Là nhiếp ảnh gia tự do người Ý, Fulvio Bugani luôn lựa chọn hình ảnh cuộc sống hàng ngày của những con người bình thường ở khắp nơi trên thế giới làm điểm ngắm cho ống kính của mình.
Đến Việt Nam lần thứ 2 trong cuộc triển lãm cá nhân mang tên: "Sicily" với 20 bức ảnh về hòn đảo xinh đẹp nằm ở Địa Trung Hải nhưng đằng sau đó là vô vàn những câu chuyện thú vị về cuộc sống. Triển lãm "Sicily" diễn ra từ 18-31/8 tại CASA ITALIA - số 18 phố Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Fulvio Bugani đã có cuộc chia sẻ về câu chuyện bằng ảnh của mình cùng những dự định với Việt Nam.
* Nhắc đến nước Ý, người ta hay nghĩ đến Rome hay Venice. Còn anh lại chọn Sicily. Vì sao vậy?
- Chắc ai cũng sẽ nghĩ với một cuộc triển lãm về Ý, lại nhân dịp kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Ý - Việt Nam, hẳn sẽ chọn những địa danh hấp dẫn hơn. Nhưng tôi đã chọn Sicily với những lý do khá đặc biệt.
Tôi có tình yêu đặc biệt với Cuba. Tôi là người Ý nhưng luôn nghĩ mình có một nửa dòng máu là Cuba vì tôi rất yêu đất nước này, từ con người đến cuộc sống nơi đây.
Tôi nhìn thấy sự tương đồng giữa Sicily và Cuba, từ lịch sử, văn hóa…. Với tôi, điểm thú vị ở hai hòn đảo này không phải vì hoang sơ, đẹp hay hữu tình mà là ở sự giản dị, thật thà của người dân. Họ sống nhân bản với cuộc đời của chính mình. Điều này thật khác với sự hào nhoáng ở những điểm đến khác trên đất Ý mà tôi cảm nhận. Đó là lý do tôi đem Sicily đến Việt Nam.
* Vậy 20 bức ảnh của triển lãm "Sicily" chứa đựng những gì?
- Tôi đã chọn 20 bức ảnh để kể một câu chuyện bằng xúc cảm, sự hoài niệm về Sicily của mình trong góc nhìn cá nhân của mình. Tôi sử dụng ngôn ngữ tư liệu và trừu tượng cùng chủ nghĩa lãng mạn của người Ý để kể chuyện. Câu chuyện của tôi có niềm vui, nỗi buồn, hoài niệm, cô đơn…
16 tuổi, Fulvio Bugani mới có chuyến du lịch đầu tiên ra nước ngoài cùng gia đình bằng máy bay. Anh đến Argentina trong chương trình trao đổi du học sinh 2 nước trong vòng 2 tháng. Điều khiến Fulvio Bugani bị ấn tượng ở đất nước này chính là những người Ý nhập cư. Khi họ gặp lại những đồng hương như anh, họ đã khóc còn khiến anh "nổi da gà". Đến Sicily, Fulvio Bugani lại nổi da gà một lần nữa và gọi đó là cảm xúc vượt qua không gian, thời gian còn anh chính là một nhà du hành vũ trụ.
* Còn trải nghiệm mà anh hướng đến cho người xem?
- Đó là sự gợi mở theo cách mà mọi người vẫn nói: "To suggest not to declare". Đây cũng là phương châm làm nghề của tôi. Tôi không muốn người xem bị gò ép bởi một chiều hướng nào định sẵn.
Những gì bạn thấy trong các tác phẩm của tôi, sẽ chỉ có một phần thực tại, còn một phần là cái tôi của tôi. Đó là cách tôi mở ra cái nhìn cho mỗi người. Ngoài thực tại, những bức ảnh còn chứa đựng một điều quan trọng là truyền trí tưởng tượng vào mỗi bức ảnh.
* Tôi được biết, chủ đề lớn trong sự nghiệp mà anh theo đuổi bấy lâu nay chính là cuộc sống thường nhật của những con người bình thường. Nhưng điều mà anh khám phá được đằng sau đó là gì?
- Công việc biến tôi thành một người quan sát khá tỉ mỉ. Tôi để ý đến từng cử chỉ của mỗi người hay nhìn vào một vết xước trên tường cũng có thể chuyển tải những gì mình muốn nói. Khám phá những chi tiết đấy chính là mở ra những câu chuyện đằng sau đó.
