(Thethaovanhoa.vn) - Thực tế, dù vẫn còn những khác biệt về mức độ ghi nhận, nhưng không ý kiến nào trong cuộc tranh cãi về Alexandre de Rhodes phản đối vai trò của ông trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Thay vào đó, tâm điểm tranh luận nằm ở những lập luận về động cơ đưa giáo sĩ này tới Việt Nam – và xa hơn, là quan điểm chính trị của ông.
Thể thao và Văn hóa tiếp tục trò chuyện với GS Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) về vấn đề này.
* Trong việc phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng, một số ý kiến đã có những liên hệ về hoạt động truyền đạo của vị giáo sĩ này với dã tâm xâm lược Việt Nam của Pháp. Và theo quan điểm ấy, chữ Quốc ngữ nên được nhìn nhận như một công cụ để phục vụ ý đồ của ông, trước khi trở thành “chiến lợi phẩm” của chúng ta sau này. GS đánh giá thế nào về cách lập luận trên?
- Thật ra, tôi cũng được nghe tới những quan điểm ấy từ trước cuộc tranh luận vừa rồi. Cá nhân tôi không bằng lòng với cách đặt vấn đề như thế. Nó gần với một cách nghĩ cũ - và không phù hợp với tư duy lịch sử - rằng bất cứ người Pháp nào sang Việt Nam giai đoạn trước 1858 (thời điểm Pháp bắt đầu tấn công Việt Nam) thì đều là gián điệp, đều hoạt động với mục đích “lót đường” cho cuộc xâm lược sau này.
Nếu nói rằng Alexandre de Rhodes có ý “đưa đường dẫn lối” cho người Pháp chiếm Việt Nam, những người đưa ra lập luận ấy cần cung cấp những tài liệu và dẫn chứng đủ thuyết phục. Được vậy, vấn đề sẽ có tính khách quan và khoa học hơn rất nhiều so với những phỏng đoán, suy luận thiếu căn cứ hoặc mơ hồ. Thực lòng, khoảng cách trên dưới 200 năm từ thời Alexandre de Rhodes sang Việt Nam cho tới khi Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858 là khá xa, tôi chưa hiểu vị giáo sĩ này sẽ cung cấp những tài liệu “gián điệp” theo cách nào để không lạc hậu?
Còn nếu gắn việc truyền giáo, phát triển đạo Thiên Chúa của Alexandre de Rhodes với mục đích gây dựng lực lượng hậu thuẫn, chống lưng cho cuộc xâm lược của người Pháp thì đó là cách tư duy kỳ thị tôn giáo và cực đoan. Đi theo cách nghĩ ấy, chẳng hóa ra chúng ta lại quay về với thời kỳ của vua Minh Mạng (cười).
* Ở một khía cạnh khác, cũng đã có những ý kiến phản ứng về một số trang viết của Alexandre de Rhodes trong cuốn “Phép giảng tám ngày”. Như lập luận, đó là những trang viết hạ thấp và bôi xấu một số tôn giáo chủ đạo của Việt Nam trong thế kỷ XVII…
-Tôi đồng ý rằng đó là một hạn chế của Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên, điều nàyphải đặt trong bối cảnh đặc trưng trong việc truyền giáo ở thế kỷ XVII. Khi truyền đạo trong một môi trường mới, bên cạnh việc đề cao tôn giáo của mình, việc làm giảm vị thế của những tôn giáo khác - nhất là khi lại là những tôn giáo chủ đạo - để chiếm lòng tin của người được truyền đạo là điều dễ hiểu. Và Alexandre de Rhodes không thoát khỏi cách làm ấy, nhất là khi ông có niềm tin tuyệt đối vào tôn giáo của mình.
Như thế, chúng ta có quyền phê phán hạn chế của Alexandre de Rhodes trong “Phép giảng tám ngày”. Nhưng vấn đề ấy cần được tiếp cận một cách toàn diện và khách quan,thay vì chỉ xoáy vào một mặt nhất định và đẩy tới mức cực đoan.
