Nhìn lại điện ảnh 2014: Vì đâu vai ác thống trị màn bạc?

Thứ Ba, 30/12/2014 06:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từ bỏ nhân tính khi nỗ lực đạt mục đích là điều mà hàng loạt nhân vật đã thực hiện trong các bộ phim nổi bật nhất năm 2014. Những tác phẩm này cho thấy con người trở nên đáng sợ nhất, khi họ làm gì đó “bằng mọi giá”.

Cực đoan là thứ mà các nhà làm phim đã nhiệt tình “bơm” vào nhân vật của mình. Thành thử, bài học lớn dành cho người xem từ những bộ phim nổi bật trong năm, như Birdman, Nightcrawler hay Gone Girl, là hãy từ bỏ nhân tính để có được thứ bạn muốn. Đây là thông điệp rất thiếu nhân tính, nhưng lại là cách hiệu quả nhất để gây ấn tượng trên màn ảnh năm qua.

Không lương thiện và không hướng thiện

Đòi hỏi diễn xuất ngày càng khắc nghiệt, những vai diễn mà khán giả không thể quên ngày càng thiên về tính cách tiêu cực. Những nhân vật đầy sẹo, theo nghĩa bóng, không có nhân cách cao cả để người xem tôn quý hay ít nhất là có sự hướng thiện.

Họ thậm chí còn không hề hướng thiện, như vậy mới đáng gọi là “cực đoan”. Các nhà làm phim đẩy sự xấu xa, độc ác trong con người nhân vật lên đến mức cao nhất, xóa mờ ranh giới giữa đạo đức, tính xã hội và tính mục đích trong con người.

Nhưng những nhân vật như vậy không hoàn toàn bị ghét bỏ và lên án. Ngược lại, đa phần người xem cho họ là những “ca” thú vị đáng suy ngẫm về con người.

Những vai diễn như Amy trong Gone Girl, Andrew hay Terence trong Whiplash, Lou Bloom trong Nightcrawler... và một trường hợp nặng tính giải trí hơn, Maleficent trong phim cùng tên, là nhân vật phản diện nhưng đóng vai trò chính trong phim. Họ không đối lập với một nhân vật chính diện, thuộc “phe thiện”, làm trụ cột trong phim. Và thực tế, đó là những vai diễn hấp dẫn, thu hút nhiều bản luận nhất trong năm.


Những nhân vật ác nổi bật trong điện ảnh 2014: Lou Bloom (Nightcrawler), Amy Dunne (Gone Girl), Terence Fletcher (Whiplash).

Chính vì vai phản diện được đưa lên lên tuyến chính, các bộ phim không dừng lại ở phản ánh hay phán xét hành động của nhân vật phản diện. Thay vì thế, phim cung cấp cái nhìn rất sâu sắc về nguyên nhân hành động của họ.

Amy (Gone Girl) có một tuổi thơ ngập trong cái bóng của nhân vật truyện thiếu nhi “huyền diệu” mà bố mẹ cô tạo ra trong sách của họ. Andrew (Whiplash) từng bị bạo hành cả về thể xác, tinh thần và cảm xúc bởi một giáo viên. Fletcher (cũng trong Whiplash) bị ép phải luyện tập đến khi tay đổ máu. Còn tay phóng viên Lou Bloom khó hiểu hơn, vì hành động của hắn vượt xa nhân tính hơn, nhưng vẫn là mẫu nhân vật mà người xem không nên né tránh.

“Mày phải đoạt được nó” là câu nói của nhân vật Fletcher, tên thầy giáo âm nhạc bạo hành học trò trong Whiplash. “Nó” ở đây là thành công, tiền bạc, danh tiếng, sự kính nể và cả sự trả thù - tất cả. Các nhân vật trên đây có điểm chung là họ đều đạt được mục đích, bất kể phi nhân tính đến mức nào.

Khi “phản anh hùng” đã lỗi thời

Điều còn đáng sợ hơn cả cái ác chính là việc cái ác đưa người ta đến một kết cục mãn nguyện. Gone Girl, Foxcatcher, Whiplash, Birdman hay Nightcrawler đều có nhân vật mang những mục tiêu rất to lớn và cầu toàn, thực hiện chúng bằng nhiều thủ đoạn, trong đó có tội ác, và nhà làm phim để họ thành công.

