(Thethaovanhoa.vn) - Với hàng nghìn cơ sở karaoke trên địa bàn Hà Nội, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa này được coi khá nhạy cảm và phải tuân thủ các điều kiện của pháp luật. Quy định là vậy, nhưng hoạt động kinh doanh karaoke đang tồn tại những bất cập mà ngay chính các địa phương còn lúng túng khi xử lý.
- Hát ở Karaoke ở TP.HCM: 2 vụ án mạng, 5 người thương vong
- Tin mới nhất về vụ 'đột kích' quán karaoke G5 ở Hải Phòng
Cầu Giấy được coi là một trong những địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh karaoke nhất Hà Nội, tới 88 cơ sở. Cũng vì hoạt động này diễn ra sôi động, trên địa bàn quận cũng có tới 8 cơ sở hoạt động không phép và đều bị lực lượng chức năng xử lý, buộc ngừng hoạt động. Ngay cả các cơ sở hoạt động có phép cũng đang xảy ra nhiều bất cập mà các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, xử lý nhưng việc khắc phục còn nhiều khó khăn.
Chia sẻ vấn đề này, bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: “Hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường là loại hình nhạy cảm thường xuyên phát sinh những sai phạm. Một số nội dung chế tài trong kiểm tra xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh karaoke chưa thực sự đủ sức răn đe”. Từ đầu năm đến nay, quận Cầu Giấy đã kiểm tra trên 150 lượt cơ sở kinh doanh karaoke, xử phạt 47 cơ sở với tổng số tiền gần 623 triệu đồng.
Một số cơ sở kinh doanh karaoke trong hoạt động xảy ra sai phạm, có thể kể đến: Cơ sở tại 116 Trần Duy Hưng, 22 lô 13 Trung Yên, 25A Tập thể văn công Mai Dịch, số 4 ngõ 92 Hồ Tùng Mậu, số 2 ngõ 93 Hồ Tùng Mậu…
Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra tại một cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN
Trong quá trình các cơ quan chức năng kiểm tra, nhiều cơ sở không hợp tác, đóng cửa không cho lực lượng chức năng vào làm việc hoặc nhiều cơ sở khi bị kiểm tra thì tìm cách đối phó. Có tình trạng cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động không phép, nhưng khi bị kiểm tra thì chủ cơ sở viện lý do đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép.
Tuy vậy, sau một thời gian, lực lượng chức năng quay trở lại kiểm tra thì cơ sở này vẫn trong tình trạng chưa có phép. Theo đại diện Công an quận Cầu Giấy, cơ sở kinh doanh karaoke tại lô 13 Trung Yên bị lực lượng công an xử lý tới 3 lần nhưng vẫn tiếp tục sai phạm. Khi bị yêu cầu đóng cửa, cơ sở này không chấp hành buộc Công an quận Cầu Giấy và Công an phường Yên Hòa thay phiên nhau chốt trực hai ca mỗi ngày tại đây. Một giải pháp khác đã tính đến là đề nghị phường Yên Hòa cắt điện, nước nhưng cách xử lý này chưa phù hợp.
Còn tại quận Tây Hồ, hiện có 20 cơ sở kinh doanh karaoke (không kể 4 cơ sở tự đóng cửa nghỉ kinh doanh trong năm nay). Mặc dù, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa này không nhiều nhưng vẫn không tránh khỏi các bất cập. Cùng đoàn kiểm tra của thành phố và quận Tây Hồ kiểm tra cơ sở Karaoke Palace số 135 Nghi Tàm cho thấy, vệ sinh môi trường tại cơ sở này, từ lối đi, sàn nhà dơ bẩn, đồ ăn thừa để bừa bãi.
Hơn nữa, diện tích một số phòng hát, ánh sáng, thiết kế cửa ra vào các phòng không đảm bảo, không có tiêu lệnh phòng cháy, chữa cháy… Lực lượng chức năng đã yêu cầu người quản lý cơ sở này nghiêm túc khắc phục những bất cập trên. Những hạn chế này không chỉ xảy ra ở Karaoke Palace mà còn xảy ra ở nhiều cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận. Lỗi các cơ sở kinh doanh karaoke hay gặp phải và cũng là lỗi lớn nhất là chưa đảm bảo các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke tại Tây Hồ đều bị phạt do không có lối thoát nạn, không có hệ thống chữa cháy tự động. Ngoài ra, lỗi về biển hiệu quảng cáo cũng thường xuyên xảy ra đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vì hầu hết các cơ sở này đều làm biển hiệu to, bắt mắt để hấp dẫn khách hàng. Lỗi này không chỉ vi phạm Luật Quảng cáo mà còn ảnh hưởng mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy.
