Cuối năm 2020, nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa lần đầu tiên công bố những bức ảnh “đắt giá” về danh họa Bùi Xuân Phái tại triển lãm Bùi Xuân Phái - Trăm năm một tình yêu Hà Nội, do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức. Hóa ra, kho phim của Trần Chính Nghĩa trong suốt hơn 50 năm hành nghề (tính từ những năm 1969) còn rất nhiều tư liệu giá trị khác. Và lần này, nhân dịp 40 năm báo TT&VH, anh lại mở kho phim để cho chúng ta “một vé đi 1982”.
Có cha là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu - người nổi tiếng với những bức ảnh văn nghệ kháng chiến - ngay từ nhỏ, Trần Chính Nghĩa đã nhen nhóm niềm ham thích nhiếp ảnh.
Từ bộ ảnh lịch năm 1982…
Những năm 1980, anh được tín nhiệm mời hợp tác chụp ảnh, gia công ảnh cho nhiều sự kiện, cơ quan, hội đoàn. Năm 1982, anh tham gia làm ảnh lịch cho Cục Điện ảnh, đi chụp các diễn viên tại 3 địa điểm: Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ và Bảo tàng Mỹ thuật.
Bộ ảnh lịch năm 1982 có sự góp mặt của nhiều diễn viên như Thế Anh, Như Quỳnh, Phương Thanh, Thanh Quý, Diệu Thuần, Minh Trang,… Họ đều là những diễn viên có phim nổi tiếng thời bấy giờ như Phương Thanh vai Hiền “cá sấu” trong phim Tội lỗi cuối cùng hay Như Quỳnh trong phim Đến hẹn lại lên,...
Bộ ảnh lịch năm đó hoàn thành với nhiều khó khăn. Sau khi ảnh diễn viên Như Quỳnh được chọn làm bìa lịch, phải tiến hành tô màu trước khi đưa sang nhà in. Tuy nhiên, việc ảnh tô màu lại không đạt yêu cầu, nên lại phải nhờ ông Nguyệt Diệu dùng máy chụp dương bản từ phim đen trắng. Phim dương bản tiếp tục được tô màu và chụp lại coi như phim màu. Từ phim màu này mới đưa trở lại nhà in để tiến hành phân tích, xử lý kỹ thuật để in từ 3-4 màu mới ra được ảnh màu lịch hoàn thiện”.
Duyên gặp gỡ từ cuộc chụp ảnh lịch năm 1982 đã làm nảy nở những tình bạn, tình anh em gắn bó giữa Trần Chính Nghĩa với các văn nghệ sĩ mãi về sau. Có lần Như Quỳnh nói với chồng (nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo) rằng: “Em thích ảnh anh Nghĩa chụp em được in trên lịch. Anh là nhiếp ảnh gia, là chồng em mà không chụp được ảnh cho em thích”. Quả thực, một trong những bức ảnh được nữ diễn viên Đến hẹn lại lên treo ở đầu giường chính là bức trong bộ ảnh lịch năm 1982.
Thế rồi, ảnh cưới của NSND Như Quỳnh và Hữu Bảo cũng là do Trần Chính Nghĩa bấm máy. Và ngày Trần Chính Nghĩa cưới, cũng chính Hữu Bảo là người chụp ảnh.
“Giao tình” nghệ sĩ xuyên thế hệ
Từ nhân duyên gặp gỡ, từ năm 1982, gia đình Như Quỳnh - Hữu Bảo đã có nhiều dịp ghé thăm tư gia của Trần Chính Nghĩa ở 11 Hàng Bông. Nơi đây đã được “Ông đồ” Vũ Đình Liên đặt tên là “Gác Lưu xá”, một địa chỉ văn hóa của giới văn nhân nghệ sĩ Hà thành một thời.
Thuở ấy, chủ nhà 11 Hàng Bông, nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu, vốn có phong cách “rất Tây”, rất cởi mở, mến khách, luôn rộng cửa đón anh chị em nghệ sĩ đến đàm đạo bên ấm trà, chén rượu, đôi khi nghỉ lại dùng bữa trưa, bữa chiều. Đặc biệt vào những kỷ niệm các danh nhân văn hóa như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Vũ Trọng Phụng hay nhà thơ Pháp Bauderlaire,… các ông đều báo trước cho nhau để gặp mặt, từ đó, lấy cảm hứng vẽ tranh, làm thơ…
Thường xuyên “góp vui” tại Gác Lưu xá là nhiều văn nghệ sĩ tiếng tăm của Hà Nội thời bấy giờ như họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Tử Phác, nghệ nhân ca trù - NSND Quách Thị Hồ, đào nương Nguyễn Thị Phúc, ông Lê Chính – trưởng phòng Mỹ thuật báo Văn nghệ,... Cũng tại Gác Lưu xá, năm 1982 họa sĩ Bùi Xuân Phái đã nhờ anh mời Như Quỳnh đến để ký họa chân dung. Sau này, danh họa cũng đã cho ra đời hàng trăm bức ký họa các văn nghệ sĩ họa tại đây.
