm ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Văn Cao? Không khí lúc ấy như thế nào, thưa anh?
- Không khí lúc ấy rất giản dị thân tình. Trong một chuyến công tác vào TP.HCM, nhạc sĩ Văn Cao dành thời gian uống rượu với Trịnh Công Sơn. Hai ông nói rất nhiều về âm nhạc Việt Nam, về những người phụ nữ và các đề tài khác. Khi ông Văn Cao loay hoay rút gói thuốc lá trong túi áo vest, anh Sơn ngồi ghế đối diện, có sẵn chiếc bật lửa nên đứng dậy, lịch sự châm lửa cho ông Văn Cao bằng hai tay, như cách người nhỏ tuổi hơn tiếp xúc với người lớn hơn mình. Vì chiếc bàn khá dài và anh Sơn không phải là người to con, nên có tí rướn người sang, khiến nhiều người nói đó là sự nịnh nọt. Lúc đó cả hai rất vui tươi, anh Sơn tiếp đón ân cần và kính trọng một người khách lớn tuổi và là một tài năng âm nhạc đến chơi nhà mình.
Tôi thấy hai nhân vật này đều là người tài, tức là người biết công nhận tài năng của người khác. Tôi thích khoảnh khắc đó, bấm từ 8 - 10 kiểu. Máy ảnh cứ "nổ xoẹn xoẹt", ông Văn Cao hỏi tôi: "Máy của ông có tiếng vang gì thế, nó kêu to thế?".
* Còn về bức nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và NSND Đặng Thái Sơn?
- Đó là lần ông Đặng Thái Sơn về TP.HCM thăm mẹ, hai ông hẹn gặp ở một quán ăn. Hai ông ngồi ở chiếc bàn sát tường, ông Đặng Thái Sơn vừa trò chuyện vừa "đánh piano" các nốt nhạc của anh Sơn trên mặt bàn. Tôi chụp khoảng 1 tiếng, được nhiều ảnh (sau này sẽ công bố), nhưng thấy chưa ưng ý lắm, liền mời hai anh đến cây đàn piano, nhờ anh Đặng Thái Sơn đàn tặng anh Trịnh Công Sơn một ca khúc của anh ấy và cứ thế chụp. Đó là ngày 20/11/1993.
Câu chuyện của hai người rất hay, không thể kể hết trong khuôn khổ một bài báo, tôi sẽ viết trong cuốn sách sắp tới của mình. Ngoài ra, cuộc gặp với Lương Triều Vỹ, Trần Anh Hùng, Trần Nữ Yên Khê hoặc những khoảnh khắc đời thường khác đều rất thú vị… Nhưng đây là "Trịnh Công Sơn - lần đầu gặp lại" và sẽ còn những lần tiếp theo nữa.
Triển lãm sẽ được tiếp tục ở thành phố Huế, dự kiến kéo dài từ giữa tháng 3 đến hết ngày 1/4 vào dịp kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức.
10 năm mải miết chụp Trịnh Công Sơn
* Trong hơn 10 năm chụp mải miết một nhân vật, làm sao anh có được cảm hứng tràn đầy như vậy?
- Cảm hứng ấy bắt đầu từ tình yêu của tôi dành cho nhạc Trịnh Công Sơn, rồi khi được gặp thấy cảm mến con người anh và tinh thần sáng tác, vốn triết học, thiền… mà anh có. Vì tình yêu ấy, tôi sẵn sàng bỏ thời ra từng ấy năm để chụp ảnh, không có lý do gì phải dừng lại.
Tuy nhiên, để tình yêu của mình không sứt mẻ, tôi đã phải chuẩn bị về sức khỏe, kinh phí (mua phim, 2 máy ảnh và phim để nhà anh Sơn cho những lúc đột ngột gọi tới là có máy chụp) và phương tiện di chuyển cùng các kỹ năng khác như thu xếp thời gian của tòa soạn trong những lúc vắng mặt đi cùng anh Sơn.
* Chụp Trịnh Công Sơn có lẽ vừa dễ lột cả cốt cách nhưng vừa khó ở chỗ quá nhiều góc mà anh muốn cho công chúng thấy?
- Thường thì một nhân vật sẽ chỉ có 1 - 3 góc để chụp, có thể vì họ chỉ muốn cho thấy những góc mình muốn, hoặc người chụp ảnh chỉ tìm thấy góc ấy. Nhưng với anh Sơn thì góc nào tôi cũng muốn khai thác. Về ảnh tư liệu thì không có sự sắp xếp để có ảnh đẹp, vì mục tiêu lớn hơn là trung thực với tình huống đang diễn ra. Về ảnh chân dung, tôi có tí nắn nót về không gian để có góc ảnh đẹp. Tôi chỉ nói muốn anh Sơn ở trong không gian ấy, còn anh sẽ tự ý làm mọi thứ.
Anh Sơn là người mê nhiếp ảnh, đã từng làm phim, nên cũng là "người mẫu" chuyên nghiệp, lại còn lúc nào cũng ăn mặc đẹp, thành ra rất dễ chụp.
* Chọn 35 tấm ảnh trong kho ảnh đồ sộ của anh, hẳn việc biên tập ảnh là rất khốn khổ?
