Sáng 12/12 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức cuộc hội thảo khoa học toàn quốc năm 2023 với chủ đề "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển".
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: "Gần 50 năm qua, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, những khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với văn học, nghệ thuật từng bước được tháo gỡ; môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không ngừng được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp biến, hội nhập với văn học, nghệ thuật thế giới".
Những bước phát triển mới
Đặc biệt, GS Thắng nhấn mạnh: Cùng với sáng tác văn nghệ, lý luận văn hóa, văn nghệ nước ta đã có những bước phát triển mới theo hướng dân tộc, dân chủ, khoa học, hiện đại và hội nhập.
"Nhiều công trình lý luận văn nghệ cả cổ điển và hiện đại của nhân loại đã được dịch và giới thiệu; những vấn đề về đặc trưng, bản chất, giá trị, vai trò, chức năng và các mối quan hệ của văn nghệ được nghiên cứu, kiến giải một cách khách quan, khoa học và có luận cứ thuyết phục hơn" - ông Thắng nói - "Phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật hay; phát hiện cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; động viên và khích lệ những tìm tòi, sáng tạo".
Tại hội thảo, thực trạng lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ Việt Nam trong gần 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới đã được làm rõ trên nhiều khía cạnh.
Về đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, các tham luận đều thống nhất khẳng định đường lối văn hóa, văn kiện của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam. Những định hướng cơ bản cho sự phát triển văn hóa, văn nghệ nói chung, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng đã được xác định phù hợp với sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà.
Bên cạnh đó các tham luận cũng khẳng định: Trong quá trình xây dựng và phát triển lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam qua 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, việc kế thừa, hòa hợp, cách tân văn hóa, văn nghệ - trong đó có công tác lý luận phê bình - có vai trò quan trọng.
Ở khía cạnh tiếp thu, vận dụng lý luận văn hóa, văn nghệ nước ngoài, các tham luận tại hội thảo cho rằng: Quá trình giao lưu, tiếp biến lý luận văn nghệ nước ngoài đã tạo nên sự tiến bộ vượt bậc của lý luận văn nghệ ở nước ta.
Cụ thể việc tiếp nhận và vận dụng các lý thuyết văn nghệ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Liên Xô trước đây và Trung Quốc, đã mở rộng, nâng cao kiến thức học thuật và phong cách sáng tạo cho văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam còn tiếp nhận, tiếp biến lý luận văn nghệ từ các nước không cùng hệ tư tưởng như các nước phương Tây và cả phương Đông. Sự giao lưu, tiếp biến này không gây sốc, không gây xung đột mà có sự chọn lọc. Những khám phá mới về phong cách, ý tưởng, phương pháp, góc nhìn từ tiếp nhận đã thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật, giúp nâng cao năng lực, trình độ để sáng tạo tác phẩm có chất lượng.
Trong một số sự kiện, hiện tượng nóng, mới xuất hiện trong đời sống văn học nghệ thuật, các nhà lý luận, phê bình vẫn lúng túng, thiếu nhạy bén, chưa lý giải, định hướng kịp thời, thậm chí mơ hồ, trễ nải, thiếu tính chiến đấu.
Chất lượng tiếp tục được nâng cao
Tại hội thảo, một trong những nội dung quan trọng được đề cập là thành tựu và hạn chế của lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.
Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, các tham luận tại hội thảo đều khẳng định: Thành tựu nổi bật của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất là đã xác định được các định hướng cơ bản phù hợp với sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trong đó, nhiều tác giả lưu ý đến kết quả của sự tiếp thu, vận dụng, tiếp biến tư tưởng và lý thuyết văn nghệ nước ngoài để góp phần quan trọng vào việc mở rộng kiến thức, tầm nhìn và nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình. Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa văn học, nghệ thuật với hiện thực. Tư tưởng văn học, nghệ thuật truyền thống của cha ông cũng được quan tâm nghiên cứu, kế thừa.