Tình nghệ sĩ tri kỷ “chia ngọt sẻ bùi”
Nhớ lại những năm tháng sống cùng cha, Trần Chính Nghĩa cho biết, năm 1982 cũng là năm cha anh - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và những người bạn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lưu bị bệnh phổi. Trong khi vợ ông và người bạn thân - nhạc sĩ Tử Phác cùng mất năm 1982. Năm đó, anh vẫn thường lái xe chở cha đến thăm hỏi ông Tử Phác tại nhà riêng - 64 Hàng Giấy cùng với họa sĩ Bùi Xuân Phái, ông Lê Chính. Là những người bạn thân chơi với nhau, hiểu nhau, các ông vẫn thường gặp nhau để động viên nhau vượt qua khó khăn, bệnh tật.
Cùng năm đó, biết người bạn tri kỷ của mình liên tiếp đón nhận những nỗi buồn, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ tặng Trần Văn Lưu bức tranh chân dung bên chiếc máy ảnh, cùng với một con chó màu trắng (trùng với con giáp năm Nhâm Tuất - 1982) với ngụ ý dắt chó đi dạo để lòng thanh thản, vơi đi nỗi buồn khi người thân đã về cõi vĩnh hằng.
“Thực ra thì Bùi Xuân Phái đã bắt đầu vẽ cho cha tôi những bức tranh con giáp khổ lớn từ cả chục năm trước mà không hề vẽ cho người khác” – Trần Chính Nghĩa kể - “Năm 1973 (năm con Trâu, Quý Sửu), trước lúc giao thừa, họa sĩ đến chơi nhà tôi, chỉ mang theo bút và bột màu, vì biết nhà ông Lưu luôn có sẵn giấy trắng khổ to, 80 x 110 cm. Hòa vào niềm vui chung của đất nước nhân Hiệp định Paris được ký kết, Bùi Xuân Phái đã phóng bút vẽ chân dung Trần Văn Lưu mặc áo vét đỏ, mũ phớt cũng đỏ, đang giơ tay chào đón chú Trâu có đôi sừng to vui cười, với nền sau là con chim bồ câu màu trắng cùng hoa đào đỏ thắm biểu tượng cho hòa bình trở lại.
Kể từ năm 1973, cứ theo thông lệ vào dịp Tết đến, họa sĩ Bùi Xuân Phái lại vẽ một bức tranh chúc mừng với tạo hình là chân dung Trần Văn Lưu cùng với linh vật của năm đó. Nhớ lại những kỉ niệm xúc động giữa cha và “bác Phái”, anh vân thấy hiển hiện hình ảnh Bùi Xuân Phái trên chiếc xe đạp cà tàng dựng trước sân nhà, gọi vọng vào “Lưu ơi!” một cách thân tình để rủ cha anh đi ăn khao cháo sáng mỗi khi được “lĩnh” tiền “vi-nhét” (“vi” là nhỏ, “nhét” là nhét vào ví, vi-nhét không phải là vignette, tức họa tiết, hình trang trí nhỏ, mà là khoản nhỏ đút ví – một cách chơi chữ dí dỏm).
- Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa: Người kể cuộc đời Bùi Xuân Phái qua ống kính
- Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa (Bài 1): Mối duyên với nhiếp ảnh chân dung từ 'Gác Lưu xá'
- Triển lãm ảnh 'Bùi Xuân Phái – Trăm năm một tình yêu Hà Nội' của Trần Chính Nghĩa
Anh kể thêm, thời bấy giờ, ông Lê Chính - trưởng phòng Mỹ thuật báo Văn nghệ cũng là người có nhiều nghĩa tình với Bùi Xuân Phái. Là người chọn minh họa cho báo Văn nghệ, Lê Chính thường “nhận việc” cho ông Phái để ông có vài đồng “vi-nhét”. Khi ấy, ông Phái chưa nổi tiếng, chưa có lương, sống chủ yếu bằng vẽ minh họa. Mỗi bức minh họa được khoảng 4 đồng. Ông Phái thường “nộp” cho vợ một nửa, nửa còn lại thì đi ăn sáng, uống rượu, đãi bạn (bát cháo khi ấy cũng chỉ 1 đồng).
Lần khác, ngay sau cuộc triển lãm đầu tiên năm 1984, họa sĩ Bùi Xuân Phái phi đến nhà, khoe ngay với Trần Văn Lưu rằng: “Hôm nay tớ bán được hai bức tranh cho ông tùy viên văn hóa Pháp, ông trả tiền đây rồi, chuẩn bị khao đấy”. Trước đó, tại triển lãm, ông Jorland - tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp - là người duy nhất “mở hàng” mua liền hai bức tranh tại chỗ.
Sự sẻ chia ngọt bùi của bộ đôi “Lưu – Phái” ở cái thời mà “nỗi đời cay cực đang giơ vuốt” đã làm nên tình tri âm, tri kỷ, chẳng thể phai mờ đi theo năm tháng, bởi chúng con nguyên trong ký ức của những người ở lại, còn nguyên trong những tác phẩm thấm đẫm tình nghệ sĩ của một thời.
Công Bắc
Tags