Ngay trong triển lãm Sicily, tôi có thể kể câu chuyện về một bà bán thịt đúng nghĩa. Nhờ sự gặp gỡ trao đổi với họ, tôi tìm thấy những vần thơ bằng nhiếp ảnh trong câu chuyện đấy. Chất thơ từ ông bán thịt với bà bán thịt. Rất thú vị!
* Vậy không biết, mảnh đất hình chữ S của chúng có gì để lọt vào ống kính biết kể chuyện của anh không?
- Có chứ, rất nhiều! Lần đầu tôi đến Việt Nam là cách đây đúng 6 năm. Nhưng khi đó tôi quá bận với hành trình của công việc nên khá mệt, chỉ có thể ấn tượng với một Việt Nam thân thiện, nồng hậu đã đón tiếp mình, một cộng đồng những người yêu nhiếp ảnh rất đam mê học hỏi trong buổi workshop với tôi, món ăn Việt Nam cũng rất ngon.
Còn lần này, tôi đã có nhiều thời gian để tìm hiểu Việt Nam hơn - trên tinh thần của một người du hành. Tôi đã đi khá nhiều nơi trong khoảng một tháng, từ đồng bằng sông Cửu Long, đi chợ cá, đến Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh và tất nhiên là cả Hà Nội…
Nhưng vẫn còn nhiều nơi mà tôi rất muốn đến ở khu vực phía Bắc. Bởi "sợi chỉ đỏ" trong sự nghiệp của tôi chính là việc tập trung vào những người thiểu số. Tôi sẽ tiếp tục dự án này trong tương lai ở Việt Nam.
* Từng được trao giải tại World Press Photo cho tác phẩm về cộng đồng người chuyển giới Hồi giáo ở Indonesia: "Waria" năm 2015. Liệu dự án có liên quan đến chủ đề nói trên?
- Đúng vậy, với chủ đề người thiểu số này, tôi đã sang Cuba chụp những người bản địa, rồi đến châu Âu và cả Mỹ và hiện tại là nhiều nước khác.
Khi khai thác đề tài này, tôi làm không chỉ vì đối tượng mà muốn chuyển tải câu chuyện về tự do, tự do thể hiện bản thân trước mọi người.
Thiểu số không chỉ là các dân tộc ở vùng cao mà có thể là những nhóm người ở ngay trong các thành phố.
* Một người yêu và lựa chọn một công việc chụp ảnh tự do như anh liệu có vất vả không?
-Tôi đã phải cố gắng vượt qua nhiều khó khăn và trả giá nhiều như việc sống độc thân. Tôi bị chủ nghĩa lãng mạn tự trị trong mình nên có thể tìm thấy niềm vui từ chiếc lá rơi, hay một tia sáng lóe trên tường. Lãng mạn làm tôi vừa bị kiệt sức nhưng cũng cho tôi nhiều cảm xúc trong công việc. Ai cũng sẽ hiểu là tôi cũng cần tiền và nhiều thứ khác nữa. Rất may là các công việc thương mại cũng tạo điều kiện cho tôi được là chính mình, giúp tôi thư giãn nhiều.
Vòng quay cuộc sống của tôi chính là "Chụp - suy nghĩ - nghỉ ngơi - không làm gì"!
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Fulvio Bugani (sinh năm 1974) là một nhiếp ảnh gia độc lập người Bologna, Ý. Trong số các thành tựu đã đạt được của Fulvio Bugani, có thể kể đến: Giải thưởng World Press Photo cho tác phẩm về cộng đồng người chuyển giới Hồi giáo ở Indonesia: "Waria" năm 2015; Leica Oskar Barnack 2016 với phóng sự đường phố "Soul y Sombra" về Cuba.
Ngoài ra, bức ảnh Boxe in Havana thuộc dự án "Havana project" của Fulvio Bugani được trao giải tại PoY - Picture of the Year 2017 (cùng năm, Fulvio Bugani trở thành đại sứ Leica Toàn cầu). Mới đây nhất, phóng sự ảnh "Guajiro" về người nông dân Cuba của Fulvio Bugani đã được trao giải tại PoY - Picture of the Year – chân dung 2019.
Tags