Nhìn lại thế giới 2023: Lực đẩy từ những 'kỷ lục buồn'

Thứ Hai, 18/12/2023 08:00 GMT+7

Google News

"Những kỷ lục bị phá vỡ" có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi nói về các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2023. Hàng loạt thảm họa sóng nhiệt, lũ lụt, cháy rừng... gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều châu lục, đều gắn với các con số đáng báo động.

Đó là mức phát thải khí nhà kính, riêng lượng phát thải do đốt nhiên liệu hóa thạch đã tăng lên 36,8 tỷ tấn, cao hơn 1,1% so với con số kỷ lục năm ngoái.

Đó là nhiệt độ cao, khi 2023 hầu như chắc chắn là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua. Nhận định này xuất phát từ dữ liệu ghi nhận tháng 10/2023 là tháng 10 nóng nhất từ trước đến nay. Tháng 3 hay tháng 7 đều ghi tên mình vào danh sách tháng tương ứng nóng nhất từng được ghi nhận. Dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục đạt mức kỷ lục mới về nhiệt độ.

Đó là băng biển Nam cực ở mức thấp đáng lo ngại. Theo thống kê của các nhà khoa học, diện tích tối đa băng biển trong giai đoạn cao điểm năm nay thấp hơn 1,03 triệu km2 so với kỷ lục trước đó. Vào giữa tháng 7, băng biển ở Nam cực thấp hơn 2,6 triệu km2 so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010. Diện tích này rộng gần diện tích của Argentina.

NHÌN LẠI THẾ GIỚI 2023: Lực đẩy từ những 'kỷ lục buồn' - Ảnh 1.

Sông băng ở Nam cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), ông Petteri Taalas từng phải thốt lên rằng đó "là những tạp âm chói tai". Còn Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nói rằng những kỷ lục buồn này "sẽ khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải rùng mình".

Năm 2023, Nam Âu và Bắc Phi "báo động đỏ" về sóng nhiệt với nắng nóng cực đoan và kéo dài bất thường, dẫn tới cháy rừng nghiêm trọng. Ngày 11/8 là ngày kỷ lục về nhiệt độ: thành phố Agadir của Maroc ghi nhận nền nhiệt 50,4 độ C, châu Âu xác lập con số cao nhất từ trước đến nay, tới 48,8 độ C đo được ở Sicily (Italy). Gần 1.000 đám cháy tàn phá 15,6 triệu ha rừng ở Canada, biến mùa cháy rừng năm nay trở thành thảm họa gây tổn thất lớn nhất trong lịch sử nước này. Vụ cháy rừng tại bang Hawaii khiến khoảng 100 người thiệt mạng được đánh giá là tàn khốc nhất ở Mỹ trong hơn 100 năm qua. Libya được nhắc tới như một nỗi ám ảnh kinh hoàng về số người thiệt mạng (hơn 11.300 người) do lũ lụt tại miền Đông hồi tháng 9.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn trên toàn thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt, gây phát thải khí nhà kính làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Hệ quả là vòng luẩn quẩn của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Nhiều báo cáo cho thấy thế giới đang đi chệch hướng đáng kể trong việc đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là không quá 1,5 độ C. Dữ liệu của WMO tính đến cuối tháng 10/2023 cho thấy nhiệt độ toàn cầu trong năm nay đã tăng thêm khoảng 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Các nhà khoa học cảnh báo, 7 năm nữa nhiệt độ Trái Đất có thể tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp khi lượng khí thải CO2 do nhiên liệu hóa thạch gây ra tiếp tục tăng.

Trong bối cảnh đó, những kết quả của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vừa bế mạc tuần trước, càng thêm ý nghĩa.

Đó là thỏa thuận được xem như bước ngoặt đánh dấu "sự khởi đầu cho hồi kết của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch", kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

NHÌN LẠI THẾ GIỚI 2023: Lực đẩy từ những 'kỷ lục buồn' - Ảnh 2.

Lửa cháy bao trùm rừng cây trên những ngọn đồi ở thị trấn Ciaculli, quanh Palermo, Sicily, Italy ngày 25/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là việc chính thức khởi động Quỹ Tổn thất và Thiệt hại với khoản tài trợ ban đầu hơn 600 triệu USD, tạo đà giải quyết bài toán tài chính khí hậu. Quỹ Tổn thất và Thiệt hại được thống nhất thành lập vào năm 2022 để các nước phát triển tài trợ cho những nước kém phát triển hơn nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Đó là Cam kết làm mát toàn cầu với sự tham gia của 63 quốc gia, trong đó có Việt Nam, hướng đến mục tiêu giảm ít nhất 68% lượng khí thải liên quan đến làm mát vào năm 2050 so với mức năm 2022.

Đó còn là thỏa thuận tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn cầu vào năm 2030, được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) gọi là "đòn bẩy quan trọng nhất" để hạn chế lượng khí thải carbon và kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Tại COP 28 còn có rất nhiều cam kết, tuyên bố và thỏa thuận về vấn đề lương thực, sử dụng tài nguyên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chống biến đổi khí hậu, các biện pháp đo lường và cảnh báo sớm,… bên cạnh hàng loạt tuyên bố khởi động các nhóm làm việc, nhóm hành động và dự án về biến đổi khí hậu.

Đương nhiên, con đường hiện thực hóa các thoả thuận và cam kết đạt được vẫn còn nhiều chông gai. Các nước sẽ còn phải tiếp tục thảo luận và nhất trí các điều khoản về thời gian, mức độ, phạm vi và các nguồn lực để thực hiện, hay một vấn đề hết sức quan trọng là công nghệ. Ví dụ, dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch không đồng nghĩa với giảm tiêu thụ than, dầu khí trong ngắn hạn, mà liên quan tới tăng tốc phát triển những công nghệ có khả năng làm giảm tác động của dầu, khí tự nhiên và than đối với bầu khí hậu - chủ yếu là công nghệ thu giữ CO2, cũng như các công nghệ không phát thải và phát thải thấp. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney, Giáo sư Nghiêm Đức Long – Giám đốc Trung tâm Môi trường và Nước thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Chủ tịch Hội Tri thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), cho biết ngay cả đối với những quốc gia tiên tiến như Australia, công nghệ chuyển đổi năng lượng vẫn là vấn đề, một số công nghệ đã có sẵn, nhưng một số công nghệ vẫn phải tiếp tục nghiên cứu phát minh trong những năm tới để đạt được cái đích phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề tài chính, nguồn nhân lực để có thể tiếp cận công nghệ mới, công nghệ chuyển đổi năng lượng cũng là thách thức. Có thể thấy, cộng đồng quốc tế vừa mới rời vạch xuất phát và cần phải kiên trì, quyết tâm khắc phục những khó khăn để hướng tới những mục tiêu khí hậu.

Mặc dù con đường đến đích mà Hiệp định Paris vạch ra còn rất xa, nhưng như khẳng định của Tổng Thư ký LHQ Guterres, cánh cửa chưa thực sự khép lại. Thế giới "vẫn còn hy vọng" để tiếp tục lộ trình giảm nhiệt độ tăng toàn cầu và giảm thiểu những hậu quả tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu gây ra, mà hội nghị COP28 có lẽ đã tạo được những lực đẩy quan trọng. Những kết quả của COP28 cũng góp phần nêu bật thông điệp mạnh mẽ rằng đoàn kết và hợp tác đa phương vẫn là niềm hy vọng lớn nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu trong thế giới chia rẽ như hiện nay.

Nguyễn Hà/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›