(Thethaovanhoa.vn) - Từ ý tưởng đặt tên đường Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng, cuộc tranh luận về vai trò cũng như thái độ chính trị của vị giáo sĩ người Pháp này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong vài ngày qua. Và, từ câu chuyện về những đóng góp trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, cuộc tranh luận ấy đã được mở rộng tới những suy đoán về thái độ chính trị, cũng như động cơ của vị giáo sĩ này khi tới Việt Nam truyền đạo khoảng 400 năm trước...
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với GS Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia).
GS Giang cho biết:
- Trước khi cuộc tranh cãi này xảy ra, chúng ta đã nhắc tới một cột mốc quan trọng: năm 2019 là thời điểm kỷ niệm tròn 100 năm kỳ thi Nho học cuối cùng được tổ chức tại Việt Nam. Cùng với việc vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử Nho học vào cuối 1918, cột mốc ấy là sự cáo chung của nền thi cử Nho học bằng chữ Hán, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển toàn diện của loại văn tự viết bằng mẫu tự Latin mà chúng ta vẫn gọi là chữ Quốc ngữ như bây giờ.
Sự thay đổi này, cho đến nay luôn được đánh giá rất tích cực. Những mặt mạnh của chữ Quốc ngữ đã được phân tích khá nhiều. Nhưng đâu đó, trong những cuộc hội thảo, cũng đã lấp ló một nhận xét đáng lưu tâm - mà tôi là người ủng hộ: sự thay đổi ấy khiến chúng ta đoạn tuyệt với một truyền thống văn hóa kéo dài cả ngàn năm và sẽ tạo ra những đứt gãy ở hiện tại, cũng như tương lai.
Tạm chưa kể tới một kho tàng đồ sộ những văn bản viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm mà người xưa để lại đang bị lãng phí (chỉ có một số ít chuyên gia đọc được), thì vẫn dễ nhận thấy: hiện rất nhiều từ tiếng Việt có nguồn gốc chữ Hán đang bị dùng sai, bởi chúng ta không biết nghĩa gốc và chỉ có thể tiếp cận với một phần nghĩa rất nông của nó.
Nói chuyện ấy không phải để phủ nhận chữ Quốc ngữ. Tôi muốn nhắc tới một thực tế: mọi vấn đề cần phải được tiếp cận một cách toàn diện và nhìn nhận đa chiều trong bối cảnh, cũng như lịch sử phát triển của chúng. Câu chuyện về Alexandre de Rhodes cũng vậy.
* GS có thể nói cụ thể hơn?
- Alexandre de Rhodes là người có công trong việc phát triển chữ Quốc ngữ. Nhưng, cũng từng có những cách hiểu chưa đúng. Chẳng hạn, nhiều người vẫn nghĩ rằng ông là giáo sĩ nhưng cũng là một nhà ngôn ngữ học, dành cả đời để lặn lội tìm hiểu về tiếng nói của người Việt (cười).
Khi nghiên cứu hành trạng của Alexandre de Rhodes, ta sẽ thấy ông tới Việt Nam vào khoảng năm 1625, tại Hội An và vùng Thanh Chiêm cạnh đó. Những hoạt động thời gian sau của Alexandre de Rhodes cũng gắn chủ yếu với khu vực này. Đó là giai đoạn mà dưới chính sách của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Hội An trở thành một cảng thị buôn bán với nước ngoài và được quản lý bằng những chính sách quản lý rất thoáng như cho phép thương nhân nước ngoài cư trú vô thời hạn, dựng làng lập phố với chế độ “tự quản” riêng. (Thậm chí, chúa Nguyễn còn gả con gái cho một thương nhân Nhật Bản).
Việc Alexandre de Rhodes tới Việt Nam và hoạt động truyền đạo không thể tách rời bối cảnh ấy. Cho phép tôi nhận xét: theo một cách nào đó, ông vẫn được chúng ta tiếp nhận một cách thoải mái và rộng rãi - cho dù là người truyền bá “dị giáo” theo cách nhìn phổ biến thời bấy giờ.
Phần tiếp theo trong hoạt động của Alexandre de Rhodes đã được nhiều nghiên cứu nói tới. Trong quá trình truyền đạo, ông bắt buộc phải tiếp xúc với tiếng Việt và từ đó, có nhu cầu sử dụng bộ ký tự Latin để ghi lại ngôn ngữ này. Alexandre de Rhodes không phải người đầu tiên làm điều ấy. Trước ông đã có một số giáo sĩ phương Tây, trong đó có Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thực hiện điều tương tự.
* Vậy GS giải thích thế nào về việc trong một thời gian dài, chúng ta vẫn luôn nghĩ tới cái tên Alexandre de Rhodes khi nói về chữ quốc ngữ?
- Điều này gắn với một cột mốc đặc biệt: năm 1651, ông biên soạn và cho in cuốn từ điển Việt - Bồ - La, trong đó có đưa ra hệ thống nhiều từ tiếng Việt (trong đó có nhiều từ cổ và phương ngữ tại miền Trung) được chua lại bằng các ký tự theo tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latin.
Thực chất, như lời ghi lại của Alexandre de Rhodes, công trình ấy là sự tiếp nối và kế thừa thành quả của nhiều giáo sĩ tại Việt Nam giai đoạn trước ông, trong đó có Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar do Amaral. Nhưng, không thể phủ nhận, đó là một tài liệu cơ bản và vô cùng quan trọng, cung cấp tiền đề để chữ Quốc ngữ tiếp tục phát triển trong giai đoạn sau này. (Francesco de Pina, Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa đều là người Bồ Đào Nha, còn Cristoforo Borri là người Italy).
Như thế, phải khẳng định, Alexandre de Rhodes có công lớn trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, khi biên soạn ra cuốn từ điển có giá trị như “tập đại thành” hệ thống lại việc dùng chữ Latin để ghi tiếng Việt ở nước ta. Nhưng, từ đó mà nhận xét rằng ông là “cha đẻ” của chữ Quốc ngữ - như cách nói của một số người - thì chưa hợp lý.
Nhìn khách quan, việc tạo ra chữ Quốc ngữ là một quá trình dài và không thể quy hết về công sức của một cá nhân cụ thể. Ở dòng chảy ấy, chúng ta nhìn rõ thấy vai trò của những giáo sĩ từ châu Âu sang Việt Nam truyền giáo và học tiếng Việt như Pina hay Alexandre de Rhodes. Nhưng ở hướng ngược lại, theo quan điểm của tôi, họ cũng được sự giúp sức và hỗ trợ rất tích cực của người Việt, mà cụ thể là các Phero bản xứ.
Cần nhớ, trong cuốn từ điển Việt - Bồ - La, Alexandre de Rhodes cũng nhắc tới vai trò của những “người bản xứ” này. Rồi một số tư liệu cũng cho phép chúng ta đưa ra nhận định bước đầu về sự đóng góp của người Việt trong quá trình ấy. Rất tiếc, những hạn chế về tư liệu chưa cho phép chúng ta biết thêm về những đóng góp của người Việt trong dòng chảy Đông - Tây này.
“Việc đánh giá quá mức về đóng góp của Alexandre de Rhodes với chữ Quốc ngữ hay đưa ra suy đoán thiếu cơ sở về thái độ chính trị và động cơ tới Việt Nam của ông đều là những cách tiếp cận không hợp lý trong lúc này” - GS Vũ Minh Giang nói. |
(Còn tiếp)
Cúc Đường (thực hiện)
Tags