(Thethaovanhoa.vn) - Là một giải thưởng được khởi xướng bởi báo Thể thao & Văn hóa - TTXVN với sự tham gia của báo chí cả nước, tự thân Cống hiến đã trở thành lời tổng kết đầy đủ nhất cho đời sống âm nhạc nước nhà sau mỗi năm.
- Tối nay, trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 12-2017: Chờ 'đặc sản' trong bữa tiệc Cống hiến
- Tùng Dương tạm xa bé 'Voi', vào Sài Gòn 'Cống hiến'
Lễ Trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 12-2017 được truyền hình trực tiếp trên VTV6 lúc 20h tối nay 25/4. Kính mời khán giả cùng đón xem chương trình. |
Trải qua 11 mùa giải và hướng tới mùa giải thứ 12, Cống hiến vẫn luôn thể hiện sức hút của mình. Và trong chương trình hôm nay, trước thềm lễ trao giải lần thứ 12 năm 2017, mời độc giả cùng nhìn lại một chặng đường cống hiến vì sự nghiệp phát triển âm nhạc Việt Nam:
Đến hẹn lại lên. Mỗi độ tháng tư về. Trên sân khấu của giải âm nhạc Cống hiến, thêm một lần những cái tên được xướng lên, và biết bao cảm xúc vỡ òa.
Quan trọng hơn, sau 11 mùa giải. Cống hiến đã trở thành một sự kiện được mong chờ trong năm của các nghệ sĩ, giới truyền thông, và công chúng yêu nhạc.
Năm 2005, lễ trao giải lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 20/1, song chưa được gọi là giải Cống hiến; mà sau này gọi là giải tiền Cống hiến. Phải đến năm 2006, giải thưởng âm nhạc Cống hiến mới chính thức ra đời.
Ở 6 mùa giải đầu tiên (từ năm 2006 - 2012), Giải thưởng chỉ có 4 hạng mục: “Album của năm”, “Chương trình của năm”, “Nhạc sĩ của năm” và “Ca sĩ của năm”.
Bắt đầu từ giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 7 - 2013, giải thưởng đã có 6 hạng mục, với 2 hạng mục bổ sung là “Nghệ sĩ mới của năm” và “Bài hát của năm”.
Từ giải Cống hiến lần 9 - 2014, từ thực tế đời sống âm nhạc, BTC đã quyết định bổ sung thêm hạng mục “Chuỗi chương trình của năm”.
Cống hiến lần 11 - 2016, BTC quyết định nâng số hạng mục lên 8, với hạng mục mới “MV của năm” với mong muốn thúc đẩy lĩnh vực MV ngày càng có nhiều khám phá sáng tạo trong việc sử dụng hình ảnh nhằm bổ trợ cho ngôn ngữ âm nhạc.
Và đến Cống hiến 12 - 2017, Giải thưởng đã được nâng lên 9 hạng mục , với hạng mục lần đầu tiên xuất hiện - Nhà sản xuất của Năm.
Cho đến nay, người đoạt nhiều giải Cống hiến nhất là ca sĩ Tùng Dương - với 8 giải (trong đó có 4 giải Ca sĩ của năm, 2 giải Album của năm, 1 giải Chương trình của năm và 1 giải Bài hát của năm). Tùng Dương cũng là người 2 lần đoạt “cú đúp” (năm 2011 và 2014).
Dù không giành được nhiều giải như Tùng Dương, nhưng có một nghệ sĩ rất có “duyên” với những “cú đúp” Cống hiến, đó là nhạc sĩ Đỗ Bảo. Tại giải Cống hiến lần 4 - 2009, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã “ẵm” trọn hai giải: “Album của năm” cho album “Cánh cung 2 - Thời gian để yêu” và giải “Nhạc sĩ của năm”.
Tại giải Cống hiến lần 9 - 2014, anh lại giành cú đúp: “Album của năm” với album “Cánh cung 3 - Chuyện mặt trời, chuyện của chúng ta” (Đỗ Bảo và Trần Thu Hà) và giải “Nhạc sĩ của năm”. Anh cũng là người đứng thứ hai về số lượng giải Cống hiến.
Như vậy, đã có 2/10 lần Đỗ Bảo là “Nhạc sĩ của năm”, đồng hành với anh có nhạc sĩ Võ Thiện Thanh (giành giải “Nhạc sĩ của năm” trong Cống hiến lần 2 - 2007 và lần 3 - 2008). Và dù chỉ có 1 giải thưởng “Nhạc sĩ của năm” duy nhất tại giải Cống hiến lần 8 - 2013.
Nhưng nhạc sĩ Quốc Trung lại là người thường xuyên có mặt tại lễ trao giải và lên sân khấu nhận giải của Cống hiến, vì thường xuyên góp sức trong các chương trình, chuỗi chương trình, album đoạt giải.
Đứng thứ ba về số lượng giải Cống hiến là ca sĩ “tóc ngắn” Mỹ Linh. Ngay từ giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 1 - 2006, album “Chat với Mozart” của Mỹ Linh đã đoạt giải “Album của năm”. Tại giải Cống hiến lần 2 - 2007 Mỹ Linh giành giải “Ca sĩ của năm”. Một thời gian dài vắng mặt, nhưng rồi tới giải Cống hiến lần 7 - 2012, album “Tóc ngắn - Acoustic” của Mỹ Linh lại đoạt giải “Album của năm”.
Bên cạnh những con số ấn tượng ấy, Cống Hiến ngày càng minh chứng cho sự tiếp sức và lan tỏa những giá trị đích thực của nền âm nhạc đại chúng. Giải thưởng luôn bám sát các hoạt động của các cá nhân, tổ chức và nghệ sĩ trong một năm. Sức sống, sự tươi mới, yếu tố trẻ và những tìm tòi sáng tạo luôn được tôn vinh kịp thời, đúng lúc.
Bên cạnh những tượng đài chưa thể lật đổ, bảng vàng cống hiến đã gọi tên những nghệ sĩ trẻ tài năng như Hương Tràm, Trúc Nhân, Tiên Tiên, hay sơn Tùng MTP... Hình ảnh ca sĩ Tùng Dương trao giải cho ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTP ở cống hiến 11, cho đến nay vẫn là một hình ảnh đẹp thể hiện sự tiếp nối... tất cả vì sự phát triển đa dạng, phong phú của nền âm nhạc Việt Nam
Thêm một mùa âm nhạc cống hiến, thêm những ghi nhận, và đó không chỉ là những dấu ấn âm nhạc đại chúng trong một năm, không chỉ là những tổng kết, hay sự ghi nhận những đóng góp của mỗi nghệ sĩ trong đời sống âm nhạc nước nhà. Đó còn là những tiếp nối, những kỳ vọng cho sự phát triển của một nền âm nhạc mà ở đó, luôn có sự đồng hành của giới báo chí, của chính những người tạo ra giải thưởng, nhằm tạo ra những giá trị đích thực của dòng chảy âm nhạc đại chúng Việt.
Thể thao & Văn hóa
Tags