- Trên đời nghèo khổ, đói kém không sợ bằng khi ta phải lựa chọn. Mỗi lần chọn một bức ảnh là ông nhiếp ảnh đã đẩy mình đến ngã ba. Tôi phải cân nhắc rất lâu rằng vì sao mình chọn bức này, thường thì những bức ảnh mà nhắm công chúng sẽ thích thì 90% tôi sẽ loại, vì chọn những bức mình thích để chiều bản thân trước đã. Tôi có nhiều kính lúp kích cỡ khác nhau để xem bản phim, lúc ấy thích lắm.
Việc in postcard cũng phải cân nhắc, ví dụ như có một bức chân dung anh Sơn ở triển lãm, vì là không gian ngoài trời nên chọn ảnh anh Sơn cười để thấy sự gần gũi, thân thiện, nhưng khi in trong postcard, người ta thường xem một mình như đối diện với anh Sơn, thì ảnh trầm tư sẽ hay hơn.
* Anh có thấy nuối tiếc khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được xem những bức ảnh này không?
- Mỗi việc sẽ có một thời điểm riêng để xuất hiện, nên tôi không nuối tiếc. Ở anh Sơn có điều này rất hay, ngoài lần duy nhất anh đề nghị in một bức ảnh để gửi tặng ca sĩ Khánh Ly, thì anh chưa bao giờ tỏ ý muốn xem những ảnh tôi chụp. Tôi cứ chụp xong, tráng phim và ghi chú cẩn thận rồi đóng gói cất kho ngay.
* Với cả tấn phim trong kho tư liệu, trong đó có đến khoảng 10 nghìn bức ảnh chụp Trịnh Công Sơn thì việc bảo quản hẳn là cực nhọc và tốn kém?
- Ôi, riêng việc này thì cần phải có một bài báo khác với số chữ gấp đôi bài này mới nói được, từ việc vì sao tôi chuyển nhà nhiều lần đến việc tôi di chuyển tư liệu như thế nào. Nhưng tôi có thể tiết lộ điều này, từ lần đầu tiên cầm máy ảnh năm 13 tuổi đến nay tôi chưa bị mất một tấm phim nào.
Nói về tư liệu thì riêng việc nhớ đã mệt, nói gì đến việc phân loại và giữ cả tấn tư liệu như vậy. Chi phí để bảo quản toàn bộ do tôi tự túc từ tiềm kiếm được trong việc chụp ảnh cho báo chí trong nước, hãng thông tấn nước ngoài, chụp quảng cáo… Nói chung, lấy nhiếp ảnh nuôi đam mê nhiếp ảnh của mình thôi.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Sẽ có một bộ phim tài liệu về Trịnh Công Sơn
Trong kho tư liệu của mình, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long còn có nhiều thước phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được anh xem như di sản cần được giữ gìn. Vì vậy, anh lên kế hoạch thực hiện một bộ phim tài liệu về nhạc sĩ này.
Anh cho biết dự án này đang làm dang dở và sẽ được tiếp tục trong năm nay.
Trong phim, ngoài những hình ảnh đã có của nhạc sĩ họ Trịnh, anh dự tính sẽ thực hiện tiếp những cuộc phỏng vấn khoảng hơn 40 nhân vật là người thân, bạn bè... ở những nơi ông đã đi qua để có bức tranh đa diện về nhân vật chính.
"Mục đích đầu tiên của việc làm phim là lưu giữ tư liệu về vị nhạc sĩ tài hoa này một cách sống động nhất, chứ tôi chưa tính tới việc phát hành và tính thương mại. Vì vậy, tôi phải làm thế nào để có một bộ phim hay cái đã, nghĩa là có nhiều hình ảnh và nội dung thuyết phục người xem" - Dương Minh Long chia sẻ - "Thời lượng phim dài khoảng từ 4 đến 6 tiếng, được chia nhiều tập, như vậy mới đáp ứng được những gì tôi muốn nói. Phim sẽ bám sát kịch bản, đa chiều, tôn trọng sự thật, có nhân chứng. Tôi đưa ra thông tin, không có cái tôi, không bình luận gì, việc này là của khán giả. Tinh thần chung của cuốn phim này là mọi thứ phải nhẹ và êm, như chính con người anh Sơn".
Anh tiết lộ thêm, mình vừa được gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho xem cuốn phim về ông do một đoàn phim ở Mỹ thực hiện, trong đó có đoạn ông nói đại ý: Hễ ai ném bom vào đất nước tôi, làm chết người dân nước tôi thì người đó là kẻ thù. Câu nói này được họ giữ nguyên, cho thấy ông là người chống chiến tranh, chứ không phải là người đứng về phía này, hoặc phía kia như nhiều người vẫn bàn luận. Tinh thần này sẽ được thể hiện trong phim sắp tới.
Có thể nói Dương Minh Long hiện là người giữ kho tư liệu lớn nhất về Trịnh Công Sơn, nhưng anh vẫn nói bộ phim cố gắng hết sức cũng chỉ thể hiện được được khoảng 10% đến 15% bức chân dung của nhạc sĩ. Đây sẽ là một bộ phim có kịch bản mở, bên cạnh đường dây chính sẽ có những ngã rẽ bất ngờ và cuối cùng sẽ về cái đích mà tác giả muốn.
"Có khi chúng tôi ngồi với nhân vật trong 8 tiếng đồng hồ và chỉ bắt được đúng 2 phút cần cho phim. Nói điều này để thấy việc làm phim sẽ tốn nhiều tiền và thời gian mà với một ông nhiếp ảnh gia còi cọc như tôi, lại không thể làm nhanh và vội được, nên tôi có ê-kíp, vì cần sự chung tay" - nhiếp ảnh gia Dương Minh Long bộc bạch.
Tags