(Thethaovanhoa.vn) - Nhiếp ảnh gia Thái Phiên vừa phát hành sách ảnh Miền cổ tích (NXB Hồng Đức, 2018), với 95 ảnh khỏa thân nghệ thuật. Đây là sách ảnh khỏa thân thứ hai của nhiếp ảnh gia này, và sách ảnh khỏa thân thứ 3 được cấp phép xuất bản tại Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây.
Với 2.000 bản in trong đợt đầu tiền, Miền cổ tích đánh dấu chặng đường 10 năm của Thái Phiên. Khi được hỏi sách này “nóng” đến đâu? Thái Phiên khẳng định: “Có dung tục hay không thì nhìn ảnh là biết. Nhưng đừng tưởng theo đuổi ảnh khỏa thân là lấp lánh ánh vàng, bởi nó luôn song hành giữa cực và nhục. Chỉ có điên mới theo ảnh khỏa thân”.
Hàng chục chuyến phiêu lưu
Cuốn Xuân thì được Thái Phiên cho ra mắt cách đây 10 là sự chắt lọc kết quả làm việc của người cầm máy và người mẫu trong suốt 15 năm, với 70 tác phẩm. Cuốn Miền cổ tích lần này cũng là kết quả của suốt 10 năm cầm máy.
Cuốn sách được chia làm ba phần chính. Phần một: Tinh cầu lạ, với những ảnh cận, ghi lại những nét đẹp mang tính chi tiết, những đường cong, những dáng nét của Ngày đi như bóng nắng, Như cánh vạc bay, Nguồn sống, Nụ, Sóng, Mê khúc…
Khúc tự tình (phần hai) là những bức ảnh trung, chụp toàn thân, khắc họa cái đẹp nổi bật của người phụ nữ trong bố cục tổng thể chặt chẽ, hiện đại như Bước thời gian, Đêm lạc bóng, Cuốn theo chiều gió, Đêm nguyệt cầm, Giấc mơ hạnh phúc, Duyên thầm, Hoài vọng, Hương tóc, Nắng khuya, Ký họa, Phiêu bồng, Dáng ngọc, Trăng, Rèm xuân, Phù dung…
Phần ba là Miền cổ tích, với những người mẫu hòa quyện vẻ đẹp thân thể của họ với vẻ đẹp thiên nhiên. Trong phần này, mỗi bức ảnh đều mang tính kể chuyện, như Đại ngàn, Cỏ rối xôn xao, Hoa biển, Hoa rừng… Người mẫu phải lên rừng, xuống biển để chụp, vì thể loại ảnh khỏa thân với thiên nhiên đòi hỏi phải chụp ở những chỗ thật vắng người.
Những tác phẩm như Cô liêu, Cõi riêng, Giao hòa (2, 3, 4), Hòa khúc… có thể khiến người chụp và người mẫu trả giá đắt, ngay cả tính mạng. Để người mẫu có thể nằm chênh vênh trên đá, ngay thác nước đã khó, việc đặt được máy móc để chụp cũng không dễ chút nào.
“Sau khi vượt qua những ghềnh đá nhấp nhô nằm cheo leo bên những vực thẳm sâu hun hút, chúng tôi tìm được một vị trí ưng ý để thể hiện ý tưởng cho bức ảnh. Khi tôi chuẩn bị bấm máy thì cơn mưa ập đến bất ngờ… Chúng tôi nhanh chóng thu xếp đồ đạc và vội vã tìm một hốc đá để trú mưa nhưng không thấy. Vả lại tôi cũng lo những hốc đá là nơi trú ẩn của rắn rết, bò cạp… Không còn cách nào nữa, thế là chúng tôi đành đội cả cơn mưa, bám vào những tảng đá trơn trượt để tìm đường quay về” - Thái Phiên hồi ức về hành trình chụp bức Trên đỉnh bình yên.
Không xin cấp phép triển lãm ảnh khỏa thân nữa
“Trong tôi luôn có một niềm mơ ước sâu xa, thôi thúc, một ngày nào đó cái đẹp của tạo hóa trong ảnh khỏa thân nghệ thuật sẽ được đời đón nhận, như đã từng đón nhận một bông hoa dại còn đẫm sương mai” - Thái Phiên nói.
Anh trăn trở: “Thực sự thì chỉ có điên mới theo ảnh khỏa thân. Tiền đâu mà dẫn người mẫu lên rừng xuống biển tìm chỗ chụp? Chụp xong rồi có triển lãm được đâu? Mà mấy ai bán ảnh khỏa thân ở triển lãm? In sách bán giá “bèo”, mà giá đó cũng rất ít người quan tâm và bỏ tiền ra mua. Gia đình tôi, vợ tôi, con gái tôi, gia đình vợ tôi… tất cả những người xung quanh nhìn tôi như thế nào? Ngay như mấy ông hàng xóm chẳng hạn, họ luôn nghĩ tôi nay thì chụp cái này của cô này, mai lại chụp cái nọ của cô kia. Tôi được cái gì mà cứ miệt mài trên con đường này?”.
Nhiếp ảnh gia từng nhiều lần tự hứa với lòng mình là sẽ không theo đuổi ảnh khỏa thân nữa, vì quá mệt mỏi trước cái nhìn xơ cứng của người đời, với những lời áp đặt của người ngoài cuộc. Nhưng ngọn lửa đam mê không dễ dàng tàn lụi, nó âm ỉ, lẩn khuất đâu đó, chờ một dịp lại bùng lên.
Như con chim sợ cành cây cong, Thái Phiên cương quyết không bao giờ xin cấp phép triển lãm ảnh khỏa thân lần nào nữa. Anh đã bị từ chối hai lần ở Hà Nội và một lần ở Huế. “Nếu các chương trình, các ban tổ chức sắp xếp và mời thì tôi tham gia, còn tự tôi đi xin cấp phép cho triển lãm thì không. Làm người phải có tự trọng, làm nghệ sĩ càng cần tự trọng” - Thái Phiên khẳng định.
Sách ảnh Miền cổ tích của nhiếp ảnh gia Thái Phiên hiện có bán tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM (122 Sương Nguyệt Anh, Q.1) và tại Hà Nội (4B Đinh Liệt, Q.Hoàn Kiếm). |
Hòa Bình
Tags