(Thethaovanhoa.vn) - 150 bức ảnh đen trắng trong cuốn sách Những người muôn năm cũ của nhiếp ảnh gia Hà Tường vừa ra mắt bạn đọc đều là các gương mặt văn nghệ, trí thức một thời. Đằng sau cuốn sách và triển lãm ảnh cùng tên do họa sĩ Lê Thiết Cương làm giám tuyển là những câu chuyện khiến nhiều người tò mò về nhiếp ảnh gia 78 tuổi tinh anh, ưa dịch chuyển và ham khám phá này.
Chia sẻ về tác phẩm Những người muôn năm cũ được công chúng quan tâm với “cơn mưa” lời khen, nhiếp ảnh gia Hà Tường khiêm tốn bảo: không nên ngợi khen về đóng góp này. Ông cho rằng, những việc ông làm chỉ là may mắn lưu giữ lại được những khoảnh khắc cho giới văn nghệ sĩ, chính khách… và những người đó mới đáng được khen ngợi và ghi nhớ.
Ảnh xưa, ký ức về một thời gian khó
Bắt đầu nghiệp nhiếp ảnh từ năm 18 tuổi, cho đến nay Hà Tường chụp hàng triệu tấm ảnh. Ông được biết là người quảng giao, đi nhiều, quen biết rộng. Ống kính của ông đã thu vào hầu hết những gương mặt văn chương, thi ca, báo chí, dịch thuật, hội họa, sân khấu, điện ảnh đến những học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu sử, triết, dân tộc học…. Không chỉ vậy, ông còn gắn bó với chân dung những chính khách của Việt Nam.
Dù đi nhiều, chụp nhiều, nhưng mỗi khi nhắc tên những người trong từng bức ảnh, nhiếp ảnh gia Hà Tường vẫn nhớ rất rõ. “Trong số văn nghệ sĩ mà tôi đã chụp, họa sĩ Nguyễn Sáng là người rất có cá tính. Họa sĩ Bùi Xuân Phái là người hòa nhã, nhà văn Nguyễn Tuân thì không dễ tiếp xúc, không phải ai đến gặp ông cũng tiếp, còn Trịnh Công Sơn luôn rất đời…” - nhiếp ảnh gia Hà Tường nhớ lại.
Mỗi nhân vật ông thường chụp 3 - 4 cuộn phim. Cho nên số phim gom lại để cân cũng đến vài chục cân.
“Chụp ảnh thời thời kỳ đó in rất khó, vì cuộc sống rất nghèo, cơm sắn độn ngô còn chẳng đủ ăn, do vậy, nghề chụp ảnh không thể bán lấy tiền như bây giờ. Lúc ấy mình đam mê thì cứ làm thôi, chứ không nghĩ là một ngày mình sẽ làm tác phẩm. Chụp được những bức ảnh lúc nghèo khó, giờ đây quả là trân quý hơn cuộc sống bây giờ” - nhiếp ảnh gia Hoàng Tường bảy tỏ.
Ông còn kể, ngày xưa vàng có 200.000 đồng/chỉ, trong khi mua một cuộn phim đã mất 30.000 đồng. Bình thường mỗi lần vác máy đi chụp, hết 2 - 3 cuộn là rất bình thường. Bạn bè nhiếp ảnh gia có người ước lượng, số tiền mà ông dành để mua phim chụp ảnh cho văn nghệ sĩ Hà Nội có thể tương đương với số tiền mua hai căn nhà tại khu phố cổ Hà Nội.
Vì lẽ đó mà mỗi khi nhắc đến Hà Tường, nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này như Trần Hùng, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan và họa sĩ Lê Thiết Cương đều có chung nhận xét: “Dân chơi, kẻ sĩ và nhà nhiếp ảnh thứ thiệt của Hà Nội”. Bởi dù chụp ở một thời kỳ đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng hầu hết những bức ảnh đều được “lão” nghệ sĩ bấm máy trong những thời điểm ngẫu hứng, khi bên bàn trà, khi trong bữa rượu, hay những giây phút thư giãn hiếm hoi... Những bức ảnh đều “bắt” được đúng “hồn” nhân vật, tạo được bức chân dung thể hiện sâu sắc cá tính của từng người.
Và lý do “Những người muôn năm cũ” ra đời
Là một họa sĩ, nhưng Lê Thiết Cương có tình yêu đặc biệt với nhiếp ảnh. Anh từng nói “nếu có kiếp sau tôi muốn mình được làm nhiếp ảnh gia”. Chính vì vậy anh coi nhiếp ảnh gia Hà Tường như một người anh mẫu mực. Quen biết nhiếp ảnh gia Hà Tường từ những năm 1986, theo dõi những hoạt động của ông, Lê Thiết Cương cho rằng, trong giới chụp ảnh thời 1975 đến 1995 ở Việt Nam chỉ có mỗi Hà Tường mang một phong cách riêng, có những bức ảnh chỉ có Hà Tường mới lưu giữ lại.
“Có thể nói, anh Hà Tường khác nhiều người ở góc nhìn. Nhiều trường phái chụp thể thao, chụp nghệ thuật, nhưng Hà Tường chọn tư liệu lịch sử, phóng sự báo chí. Một kiểu chụp tự nhiên, không sắp đặt” - họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.
“Hà Tường coi máy ảnh của mình là cây bút ghi chép trung thực. Ảnh của anh là lịch sử bằng ảnh. Giả sử như không có Hà Tường thì lịch sử của văn nghệ một thời bị khuyết, và như vậy thật là tiếc. Và đây chính là động lực giúp tôi hỗ trợ Hà Tường ra cuốn sách này” - họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ thêm về lý do ra đời của cuốn sách.
“Nếu như Hà Tường không làm triển lãm và cuốn sách Những người muôn năm cũ này thì rất tiếc bởi phim đen trắng cũng sẽ mốc và hỏng theo thời gian, không còn mãi được. Và sẽ không thể lưu giữ được ký ức của một thế hệ đi trước mang bao hoài niệm” - họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ thêm.
“Động lực thôi thúc tôi ra sách và làm triển lãm giới thiệu là bởi đặc trưng của ảnh là một bộ môn nghệ thuật không cho phép người ta được “sám hối”. Vẽ xong một bức tranh, 3 năm sau thấy một góc nào đó cần phải có một chút màu cho nóng lên, ta có thể sửa được. Nhưng nhiếp ảnh thì không thể sửa trực tiếp như vậy. Vì thế, thời điểm này có điều kiện, tôi muốn đưa tác phẩm đến với công chúng” - giám tuyển Lê Thiết Cương nhấn mạnh thêm.
Ý tưởng cho ra mắt cuốn sách và triển lãm đã được họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà nhiếp ảnh Hà Tường ấp ủ từ 5 năm trước. Lý giải thêm về tựa sách, nhiếp ảnh Hà Tường chia sẻ: “Tôi đặt tựa quyển sách Những người muôn năm cũ một phần là trích từ một câu thơ trong tác phẩm Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên và ông cũng là một nhân vật trong cuốn sách này. Một phần nữa, những nhân vật trong những bức ảnh này đều là những người thuộc thế hệ trước đây, trở thành một phần trong ký ức của chúng ta hiện nay”.
An Đạt
Tags