Nhìn lại những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây

Thứ Tư, 11/09/2024 16:28 GMT+7

Google News

Siêu bão Yagi (tháng 9/2024)

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng khi đổ bộ vào Việt Nam. Mặc dù đã có công tác chuẩn bị, ứng phó chu đáo, nhưng siêu bão này vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề.

Nhìn lại những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 1.

Mực nước sông Hồng lớn gây ngập vườn, ao của các hộ gia đình tại xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Bão số 3 là một cơn bão nhiệt đới cực mạnh, được ghi nhận là một trong những cơn bão lớn nhất trong nhiều thập niên qua trên Biển Đông. Với sức gió cực đại, Yagi được xếp vào loại siêu bão. Đây cũng là cơn bão có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trong Biển Đông với sức tàn phá vô cùng khó lường; diễn biến phức tạp, hiếm gặp. Bão có cường độ tăng nhanh, trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp; duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) bão vẫn còn giữ cường độ siêu bão. Đây cũng là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông.

Mức độ giảm cấp trên đường đi của bão không theo quy luật. Thông thường, khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13. Bên cạnh đó, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài 12 giờ.

Ngày 7/9/2024, bão đổ bộ vào Việt Nam, cụ thể là Quảng Ninh và Hải Phòng, rồi lan rộng ra nhiều tỉnh thành ở miền Bắc. Cơn bão mang theo mưa lớn kéo dài, gây ra lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng.

Nhìn lại những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 2.

Sự cố tràn đập Hà Thanh, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh), gây thiệt hại lớn. Ảnh: TTXVN phát

Hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương miền Bắc. Tính đến 18 giờ ngày 10/9/2024, số người chết và mất tích đã tăng lên 181 người chết và mất tích (127 người chết, 54 người mất tích); gần 800 người bị thương.

Siêu bão Noru (tháng 9/2022)

Siêu bão Noru (bão số 4) được biết đến như một trong những cơn bão mạnh nhất từng tấn công Việt Nam trong thập kỷ gần đây, đã đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào cuối tháng 9/2022.

Với sức gió duy trì mạnh nhất lên tới cấp 12-13 (tương đương từ 118 đến 149 km/h) và giật trên cấp 14, Noru gây ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, đặc biệt là khu vực thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, và Thừa Thiên Huế.

Nhìn lại những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 3.

Tại xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), nước lũ đã khiến hơn 60 nhà dân bị ngập sâu từ 2 - 3m. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Trước khi đổ bộ vào Việt Nam, bão Noru đã càn quét Philippines, khiến hàng chục người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn về nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Cơn bão đổ bộ vào Việt Nam trong đêm 27 rạng sáng 28/9, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ít nhất 16 người thiệt mạng và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, nhiều khu vực bị ngập lụt, đặc biệt là ở các huyện ven biển. Tổng thiệt hại do bão Noru gây ra ước tính hơn 15.000 tỷ đồng, làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và giao thông.

Bão Molave (tháng 10/2020)

Bão Molave, tại Philippines có tên là Bão Quinta, là một cơn xoáy thuận nhiệt đới mạnh ảnh hưởng đến Philippines và Việt Nam vào năm 2020, trở thành cơn bão mạnh nhất tại Việt Nam kể từ Bão Damrey năm 2017. Molave bắt nguồn từ một áp thấp nhiệt đới hình thành vào ngày 23/10 phía đông Palau, mạnh lên cấp bão cuồng phong vào ngày 25/10, đạt cường độ mạnh nhất vào ngày 27/10.

Nhìn lại những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 4.

Công nhân Công ty điện lực Phú Yên dùng phương pháp làm hố thế, chân vịt để nếu tạm các cột điện, khắc phục sự cố do bão Molave gây ra. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Ngày 28/10, cơn bão đổ bộ Việt Nam, gây ra thiệt hại rộng lớn ở miền Trung. Gió giật có lúc lên tới 176 km/h tại thành phố Quảng Ngãi, lượng mưa trong 24 giờ tại Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) đạt mức 470 mm. Cơn bão đã khiến hơn 80 người chết và mất tích, gây thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ đồng cho nước ta. Molave suy yếu khi tiến sâu hơn vào bán đảo Đông Dương rồi tan vào ngày 30/10 trên lãnh thổ của Myanmar.

Bão Damrey (tháng 11/2017)

Bão số 12 (bão Damrey) đổ vào Nam Trung Bộ và một phần phía Nam Tây Nguyên Việt Nam, đầu tháng 11/2017. Bão đổ vào các tỉnh Khánh Hòa-Phú Yên với sức gió cấp 11-12 giật cấp 13-14.

Cơn bão làm 107 người chết, 16 người mất tích, 342 người bị thương; hơn 4.000 ngôi nhà bị thiệt hại từ 50% trở lên; 11.224ha lúa và 27.301ha hoa màu bị thiệt hại.

Bão Mirinae (7/2016)

Sáng 27/7/2016, bão Mirinae (bão số 1) đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 8, giật cấp 9-10. Đến chiều 27/7, bão tăng tốc nhanh 15-20km và uy hiếp khu vực Quảng Ninh đến Thái Bình. Khi tiếp cận bờ biển tỉnh Nam Định-Ninh Bình, bão số 1 có cường độ bão mạnh cấp 12 (gió mạnh đạt 33m/s vào lúc 21 giờ 36 phút ngày 27/7/2016 tại trạm Khí tượng Văn Lý), giật cấp 13 (40m/s liên tục vào các phiên quan trắc lúc 21 giờ 30 phút, 22 giờ, 22 giờ 30 phút cùng ngày).