Nguyên nhân của xu hướng lạ lùng này nằm ở thời đại. Với điện ảnh năm qua, khái niệm “phản anh hùng” dường như đã lỗi thời. Vì những bộ phim như trên không đòi hỏi phải có một anh hùng đại diện cho điều thiện. Khi Người Nhện trở nên kiêu căng và phần nào thỏa hiệp với cái ác trong một phần phim, đó chỉ là tình tiết phụ vì kết phim anh ta vẫn trở về với cái thiện. Còn các nhân vật phản diện trong phim ảnh 2014 không có giai đoạn đó. Họ theo đuổi cái ác từ đầu đến cuối.

Sự xuất hiện ồ ạt của các vai chính độc ác đánh dấu một xu hướng mới, đó là điện ảnh ngày càng cần đến các nhân vật bị tổn thương, phức tạp, chân thực, sẵn sàng làm đau người khác, khiến khán giả phải bối rối, thậm chí ghê sợ.

Họ không bị coi là nhân vật phản diện, không bị lái theo một thông điệp nhân văn khiên cưỡng. Điều cuối cùng, quan trọng nhất, là không thể đánh giá họ theo các tiêu chuẩn đạo đức thông thường của con người trong xã hội.

Từ màn ảnh, khán giả biết Lou Bloom trong Nightcrawler là một kẻ bị rối loạn nhân cách xã hội. Anh ta không cảm nhận và hành xử theo cách của một người bình thường. Vì thế, khán giả hồi hộp dõi theo từng hành động của anh ta, vì biết họ không thể đoán trước được câu chuyện, như với những nhân vật là người bình thường, sống tuân theo các quy tắc.

Amy trong Gone Girl ngược lại, không vượt ra ngoài xã hội mà lại là một sản phẩm đầy tổn thương của chế độ gia trưởng. Sự phản kháng ở nhân vật này thể hiện ra ngoài ở hình thức tấn công và làm tổn thương người khác. Amy vẫn trong quy luật xã hội, chỉ có điều cô hiểu rõ và dùng quy luật đó để điều khiển mọi người theo mục đích của mình.

Ông thầy Fletcher trong Whiplash chọn cậu học trò Andrew làm nạn nhân bạo hành của mình, ném ghế vào cậu chỉ vì chơi sai một nhịp trống, tát vào mặt cậu tàn nhẫn trước mặt cả lớp. Đỉnh điểm là khi Fletcher mở cả một buổi hòa nhạc để hạ nhục Andrew trước mặt công chúng.

Câu hỏi không lời đáp của điện ảnh 2014

“Họ thật xấu xa” – khán giả có thể nhận xét như vậy sau khi xem phim. Nhưng rồi họ nghĩ lại, thấy rằng buông một lời như thế thì không đủ để nói về nhân vật. Đó chính là thành công của những vai diễn như Lou hay Amy. Họ buộc khán giả phải suy ngẫm, bối rối hoặc hoang mang và không được quyền quên họ.

Chiến thắng là điều duy nhất các nhân vật này coi trọng, không phải hạnh phúc, sự ôn hòa, sức khỏe hay tình yêu... Andrew trong Whiplash từ bỏ cả tình yêu để dồn tâm sức cạnh tranh với ông thầy độc ác.

"Thắng bằng mọi giá" không phải là kiểu thông điệp các nhà giáo dục nên nói với giới trẻ. Những các bộ phim trên vẫn không bị lên án là phản giáo dục hay phản nhân văn. Trái lại, chúng nhận được những phản hồi tốt đẹp về sự sâu sắc, giá trị thức tỉnh con người.

Các thiên tài bị huấn luyện như tra tấn để trở thành huyền thoại trong lĩnh vực của mình là điều không xa lạ với điện ảnh. Nhưng trong các phim này, nhân vật hầu hết không xuất chúng đến thế. Họ là những con người trung bình đang sống trong xã hội, như tất cả chúng ta.

Họ điên loạn? Độc ác? Là nạn nhân? Hay thiên tài? Điều thú vị nhất của điện ảnh 2014 là các câu hỏi này đều không có câu trả lời tuyệt đối.

10 vai ác ấn tSửa Bảng/Ôượng trên màn ảnh 2014

1. Lou Bloom (phim Nightcrawler)

2. Amy Dunne (Gone Girl)

3. Terence Fletcher (Whiplash)

4. Koba (Dawn of the Planet of the Apes)

5. Cancer (Fault in Our Stars)

6. Mason (Snowpiercer)

7. Mister Babadook (Babadook)

8. Winter Soldier (Captain America: The Winter Soldier)

9. Bolivar Trask (X-Men: Days of Future Past)

10. The Man Upstairs (The Lego Movie)


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›