(Thethaovanhoa.vn) - Vô địch SEA Games 2003 và đứng vững trong Top 3 ở nhiều kỳ Đại hội sau đó, Thể thao Việt Nam xác định cho mình mục tiêu mới, đó là hướng tới đấu trường châu lục, thế giới. Và để nâng tầm thì đương nhiên, không thể tiếp tục "đi tắt, đón đầu" mà phải là chiến lược đầu tư có trọng điểm.
Như đã đề cập ở bài viết trước, trong bối cảnh hiện tại, Thể thao Việt Nam vẫn chưa thể bỏ được những môn võ thuật để tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên đấu trường quốc tế. Và cũng không phải là môn võ thuật nào cũng chỉ quẩn quanh trong cái "ao làng" khu vực khi mà Wushu là môn thi chính thức trong chương trình Asian Games; Taekwondo, Judo, quyền Anh, vật... thậm chí còn nằm trong khuôn khổ Olympic. Hơn nữa, chính các nhà quản lý chuyên môn cũng đã phải thừa nhận rằng chẳng có một nền thể thao nào trên thế giới có thể... mạnh đều tất cả các môn!
Võ thuật vẫn sẽ là những thế mạnh của chúng ta, đặc biệt là ở những hạng cân nhỏ phù hợp với thể chất và sự linh hoạt của người Việt. Tuy nhiên, để một nền thể thao quốc gia thực sự phát triển bền vững và được đánh giá là phát triển, thì đó phải là các môn cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic. Chiến lược "đi tắt, đón đầu" mà cái đích là "săn đuổi" những tấm HCV khu vực với các thế mạnh "Bắn - Võ - Cờ" vì thế chấm dứt để hình thành chiến lược đầu tư có trọng điểm của ngành Thể thao nhắm tới mục tiêu Asian Games và Olympic.
Và cách đây khoảng 2 năm, trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 27 tại Myanmar, lần đầu tiên, ngành Thể thao "chia" các môn thể thao thành 6 nhóm với mỗi nhóm tập trung cho một mục tiêu khác nhau. Trong số này, đáng chú ý nhất là nhóm S-A-O (viết tắt của 3 cụm từ SEA Games, Asian Games, Olympic) tức là những môn đạt huy chương Olympic. Nhóm này gồm 4 môn: Bắn súng, cử tạ, TDDC, Taekwondo được đầu tư đặc biệt cho Asian Games, Olympic và mặc nhiên là phải có huy chương SEA Games.
Ngoài ra, còn các nhóm khác như: S-A-Q là chuẩn bị cho SEA Games, Asian Games và đạt chuẩn Olympic với các môn như: Điền kinh, bơi lội, boxing, rowing, judo… Nhóm S-A làm nhiệm vụ SEA Games và Asian Games gồm: Karatedo, wushu, cầu mây; S-P-O là nhóm môn có tiềm năng Olympic là: Đấu kiếm, nhảy cầu, thuyền buồm, bắn cung… Kể cả các môn có mục tiêu "kiếm Vàng" SEA Games cũng được xếp vào nhóm S-E-A và cuối cùng là nhóm môn nỗ lực và cần đầu tư mạnh mẽ S-P-E-X, trong đó có cả bóng đá nam, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bóng rổ vốn kiếm được Vàng SEA Games cũng đã là thành công.
Không dừng ở đó, sau thành công ban đầu từ cuộc đầu tư dài hạn và tốn kém với nữ kình ngư Ánh Viên, từ năm 2015, ngành Thể thao tiếp tục đầu tư sâu cho 14 môn tham dự các vòng loại Olympic 2016. Trong số 14 môn này thì số môn được ưu tiên đầu tư trọng điểm đã thay đổi so nhóm S-A-O trước đây khi gồm: Điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, TDDC (thêm điền kinh và bơi, riêng Taekwondo đã xuống nhóm 2). Kinh phí đầu tư là khoảng 1,6 triệu USD (tương đơn khoảng 33 tỷ đồng) cho 14 môn trong năm 2015 với các chuyến thi đấu, tập huấn dài hạn tại nước ngoài. Riêng nhóm 5 môn trọng điểm kể trên được dành cho 1 triệu USD (khoảng hơn 21 tỷ đồng).
Với thành công tại SEA Games 28 mà cụ thể là các môn Olympic đóng góp khoảng 86% số HCV cho đoàn Thể thao Việt Nam đã khẳng định sự đúng đắn của chiến lược đầu tư trọng điểm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cái đích thực sự - Các suất tham dự Olympic và hướng tới mục tiêu giành huy chương Olympic, thì SEA Games 28 mới chỉ là điểm khởi đầu.
(Còn tiếp)
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags