(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao Việt Nam để lại dấu ấn lớn tại SEA Games 28 bằng thành công của các môn Olympic. Thế nhưng, thể thao không hề là phép cộng, thành công đó không hề đồng nghĩa với việc những tấm huy chương Olympic đã ở gần.
Giành huy chương để ghi danh lên đỉnh Olympia thần thánh là ước mơ của bất kỳ nền thể thao quốc gia nào, nhất là với nền thể thao còn đang phát triển như Việt Nam. Và cũng phải nói thêm rằng, trong 119 năm lịch sử Olympic hiện đại, vẫn còn những quốc gia chưa có được huy chương Olympic (mùa hè)...
Tuy gần mà xa
... Ít ai biết 1 quốc gia tuy nhỏ bé, nhưng nằm ở châu Âu là Liechtenstein tuy có 16 lần tham dự Olympic mùa hè, nhưng chưa có nổi 1 tấm huy chương, dù là màu Đồng. Trong khi đó, Thể thao Việt Nam tính từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đã tham dự 9 kỳ Thế vận hội (các năm 1980 và từ năm 1984 đến 2016) và có cho riêng mình 2 tấm HCB.
Đầu tiên là Đại hội Sydney 2000 với tấm HCB của võ sỹ Trần Hiếu Ngân khi Taekwondo bắt đầu được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. Gần nhất là ngôi á quân cử tạ của lực sỹ Hoàng Anh Tuấn ở Thế vận hội Bắc Kinh 2008.
Nhưng có huy chương Olymic, không đồng nghĩa với việc là kỳ Thế vận hội nào cũng... giành huy chương! Gần nhất, tại Olympic London 2012, Thể thao Việt Nam đã có tới 18 VĐV tham dự, trong đó có rất nhiều suất chính thức nhưng đã không có nổi 1 tấm huy chương nào dù kỳ vọng rất nhiều.
Như đã nhắc, thể thao không phải là phép cộng và dù đã có những môn đạt tới đẳng cấp thế giới, nhưng để có huy chương Olympic lại chẳng hề là chuyện dễ dàng. Quay lại với Olympic London 2012, trong số 18 VĐV của chúng ta, vẫn có những Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng); Thạch Kim Tuấn (cử tạ) đã có huy chương thế giới, mà đâu có nổi huy chương thế vận hội? Nói Olympic tuy gần mà xa là vì thế.
Có mặt đã là thành công
Nhìn vào kết quả SEA Games 28, có vẻ như cái đích Olympic đã gần hơn khi tới 86% số HCV của đoàn Thể thao Việt Nam có được tại Đại hội đến từ các môn thể thao cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic.
Nhưng nếu "soi kỹ" vào từng thành tích, thì xem ra... đỉnh Olympia vẫn còn xa lắm nếu chỉ chờ đợi vào những tấm HCV này. Cụ thể nhất là trường hợp của nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên - kỳ tích mới của Thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực với 8 HCV cùng 8 kỷ lục Đại hội. Theo những con số thống kê, dù đã đạt chuẩn A dự Olympic, chỉ số đáng tự hào, thì cô gái vàng Việt Nam vẫn còn cách khá xa với thành tích có thể giành... HCĐ Olympic London 2012! Gần nhất là cự ly 200m tự do nữ, thành tích của Ánh Viên là 1 phút 59 giây 27, thì thành tích giành HCĐ tại Olympic London 2012 của VĐV Bronte Barratt (Australia) là 1 phút 55 giây 81. Mà hãy nhớ, ở các cự ly bơi tốc độ, vài phần trăm giây đã là khoảng cách cực lớn. Tương tự như điền kinh hay các môn Olympic khác.
Vì thế, mục tiêu gần nhất với Thể thao Việt Nam lúc này xét về toàn cục vẫn là giành nhiều suất tham dự chính thức Olympic Rio 2016, bởi để cạnh tranh huy chương thì...
... Quan trọng là sự bền vững
Ánh Viên, Nguyễn Thị Huyền... đạt chuẩn Olympic Rio 2016 là những tín hiệu đáng mừng, nhưng để giành được huy chương Olympic 1 năm nữa và những năm xa hơn có lẽ vẫn phải trông vào các thế mạnh cũ như: TDDC, cử tạ, bắn súng... Đúng hơn để đứng lên trên đỉnh Olympia lâu dài thì Thể thao Việt Nam cũng phải phát triển bền vững, chứ không thể chỉ là 1 thành công từ 1 kỳ SEA Games.
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags