Lễ bế mạc mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam được tổ chức vào cuối tuần qua đã chính thức khép lại 5 ngày sôi nổi của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Các đại diện xuất sắc nhất của 123 bộ phim đến từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được vinh danh bằng các giải thưởng thuyết phục.
Trở lại sau đại dịch Covid-19, LHP đã cho thấy hình ảnh về một Việt Nam an toàn, có thể chung sống và thích ứng nhanh chóng với cuộc sống mới.
Nhìn lại phim dài và phim ngắn "xuất sắc"
Giải Phim dài xuất sắc nhất được trao cho phim Paloma của đạo diễn Marcelo Gomes. Đại diện đoàn làm phim chia sẻ niềm vinh dự khi nhận được giải thưởng: "Đây thực sự là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với không chỉ riêng tôi hoặc đoàn làm phim, mà còn cho cả Brazil trong việc kết nối và quảng bá văn hóa đất nước Brazil đến với thế giới".
Giải Phim ngắn xuất sắc nhất được trao cho Khu rừng của Páo của đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt.
Có thể thấy, hai bộ phim được xướng tên ở hạng mục Phim dài xuất sắc nhất và Phim ngắn xuất sắc nhất đều có một điểm chung đó là những trách nhiệm, khát khao của con người trong cuộc sống, hôn nhân.
Phim Paloma là câu chuyện về người phụ nữ chuyển giới, cô đấu tranh chống lại những định kiến, bạo lực, sự phản bội. Nhưng dù bất công thế nào, Paloma vẫn luôn giữ được niềm tin rằng một ngày không xa cô và Zé - bạn trai - sẽ được chấp thuận tổ chức đám cưới. Với Khu rừng của Páo, thì khai thác những giằng xé của Páo, vốn bị miễn cưỡng lấy vợ từ nhỏ theo phong tục người H’Mông. Páo lớn lên, lần đầu biết yêu, cậu phải đứng giữa lựa chọn khó khăn: tình yêu cá nhân và trách nhiệm gia đình.
Tưởng chừng đây là hai câu chuyện riêng biệt, nhưng nó là mẫu số chung của rất nhiều người trong xã hội. Ở đó, vẫn có những người hàng ngày chiến đấu để bảo vệ lòng tin của mình, vẫn có những người mang vác trên vai trách nhiệm của gia đình, hoặc rộng hơn, là trách nhiệm với cộng đồng, để rồi loay hoay tìm lối ra, tìm cách giải quyết "vẹn cả đôi đường".
Một liên hoan phim trẻ và đầy sức sống
Tại Lễ bế mạc, ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VI) phát biểu: "Liên hoan phim đã thể hiện được uy tín, thương hiệu mà điện ảnh Việt Nam sáng lập từ năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau 6 kỳ tổ chức, đến nay Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI tiếp tục khẳng định sức trẻ, đầy sức sống, sự năng động. Ban tổ chức đã có được những kinh nghiệm ban đầu để tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn, nhằm góp phần quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới, cũng như đưa điện ảnh thế giới đến với khán giả Việt Nam".
LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI có quy mô nhỏ hơn so với những kỳ trước với 800 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế. Nét trầm của kỳ này là thiếu vắng những ngôi sao quốc tế đình đám như những mùa đầu, yếu tố làm nên sự bùng nổ và phấn khích của người hâm mộ. Khán giả, dư luận nhìn chung cũng còn khá thờ ơ.
Tuy nhiên, Liên hoan phim năm nay lại ghi điểm với rất nhiều bộ phim chất lượng như Vợ của người du mục (Australia) được Giải thưởng Lớn của Ban giám khảo Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương; Tình bạn (Bỉ) được giải Grand Prix, Liên hoan phim Cannes 2022;107 bà mẹ (Slovakia) được giải thưởng Horizons - Kịch bản xuất sắc, Liên hoan phim Venice 2021;…
Ngoài ra Liên hoan phim còn có các hoạt động bên lề gồm: "Triển lãm Bối cảnh quay phim là các di tích, di sản văn hoá của Hà Nội", các buổi hội thảo với chủ đề "Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc", "Điện ảnh – Kết nối và lan toả giá trị văn hoá", Chợ dự án phim và chương trình chiếu phim ngoài trời đã đưa tới một không khí sôi nổi cho người dân thủ đô và du khách quốc tế.
Về thực tế, để tổ chức được 6 kỳ liên hoan 12 năm là nỗ lực rất lớn. Những buổi hội thảo cũng đã và đang đưa đến nhiều mặt tích cực, nhiều cơ hội học hỏi cho điện ảnh Việt Nam, để xác định tọa độ và chỗ đứng của điện ảnh nước nhà trên bản đồ thế giới. Nhưng "đứng trên vai người khổng lồ, chứ đừng ngủ quên trên vai của họ", cánh cửa tiếp cận với nền điện ảnh thế giới vẫn luôn rộng mở, đừng chỉ để cơ hội mãi chỉ nằm trên mặt giấy, lời nói.
Hy vọng rằng 2 năm tới, khi trở lại, khán giả sẽ được chứng kiến thêm những phim chất lượng cao, những ngôi sao quốc tế và cả những hành động thiết thực để kết nối, đổi mới, phát triển điện ảnh.
Một vài giải thưởng của LHP
Ban tổ chức tặng Bằng khen cho NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn phim Hoa nhài, vì phim có nội dung đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội.
Ở hạng mục phim dài, giải Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất thuộc về Hamid Reza Ghorbani của Iran, với phim Ghép tủy. Giải thưởng Ban giám khảo dành cho phim dài được trao cho phim Người phụ nữ trên tầng áp mái (Ba Lan và Thụy Điển).
Chủ nhân của giải Diễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất được trao cho dàn diễn viên: Mahendra Perera Priyantha Sirikumara, Hemal Ranasinghe, Darshan Dharamaraj, Ashan Dias, Suran Dissanayaka, Dasun Patirana (phim Maariya, Sri Lanka).
Giải Diễn viên nữ chính phim dài xuất sắc nhất gọi tên diễn viên Kiki Sena (phim Paloma, Brazil).
Ngoài ra, còn trao giải thưởng Chợ dự án phim cho Chúa đất (Đỗ Thanh Sơn) và giải thưởng Ban giám khảo cho Chợ dự án thuộc về Chachacha (Đỗ Quốc Trung).
Giải thưởng Đạo diễn phim ngắn xuất sắc thuộc về Surya Shahi (phim Những bánh xe buýt, Nepal).
Ban giám khảo cũng đã trao Giải mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á (NETPAC) cho phim Kẻ phản diện (Philippines) và phim Ghép tủy (Iran).
Phim Bố già của đạo diễn Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng được gọi tên trong hạng mục Phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất, thuộc chương trình Phim Việt Nam đương đại.
Tags