Để Công Phượng, Văn Toàn và nhiều ngôi sao khóa 1 rời đi, bầu Đức kỳ vọng lứa trẻ HAGL sẽ dần trưởng thành để tạo nên một thế hệ thành công mới. Nhưng có một sự thật đáng lưu tâm đang diễn ra với việc đào tạo trẻ của HAGL.
Khởi đầu bằng thảm bại 0-5 khi gặp PVF rồi sau đó không thể gượng dậy để cứu vãn tình hình, HAGL vừa phải sớm rời giải U17 Quốc gia 2023 ngay từ vòng bảng.
Ở giải đấu này, U17 HAGL thua U17 Hà Nội 0-1, chỉ có được trận hòa trước U17 Đà Nẵng, xếp cuối bảng A với 1 điểm, ghi được 1 bàn thắng và thủng lưới 7 lần.
Sau màn ra mắt ấn tượng của lứa Công Phượng vào năm 2013, thành tích đào tạo trẻ của HAGL dần đi xuống trong những năm qua.
Ở đội một, không có nhiều nhân tố mới từ các khóa 2, khóa 3 lò HAGL đủ sức tìm được vị trí. Đa số đều phải chấp nhận chuyển tới thi đấu cho các đội ở hạng Nhì, hạng Nhất để tích lũy kinh nghiệm thi đấu.
Việc gửi quân đi các nơi như vậy khi lực lượng đào tạo trẻ đông đảo là hợp lý. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ không nhiều cầu thủ của các khóa sau đủ sức tạo được dấu ấn ở đội một.
Để so sánh, CLB Hà Nội cũng thường xuyên cho cầu thủ trẻ đi thi đấu theo dạng cho mượn ở hạng dưới. Tuy nhiên đội bóng này vẫn đảm bảo được việc có những nhân tố đủ chất lượng để tăng cường cho đội một qua từng năm.
Sự thiếu kế thừa ở đội bóng phố Núi dần được nhận ra và được thể hiện rõ nhất khi một loạt trụ cột HAGL rời đi sau mùa giải 2022.
Những Thanh Nhân, Bảo Toàn, Đình Bảo còn khá non nớt, trong như những cái tên chững chạc hơn như Quang Nho, Thanh Bình, Anh Tài… vốn cũng chưa thực sự có nhiều dấu ấn tại V.League.
HLV Kiatisuk được giao nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển CLB HAGL ở thời hậu lứa Công Phượng, Văn Toàn. Nhưng nhìn vào những gì HAGL thể hiện sau 4 vòng đã đấu ở V.League 2023 (hòa cả 4 trận), không khó để nhận ra với lực lượng hiện có trong tay, chiến lược gia người Thái Lan sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn nữa để cải thiện tình hình.
Trong 10 năm qua, tại các giải trẻ quốc gia, HAGL chỉ có một lần giành được chức vô địch. Đó là giải U21 Quốc gia năm 2017. Các lứa trẻ của đội bóng này chưa một lần vào được chung kết giải U17 Quốc gia, còn đội U19 thành tích nhỉnh hơn một chút với 2 lần giành chức á quân.
Tại các cấp độ đội tuyển, không khó để nhận ra sức ảnh hưởng của cầu thủ lò HAGL qua mỗi năm lại giảm dần. Xuân Trường dần vắng mặt trong các đợt triệu tập ĐTQG, trong khi Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy cũng ít dần số lần đá chính trong thời gian cuối ở thời thầy Park.
Với U23 Việt Nam, HAGL chỉ đóng góp 3 cái tên ở VCK U23 châu Á 2022, nhưng màn trình diễn của Thanh Nhân, Minh Bình hay Quang Nho cũng không quá nổi bật.
Điều này khác rất nhiều so với những năm trước, khi từng có thời gian dàn cầu thủ khóa 1 HAGL trở thành trụ cột của đội U19 rồi U23 Việt Nam trong nhiều năm.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây ít năm, HLV Huỳnh Văn Ảnh, người đã có hơn 40 năm gắn bó với bóng đá Gia Lai và hiện phụ trách việc đào tạo trẻ của CLB, từng thẳng thắn chia sẻ về lý do HAGL dần ít xuất hiện các ngôi sao trẻ. Ông nói:
"Theo tôi nghĩ nguyên nhân rất đơn giản. Khóa 1, khóa 2 ở thời điểm đó (2007) bóng đá của HAGL rất nổi, có thương hiệu rất lớn trên khắp cả nước. Từ đó, khi tuyển sinh thì các em trên cả nước đều tập trung về, muốn vào được học viện. Nhờ thế mà lò HAGL có nhiều tài năng để phát triển.
Còn những khóa sau này, việc tuyển chọn không còn được như xưa nữa. Các CLB khác có nhiều vệ tinh. Sau khi thấy HAGL làm thì họ cũng mở rộng việc tuyển chọn, có các vệ tinh trên khắp cả nước. Từ đó khiến nguồn cầu thủ của lò HAGL cũng bị ảnh hưởng".
Bầu Đức được coi là người đi đầu, thúc đẩy cho việc xây dựng và phát triển của những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên nhìn những gì các lứa đàn em Công Phượng đang thể hiện, ông liệu có thấy lo cho tương lai của CLB HAGL?
“Xuân Trường đệ nhị” nhận định sự cạnh tranh ở ĐT U23 Việt Nam rất căng thẳngTags