Cùng với đó, các thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỷ 20 được đánh giá lại một cách thỏa đáng, một số phương pháp nghiên cứu văn học, nghệ thuật phi truyền thống được vận dụng bước đầu đem lại kết quả tốt. Đặc biệt, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới hợp tác theo hướng tích cực với hoạt động sáng tác để tiếp nhận, phát triển cái tốt, ủng hộ cái mới, cái tiến bộ trong hoạt động sáng tạo.
Cho đến nay, phê bình văn học, nghệ thuật đang từng bước thoát ra khỏi phương pháp phê bình xã hội học nặng tính áp đặt. Những quan điểm phê bình đã quan tâm hơn đến ngôn ngữ nghệ thuật có tính sáng tạo trong đánh giá tác phẩm văn học, nghệ thuật. Giới lý luận, phê bình cũng đã công tâm, khích lệ những tài năng trẻ, những thể nghiệm mới trong xu thế hội nhập với thế giới và thời đại.
Vẫn còn những thách thức
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ cũng đề cập tới những khó khăn, thách thức còn tồn tại. Đó là sự thiếu hụt trầm trọng nền tảng khoa học vững chắc, thiếu tính hệ thống, thiếu đội ngũ chuyên nghiệp, phân bổ không hợp lý ở các mảng văn học và nghệ thuật, nhất là các loại hình nghệ thuật. Hoặc, thiếu một chuẩn mực, một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả, tác phẩm - từ đó dẫn đến thiếu các khuynh hướng, trường phái phê bình đúng nghĩa, thiếu tính chiến đấu. Chưa kể, tính khoa học, tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ, làm xuất hiện lối phê bình cảm tính, "cánh hẩu", khen chê dễ dãi.
So với thực tiễn sáng tác rất sôi động, phong phú, đa dạng, có mặt phức tạp như hiện nay, công tác lý luận phê bình chưa phát huy hết vai trò, bản lĩnh, trình độ và sức mạnh. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn lạc hậu nhiều mặt, chưa giải đáp những vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, kém năng động, có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, chưa theo kịp thực tiễn sáng tác, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh, đồng hành cùng sáng tác.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về đội ngũ lý luận phê bình, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật, diễn ra từ nhiều năm qua nhưng các giải pháp khắc phục chưa đảm bảo và chưa thực sự có hiệu quả. Trong một số sự kiện, hiện tượng nóng, mới xuất hiện trong đời sống văn học nghệ thuật, các nhà lý luận, phê bình vẫn lúng túng, thiếu nhạy bén, chưa lý giải, định hướng kịp thời, thậm chí mơ hồ, trễ nải, thiếu tính chiến đấu.
Từ những hạn chế được phân tích, hội thảo đề xuất một số định hướng, giải pháp để xây dựng và phát triển công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn trong thời kỳ mới.
Đó là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ, của công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới, phát triển bền vững đất nước hiện nay; Chủ động mở rộng và nâng cao việc tiếp nhận tư tưởng và lý thuyết văn nghệ nước ngoài qua giao lưu, hội nhập, dịch thuật, giới thiệu để tiếp nhận, thu nạp các nguồn lý thuyết lý luận, phê bình tiến bộ, khoa học, hiện đại phù hợp với truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc và nhu cầu của xã hội trong thời đại toàn cầu hóa, số hóa.
Bên cạnh đó là việc coi trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong văn hóa, văn nghệ, trong công tác lý luận, phê bình; Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu, bài học đã đạt được trong 50 năm qua, không ngừng định hướng thẩm mỹ, mở rộng không gian sáng tạo để đáp ứng những nhu cầu thưởng thức tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao; Tăng cường nội lực của các nhà lý luận phê bình bằng sự đổi mới cơ chế chính sách, chú ý đãi ngộ, tôn trọng tự do sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho những tác phẩm văn học nghệ thuật phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn đời sống tinh thần của xã hội.
Một trong những vấn đề cần được minh định, giải quyết trong quá trình giao lưu, tiếp nhận lý luận văn nghệ nước ngoài là sự ứng xử khôn ngoan, bình đẳng về học thuật giữa lý luận, phê bình các nước, để từng bước thúc đẩy sự tham gia của giới lý luận, phê bình Việt Nam trên diễn đàn văn học nghệ thuật khu vực và quốc tế.
Tags