(Thethaovanhoa.vn) - Có một chi tiết ít người để ý, rằng nội bộ cầu thủ Man City đã “hục hặc” nhau, sau bàn thắng của Văn Quyết. “Họ, người ôm mặt, người đập tay xuống mặt cỏ, sau khi tôi ghi bàn”, tác giả bàn thắng duy nhất cho ĐT Việt Nam vào lưới Man City, Nguyễn Văn Quyết, nhớ lại.
“Sau tiếng còi mãn cuộc vang lên, họ vẫn không ngừng chỉ trích nhau. Tiếng cãi vã thậm chí còn đi cả vào đường hầm. Tôi không tự đề cao bàn thắng của mình, mà chỉ muốn nói rằng, ý thức chuyên nghiệp của cầu thủ Man City là rất cao. Họ thực sự không muốn để thua bàn, khi đối thủ chỉ là ĐT Việt Nam”, vẫn lời Văn Quyết.
Phải, thể diện là thứ quan trọng khi cầu thủ bước vào một trận đấu, ngay cả khi đó là một trận giao hữu, thử nghiệm. Trong trường hợp của Man City, trận đấu ở Mỹ Đình chắc chắn không mang tính thử nghiệm, mà mang nhiều hơn tính thương mại. Thế mới cần giữ thương hiệu. Và có lẽ chúng ta nên thôi tranh cãi về việc họ thiếu “fair-play”.
Sau 90 phút trận đấu ở Mỹ Đình, nhiều ý kiến cho rằng dàn sao Man City đã không nể nang gì người chủ nhà, khi liên tục nã vào lưới ĐT Việt Nam đến 8 bàn thắng, trước khi “nhả” lại 1 bàn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước đó chỉ vài ngày, thầy trò HLV Pellegrini đã phải “chịu nhục”, khi để Real Madrid dạy cho một bài học ở Australia.
Dù rằng đẳng cấp giữa bóng đá Việt Nam và một CLB tầm cỡ thế giới như Man City là quá khắc biệt, nhưng đừng mặc định một trận thua 1-8 cũng giống như 1-3. Bởi như thế, nền bóng đá sẽ thôi không cố gắng nữa. Trước khi ĐT Việt Nam thua đậm Man City, bóng đá Đông Nam Á chưa từng "vỡ mặt" như thế, khi tiếp các CLB Âu châu.
Năm 2011, khi người viết được mục sở thị trận đấu giữa Chelsea và Malaysia XI trên sân Bukit Jalil, dàn sao đến từ xứ sở sương mù đã chỉ thắng 1 bàn cách biệt, với pha ghi bàn đầy tranh cãi. Cũng đã có ý kiến cho rằng, Chelsea đã chơi không hết mình, khi chủ động rút Drogba, rồi Anelka ra sân, nhưng thực tế không phải như vậy.
Nếu không có bàn thắng duy nhất của Văn Quyết, thể diện của nền bóng đá có lẽ không còn gì để bình luận. Ảnh V.S.I.
Thương hiệu và các giá trị thương mại kèm theo luôn rất quan trọng với các đội bóng lớn. Và một khi đã đạt đến tầm thương hiệu toàn cầu, chắc chắn họ phải giữ. Cùng với thời điểm Man City thua Real Madrid tỷ số 1-4, Arsenal "đánh tennis" cùng Lyon trong một trận đấu Cúp giao hữu khác, dù Lyon cũng ở đẳng cấp Champions League.
Trở lại với trận đấu ở Mỹ Đình, Raheem Sterling tỏ thái độ không bằng lòng, sau cú vào bóng thẳng chân của Thanh Hiền và David Silva đã phải cai thiệp. Trong một diễn biến khác, Quang Hải chia sẻ rằng, không ít lần anh phải nhảy tránh, sau các cú tắc của hậu vệ đối phương, dù Hải “gà” chỉ chơi hơn 10 phút cuối trận, khi vào sân thay Thành Lương…
Dông dài như thế để thấy rằng, trong bóng đá, không nói chuyện tình nghĩa. Ở cấp CLB, họ vẫn muốn giữ thể diện và đảm bảo các giá trị về mặt thương hiệu, thì ở tầm ĐTQG, chúng ta càng phải lưu tâm hơn vấn đề này. Khó có thể đòi hỏi sẽ lãnh hội được nhiều kinh nghiệm, kiến thức sau một trận đấu, nhưng đừng thôi không nỗ lực.
Sẽ phải có những tính toán lại, bắt đầu từ tên gọi đội bóng, ở những trận đấu tương tự. Bởi, màu cờ sắc áo và ngoài ra, giá trị thương mại của ĐTQG, cũng cần được bảo lưu. Đây chính là lý do mà FIFA khuyến cáo các ĐTQG trực thuộc Liên đoàn thành viên không nên đá giao hữu với CLB. Đến FIFA còn ý thức được phẩm giá nữa là…
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags