Có tới tận 2 trong tổng số 3 từ tiếng Việt xuất hiện trong từ điển Oxford là những món ăn Việt Nam.
Không thể phủ nhận nét đặc sắc, phong phú và độ nổi tiếng của ẩm thực Việt, thế nhưng quả thật, cứ mỗi khi có thêm một món ăn nào đó nhận được sự quan tâm của bạn bè quốc tế thì vẫn khiến cho chúng ta càng thêm tự hào. Đó đều là những "thành tích" mà ẩm thực Việt ghi dấu và khẳng định vị trí của mình khi sánh vai cùng những nền ẩm thực ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Trong số rất nhiều món ăn đã từng vang danh trên truyền thông quốc tế, có lẽ không ai có thể quên được những dấu ấn đậm sâu mà 2 món bánh mì và phở đã làm được. Bên cạnh rất nhiều lần xuất hiện trên báo chí, truyền hình nước ngoài, hay có rất nhiều nhà hàng bán 2 món này được mở ở các nước khác nhau, chắc hẳn bạn không thể quên sự xuất hiện của phở và bánh mì trong từ điển Oxford.
Trong số 3 từ tiếng Việt có mặt trong cuốn từ điển danh tiếng này thì đã có tới 2 từ là món ăn (từ còn lại là "áo dài").
Năm 2007, "phở" được thêm vào từ điển Oxford
Theo cách hiểu ở nhiều nước trên thế giới thì phở là một món ăn gồm bánh phở (sợi phở) là một loại sợi được làm từ gạo, thêm thịt bò hoặc thịt gà rồi chan nước dùng. Trước đây, người nước ngoài gọi phở là một loại "noodles" (món ăn dạng sợi), tuy nhiên nó rất dễ nhầm lẫn với vô vàn món mì khác nhau trên thế giới. Trong khi đó, phở lại có rất nhiều nét đặc sắc riêng, cách ăn cũng vô cùng thú vị, không giống bất kì món mì hay món sợi nào trên thế giới. Cụ thể, khi ăn, người ta sẽ cho thêm các loại gia vị đi kèm như tương ớt, hạt tiêu, chanh, ớt và ăn cùng với rau thơm... Có lẽ bởi vậy mà sau đó, người ta quyết định để phở là một cái tên riêng xuất hiện trong từ điển.
Vào tháng 9/2007, phở - món ăn nổi tiếng của người Việt chính thức được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary), xuất bản ngày 20-9 tại Anh và Mỹ. Từ đó, món phở của Việt Nam chúng ta ngày càng được biết đến rộng rãi hơn. Bạn bè quốc tế cũng dần quen với cái tên phở khi nói tới món ăn này, thay vì gọi là một loại "noodles" nào đó.
Năm 2011, từ điển Oxford công nhận "bánh mì" là một món ăn riêng
Dù nguồn cảm hứng thật sự tạo nên bánh mì Việt Nam có được là từ việc học hỏi món bánh mì kiểu Pháp, thế nhưng không thể phủ nhận độ sáng tạo của người Việt. Thay đổi từ phần vỏ bánh mì, là những chiếc bánh có phần vỏ giòn rụm, rỗng ruột và xốp hơn so với bánh mì Pháp (có phần ruột đặc, vỏ dày và hơi mềm) cho đến phần nhân kẹp bên trong cũng vô cùng đặc sắc. "Concept" bánh mì Việt là những chiếc bánh với phần nhân "kẹp đủ thứ" với pate, thịt, chà bông, rau dưa chua... Dần dà, món bánh này không chỉ chinh phục người Việt mà còn khiến cho các vị khách quốc tế mê đắm, thích thú.
Cùng với việc được du khách quốc tế yêu thích, có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và được truyền thông quốc tế khen ngợi thì năm 2011, từ điển Oxford công nhận "bánh mì" là một món ăn riêng, đồng nghĩa với việc, món ăn này vinh hạnh được thêm vào từ điển Oxford, xác nhận là một danh từ riêng: "Bánh mì"- (banh mi /ˈbɑːn miː/). Cuốn từ điển này miêu tả bánh mì là một món ăn nhẹ, bên trong kẹp một hoặc nhiều loại thịt, pate và rau củ như cà rốt, dưa chuột, rau mùi… và kèm gia vị như ớt, hạt tiêu.
Cứ thế, 2 món ăn nổi tiếng của Việt Nam được khẳng định vị trí đầy tự hào trên trường quốc tế. Và thật thú vị khi gọi món ăn này, dù ở bất kì nơi đâu trên thế giới, người ta đều cần nói tiếng Việt. Cho đến nay, cả phở và bánh mì vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền ẩm thực Việt ngày càng tiến xa hơn, sánh vai với nền ẩm thực của các nước bạn trên thế giới.
Tags