Khó khăn xử lý với các hình thức kinh doanh karaoke mới
Hiện nay, trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Đống Đa… đang rộ lên hoạt động “Hát cho nhau nghe”. Riêng ở quận Cầu Giấy có tới 100 cơ sở có sử dụng âm nhạc trong môi trường kinh doanh. Thực chất, đây là các nhà hàng ăn uống, cà phê tổ chức hình thức này, không thu tiền hát nhưng tính giá đồ ăn, uống cao hơn bình thường.
Tất nhiên, các cơ sở có hoạt động này đều không xin phép, không có phòng cách âm cho khách hát. Đáng nói, hoạt động “Hát cho nhau nghe” gây tiếng ồn lớn cho khu vực, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người dân và gây bức xúc cho mọi người.
Đây chính là hình thức biến tướng của hoạt động karaoke và chủ cơ sở không thực hiện các điều kiện của hoạt động karaoke. Vấn đề này gây khó khăn cho công tác quản lý dịch vụ văn hóa và các địa phương đang lúng túng trong việc xử lý.
Bà Chu Thị Minh Tân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Tây Hồ thừa nhận: Gần một năm trở lại đây, trên địa bàn quận có hình thức “Hát cho nhau nghe” và được nhiều người hưởng ứng. Phường Nhật Tân là địa bàn xuất hiện nhiều cơ sở tổ chức hoạt động này. Mặc dù hình thức này đang nảy sinh nhiều bất cập, nhưng lực lượng chức năng chưa biết áp dụng hình thức xử lý, đồng thời kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hướng dẫn cách thực hiện.
Một vấn đề khác, tại một số quận nội thành đang xuất hiện tình trạng các cơ sở kinh doanh karaoke phục vụ riêng cho người nước ngoài và cơ sở do người nước ngoài điều hành, thông qua danh nghĩa của người Việt Nam quản lý (chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản).
Theo ông Quách Tuấn Anh, Phòng An ninh chính trị nội bộ, PA83, Công an Hà Nội cho biết, với các cơ sở kinh doanh karaoke phục vụ người nước ngoài, phần lớn chủ cơ sở là nữ, am hiểu về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, các trang thiết bị của cơ sở chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch không được kiểm định, lượng tiếp viên người Việt đông, hình thức hoạt động chủ yếu về đêm… nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ về phòng cháy, chữa cháy rất lớn. Ông Quách Tuấn Anh còn cho biết, có cơ sở kinh doanh karaoke phục vụ cho người nước ngoài có tới 70 đến 100 nhân viên nữ.
Điều này cho thấy, công tác quản lý nhân viên trong các cơ sở này gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Sơn Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, ở Cầu Giấy có 9 cơ sở kinh doanh karaoke phục vụ người nước ngoài và đã nhiều lần bị Thanh tra văn hóa xử lý.
Trước thực trạng này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng lực lượng công an và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố nhằm chấn chỉnh hoạt động này.
Ông Trần Văn Thưởng, Phó phòng quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, về quản lý hoạt động “Hát cho nhau nghe” có tính chất karaoke, Sở hướng dẫn các địa phương thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 103/2009/NĐ-CP về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và Thông tư 04 hướng dẫn thi hành.
Tuy vậy, các quận, huyện có các cơ sở hoạt động theo hình thức “Hát cho nhau nghe” cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện ngay từ đầu, hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Còn với cơ sở phục vụ riêng cho người nước ngoài hoặc do người nước ngoài thuê người Việt đứng danh là hoàn toàn không được phép.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra xử lý, đồng thời tuyên truyền cho các cơ sở thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Mục đích cuối cùng để hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn Hà Nội được lành mạnh hóa, phục vụ nhu cầu giải trí và đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
TTXVN/Đinh Thị Thuận
Tags