Lễ trao giải Cánh diều 2023 diễn ra cuối tuần qua tại Nhà hát Đó (Vega City, Nha Trang), với nhiều đổi mới về các hạng mục phụ trợ và công tác tổ chức.
Xét về mặt nghệ thuật, điểm chung lớn nhất của Cánh diều Vàng cho phẩm điện ảnh và phim truyền hình đó chính là ngôn ngữ điện ảnh được chú trọng nhiều hơn. Cánh diều là giải của hội nghề nghiệp - Hội Điện ảnh Việt Nam - nên việc chú trọng vào ngôn ngữ điện ảnh là rất đáng ghi nhận.
Cánh diều Vàng của hạng mục điện ảnh là phim Tro tàn trực rỡ (đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên) và hạng mục truyền hình là phim Mẹ rơm (43 tập, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Phương Điền, VFC sản xuất). Cùng thuộc thế hệ cuối của 6X, hai đạo diễn này đều có bản sắc và tay nghề cao trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Bên cạnh đó, phim truyền hình Anh có phải đàn ông không? (28 tập, đạo diễn: Trịnh Lê Phong, VFC sản xuất) được xướng tên ở Cánh diều Bạc.
Khi truyền hình đậm chất điện ảnh
Nếu so với Mẹ rơm, thì Anh có phải đàn ông không? không nhiều chất điện ảnh bằng, cũng ít công phu và ý đồ nghệ thuật. Nhưng nếu so với đa số phim còn ở hạng mục này, thì vẫn có nhiều nét nổi trội hơn, nên cũng xứng đáng với giải Cánh diều Bạc.
Nguyễn Phương Điền là đạo diễn giỏi nghề, đã làm hơn 1.100 tập phim, không chỉ với Mẹ rơm, mà nhiều phim truyền hình trước đây như Âm tính, Cha rơi, Nữ cảnh sát tập sự, Con gái bố già, Tiếng sét trong mưa, Lưới trời… cũng đậm chất điện ảnh. Có thể nói anh luôn mang con mắt điện ảnh khi làm phim truyền hình; cũng như nhiều đạo diễn khác đã mang con mắt truyền hình khi làm phim điện ảnh.
Với 43 tập, do Kim Li Bắc và Toto Chan biên kịch, tưởng chừng như lê thê, nhưng Nguyễn Phương Điền đã chăm chút và kể dứt điểm từng phân đoạn, để nó có nhiều chất điện ảnh. Ngoài Thái Hòa (vai Mô "gù") đã quá kinh nghiệm với phim điện ảnh, thì những diễn viên còn lại như Cao Minh Đạt, Cao Thái Hà, Minh Luân… cũng khá quen với ngôn ngữ điện ảnh, nên cùng nhau làm nên những thước phim có nhiều chất điện ảnh.
Dù đầu tư cho phim truyền hình vẫn còn khá thấp, nhưng nhìn vào các phim tranh giải ở Cánh diều 2023, Nguyễn Phương Điền chia sẻ rằng, anh thấy hạnh phúc khi nhiều đạo diễn và ê-kíp đã rất nỗ lực để làm phim có được chất điện ảnh. Không kể các nền điện ảnh đã phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản…, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã làm được các phim truyền hình đậm chất điện ảnh, thậm chí truyền hình bom tấn, nên đây là một xu thế chung.
Cần phải có chợ phim
Tham dự đêm trao giải và giành được Cánh diều Bạc cho phim truyền hình Bình minh phía trước, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói rằng bên cạnh những điều làm được, thì còn một số giá như. Anh chia sẻ: "Giá như có một diễn đàn để các nghệ sĩ, những nhà sáng tạo, những tổ sản xuất… có thể tự do đăng ký sẻ chia, chào mời, giới thiệu và ký kết các dự án thì tốt quá. Tôi đã dự nhiều hội thảo na ná như vậy ở nhiều LHP, nhưng nó kém ứng dụng quá, không mấy hiệu quả.
Giá như LHP có thêm chợ phim. Chợ đúng nghĩa của chợ, để những nhà đầu tư, nhà sản xuất tìm kiếm nguồn và cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển. Cánh diều năm nay, như thường niên, náo nhiệt, vui vẻ trong tiệc tùng. Đó có thể là phần ý nghĩa hơn cả, vì trong bữa tiệc nhiều người có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi các dự án, kế hoạch cá nhân. Tôi cũng gặp một số bạn bè để có thể sẻ chia vài vấn đề về kỹ nghệ, mà đôi khi không phải với ai, lúc nào cũng sẻ chia được. Tuy nhiên, chưa nói được bao nhiêu, thì tiệc đã tàn".
Dấu ấn riêng của giám khảo điện ảnh
Năm nay, hạng mục phim truyện điện ảnh có sự tham gia của 16 tác phẩm, có cả thương mại, độc lập và nghệ thuật, mà dòng nào cũng có sự nổi trội, tùy vào tiêu chí mà có thể trao Cánh diều Vàng. Thật sự là khó cho ban giám khảo khi chọn lựa, nhưng nói như PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam): Năm nay, ngôn ngữ điện ảnh là một khía cạnh rất được chú trọng. Có lẽ vì vậy mà phim độc lập Tro tàn rực rỡ đã vượt qua được nhiều ứng viên sáng giá, nặng ký để thắng giải Cánh diều Vàng.