Nhìn lại những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 5.

Tại thành phố Nam Định nhiều cây xanh bị quật đổ sau bão. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Cơn bão Mirinae đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Cụ thể, đã có 3 người chết, 4 người mất tích, 30 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 1.400 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 12 tàu chìm (nhiều nhất ở Nam Định với 7 chiếc); 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản ở Nam Định bị thiệt hại.

Bão Hải Yến (11/2013)

Bão Hải Yến là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trên thế giới. Cơn bão này đổ bộ vào Philippines đầu tháng 11/2013, làm khoảng 6.300 người chết, gần 28.700 người bị thương và hơn 1.000 người mất tích tại Philippines.

Sau khi càn quét Philippines, bão Hải Yến đi vào Biển Đông với sức gió giật trên cấp 17. Cơn bão đã quét qua vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và đổ bộ vào Hải Phòng-Quảng Ninh của Việt Nam làm 18 người chết, 2 người mất tích, 93 người bị thương.

Bão Hải Yến cũng làm 149 nhà sập đổ, bị cuốn trôi và 4.567 nhà ngập nước; 3.828ha lúa, 52.363ha hoa màu bị thiệt hại.

Nhìn lại những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 6.

Cây xanh trên nhiều tuyến phố của TP Hạ Long bị đổ gẫy. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Bão Sơn Tinh (tháng 10/2012)

Bão số 8 (bão Sơn Tinh) đổ vào Việt Nam cuối tháng 10/2012. Khi vào Biển Đông bão có sức gió lên tới cấp 13, mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Khi tiến gần ven biển các tỉnh Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình, bão mạnh cấp 11-12, gió mạnh có lúc giật tới cấp 14.

Bão Sơn Tinh làm 8 người chết, 2 người mất tích, 90 người bị thương; 429 nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 60.404 nhà tốc mái, hư hại; hơn 33.953ha lúa, 90.616ha hoa màu bị ngập, hư hại.

Bão Ketsana (tháng 10/2009)

Bão số 9 (Ketsana), được biết đến với tên gọi Bão Ondoy ở Philippines, hay bão số 9 năm 2009 tại Việt Nam, là cơn bão nhiệt đới tàn khốc, gây thiệt hại tới 1,09 tỷ USD và khiến 747 người thiệt mạng.

Nhìn lại những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 7.

Ngôi nhà bị ngập trong nước lũ ở Kon Tum. Bão Ketsana đã khiến 48 người chết ở Việt Nam. Ảnh: AP

Ngày 26/9/2009, Ketsana bắt đầu hình thành từ một áp thấp nhiệt đới mạnh dần lên thành bão. Trên đường di chuyển, bão Ketsana đã gây lụt lớn tại thủ đô Manila, Philippines, làm hơn 100 người chết và mất tích, hàng ngàn người khác phải di tản trong trận lụt lớn nhất trong vòng 20 năm tại nước này, khiến chính phủ Philippines phải ban bố tình trạng thảm họa quốc gia.

Ketsana đổ bộ vào Việt Nam trưa ngày 1/10/2009, với tâm bão vào khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh 23m/giây (cấp 11) giật 43m/giây (cấp 14) tại đảo Lý Sơn; 22m/giây (cấp 9) giật 30m/giây (cấp 11) tại Đà Nẵng. Cơn bão này đã trút một lượng mưa khổng lồ ở Trà Bồng, Quảng Ngãi, lượng mưa đo được hơn 1.900 mm, gần bằng tổng lượng mưa của cả năm. Cơn bão và mưa lũ sau đó đã khiến hơn 170 người thiệt mạng và mất tích, bị thương 1.140 người. Bão số 9 cũng làm 9.770 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi và 263.565 nhà ngập, hư hại, tốc mái; 42.915ha lúa và 58.724ha diện tích hoa mầu bị ngập.

Bão Xangsane (tháng 9/2006)

Bão số 6 - Xangsane, theo tiếng Lào có nghĩa là "con voi lớn", còn được gọi là Milenyo tại Philippines, hoặc bão số 6 năm 2006 tại Việt Nam, là một cơn bão rất mạnh, hình thành từ vùng biển phía đông quần đảo Philippines vào cuối tháng 9/2006.

Đổ bộ vào bờ biển Việt Nam từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ngày 1/10/2006, Xangsane được coi là cơn bão mạnh, với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km/h), giật trên cấp 13 (thực chất thì sức gió của nó đạt cấp 15, cấp 16). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam, cơ quan chức năng đã sử dụng khái niệm cấp 13 và trên cấp 13 trong thang sức gió Beaufort, sau khi rút kinh nghiệm từ bài học của cơn bão Chanchu.

Nhìn lại những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây - Ảnh 9.

Bão Xangsane gây ngập lụt. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Nhận thức được độ nguy hiểm của cơn bão này, Việt Nam đã gấp rút chuẩn bị công tác phòng chống bão và thực hiện cuộc "di dân kỷ lục" với khoảng 180.000 người dân miền Trung được sơ tán để tránh bão. Sau hơn 6 giờ tàn phá tại Việt Nam, Xangsane khiến 76 người thiệt mạng và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 ngôi nhà bị đổ, hư hỏng nặng, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại, gây thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng.

Diệp Ninh/TTXVN (tổng hợp)

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›