Rộng hơn, như tôi đã nói, trường hợp của Alexandre de Rhodestrong lịch sử cần được nhìn nhận một cách toàn diện và khoa học, thay vì đẩy vấn đề theo hướng cực đoan. Công lao của ông - và giáo sĩ Francisco de Pina - có đủ để chúng ta “vun” hết những gì thuộc về chữ quốc ngữ cho những cái tên này không? Việc nghiên cứu lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ không đưa ra được kết luận như vậy. Nhưng ở hướng ngược lại, lập luận phủ nhận sạch trơn Alexandre de Rhodes - đặc biệt là bằng sự suy luận, gán ghép thay vì những luận cứ khoa học - thì cũng không nên…
* Vậy theo GS, ý tưởng đặt tên đường Alexandre de Rhodes của thành phố Đà Nẵng có đủ thuyết phục không?
- Tôi xin nhường lại câu trả lời cho Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng. Nhìn chung, chưa được tiếp xúc với hồ sơ của trường hợp này, tôi cũng chưa hiểu phía đề xuấtđánh giá thế nào về vai trò của Alexandre de Rhodes đối với chữ Quốc ngữ? Về nguyên tắc, để đủ thuyết phục, hồ sơ cần có sự khoa học về cách đặt vấn đề và luận cứ, nếu có gì chưa hợp lý thì cần chỉnh lý và bổ sung.
* Cũng đã có những ý kiến rằng nếu đặt tên đường Alexandre de Rhodes, chúng ta không nên “bỏ qua” những Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của hay bộ tứ Vĩnh - Quỳnh - Tốn - Tố… Thực tế, họ là những học giả Việt Nam có đóng góp lớn cho việc hoàn thiện, nâng cao chữ Quốc ngữ ở giai đoạn sau này, và một vài người trong số đó chưa được đặt tên đường hoặc chưa được đặt một cách rộng rãi…
- Những ý kiến ấy đáng suy nghĩ. Nhưng, ở đây có sự khác biệt giữa việc đặt tên đường, và đánh giá công lao của một cá nhân. Thực tế, những năm qua, từng bước, chúng ta cũng đã nhắc tới và ghi nhận đóng góp của một số học giả Việt Nam từng tham gia vào quá trình hoàn thiện, nâng cao chữ Quốc ngữ. Còn lại, việc dùng tên họ đặt cho một con phố nào đó lại là câu chuyện khác. Thẳng thắn, ai cũng hiểu: Điều này còn phụ thuộc vào cách tiếp cận của chúng ta theo từng giai đoạn.
Như chúng ta vẫn nói “văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên tất cả”, hãy cứ tin rằng những đóng góp cho văn hóa dân tộc của một số học giả ấy sẽ vẫn được nhớ tới và trân trọng theo thời gian…
*Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
Không nên giữ tư duy “người Việt đi trước” * Có ý kiến rằng lịch sử Việt Nam còn một số nhân vật gây tranh cãi về công - tội. Và chúng ta nên ưu tiên đánh giá, thảo luận về họ, để rồi sớm đặt tên đường nếu xứng đáng - thay vì sa vào cuộc tranh cãi về một giáo sĩ người Pháp. GS nghĩ sao? - Tôi không đồng tình với cách nghĩ rằng lúc nào cũng phải “người Việt đi trước” như thế. Thứ nhất,nếu đem ra phân tích, một số nhân vật lịch sử của Việt Nam sẽ còn gây ra những tranh cãi phức tạp và tạo tình trạng “phân cực” về nhận thức không kém gì trường hợp Alexandre de Rhodes.Thứ hai, mỗi giai đoạn phát triển sẽ đặt chúng ta trước những lựa chọn cho phù hợp. Xin kể thêm một câu chuyện nhỏ.Vừa qua, một số doanh nghiệp muốn đầu tư đóng các tàu du lịch để phục vụ du khách – đặc biệt là khách quốc tế - tham quan khu vực sông Đà và Hòa Bình. Được nhờ tư vấn đặt tên, tôi đề nghị chọn 2 cái tên Cuisinier và Madeleini. Đó là tên 2 nữ học giả người Pháp (Jeanne Cuisiniervà Madeleine Colani), những người gần như dành cả cuộc đời để nghiên cứu nền văn hóa Hòa Bình trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX và để lại nhiều công trình quan trọng.Đề xuất của tôi được họ rất thích – dù nếu theo cách nghĩ phải “ưu tiên người Việt”, có lẽ tôi cũng bị… ném đá rồi (cười). |
Cúc Đường (thực hiện)
Tags