Nhiều khán giả đã không mặn mà với Tro tàn rực rỡ, khi ra rạp phim chỉ thu về hơn 4 tỷ đồng tiền vé, theo Box Office Vietnam. Không mặn mà, vì ngoài câu chuyện khá nặng nề, cách kể chậm rãi, thì cách thức quay phim chỉ dùng một ống kính 35ly với tiêu cự 40mm trên máy ARRI LF (medium format), không hề dễ xem. Thế nhưng, với giới nhà nghề, đây là ngôn ngữ điện ảnh khá riêng biệt, nếu so với bối cảnh làm phim điện ảnh của Việt Nam hiện nay. Ngôn ngữ này, cách quay này đã diễn tả hiệu quả, sâu sắc sự tĩnh tại trong các xáo động, sự mâu thuẫn giữa cảm xúc giằng xé bên trong với sự thản nhiên đến vô cảm ở bên ngoài.
Nếu ban giám khảo chọn một phim có ngôn ngữ điện ảnh đèm đẹp, nịnh mắt, hoặc một phim thiên về thị giác, hoặc chất lãng mạn… thì mùa giải này đều có thể đáp ứng được. Nhưng khi trao cho Tro tàn rực rỡ, ban giám khảo đã xác tín "đi ngược" dư luận và số đông khán giả, để ghi nhận, bày đỏ chính kiến trước một phim đậm chất điện ảnh, có tay nghề riêng.
Dấu ấn Thái Hòa
Từng được mệnh danh là "ông hoàng phòng vé", dù Thái Hòa không thừa nhận danh xưng này, nhưng các phim điện ảnh có anh tham gia như Để Mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ, Tèo Em, Chàng vợ của em, Quả tim máu, Để Mai tính 2, Hồn papa, da con gái, Tiệc trăng máu, Con Nhót mót chồng… đã giúp các nhà sản xuất bội thu. Ngay các phim truyền hình trước đây như Cuộc chiến quý ông, Cha rơi, Cây táo nở hoa, Xóm chùa… cũng mang lại lượng người xem rất đông đảo, thắng nhiều giải thưởng.
Đến với Cánh diều 2023, Thái Hòa đã làm nên lịch sử cho giải thưởng này, khi lần đầu tiên có diễn viên thắng Cành diều Vàng ở cả Nam diễn viên chính xuất sắc phim điện ảnh (vai ông Xỉn trong phim Con Nhót mót chồng) và Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyền hình (vai Mô "gù" trong phim Mẹ rơm).
Một thành viên Ban giám khảo (muốn giấu tên) nói rằng Thái Hòa thật ra khó có đối thủ ở Cánh diều 2023, vì anh đã quá xuất sắc khi vào vai người cha "xấu xí", nhưng sâu thẳm bên trong là tấm lòng hy sinh, yêu thương con cái. Nếu so sánh hai vai người cha trong Cha rơi với Mẹ rơm, cũng do Nguyễn Phương Điền đạo diễn, sẽ thấy ngạc nhiên vì khả năng lột tả và làm mới của Thái Hòa.
Thái Hòa rất cẩn thận khi đọc kịch bản, thấy hợp vai và có hướng diễn mới thì nhận lời, không thì thôi. Với phim điện ảnh cũng vậy, vài nhà sản xuất muốn trả hơn 2,5 tỷ đồng để mời vào vai chính, chỉ quay chừng 3 tuần, nhưng vì thấy không hợp vai, Thái Hòa đã từ chối. Còn khi đã nhận lời, ra phim trường sẽ rất nhập tâm, đầu tư, xả thân cho vai diễn, tạo được hứng khởi chung cho ê-kíp thực hiện.
Dù làm nên lịch tại Cánh diều, nhưng Thái Hòa đã bất ngờ vắng mặt tại đêm trao giải, dù nhìn ra phim trường, thì anh không bận quay phim nào. Không chỉ vắng mặt, mà còn tắt hết các phương tiện liên lạc và mạng xã hội. Lý do cụ thể cho việc này thì chưa rõ, nhưng với tính cách của Thái Hòa lâu nay, anh thường có cảm giác lạc lõng với những chỗ đông người, không thoải mái với việc chưng diện.
Các hạng mục khác của Giải Cánh diều 2023
Bên cạnh các giải thưởng ở hai hạng mục Phim truyện điện ảnh và Phim truyện truyền hình, giải Cánh diều còn trao một số giải tiêu biểu ở các hạng mục như:
* Công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh:
- Cánh diều vàng: "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" (PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú)
* Phim ngắn:
- Cánh diều vàng: Dưới đáy hố
- Cánh diều bạc: Ảo giác
* Phim tài liệu:
- Cánh diều vàng: Bẫy
- Cánh diều bạc: Phía trên những đám mây, Đường đến hòa bình
* Phim khoa học:
- Cánh diều vàng: Hố đen
- Cánh diều bạc: Khi dòng sông vắng lũ, Sinh tồn
* Phim hoạt hình:
- Cánh diều vàng: Nguồn cội
- Cánh diều bạc: Cô bé tóc xù, Tái sinh
Tags