Ấn tượng văn chương Việt Nam năm 2023: có cây bút thành danh lẫn tác giả lần đầu xuất bản sách; có tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ; có những giải thưởng đã tìm được chủ nhân và có những vấn đề nuôi dưỡng đội ngũ tác giả trẻ được đem ra bàn luận…
Điều đáng quý là các tác giả trẻ vẫn tiếp tục xuất hiện, đang góp thêm những tiếng nói mới vào văn đàn.
Từ "Hà Nội nhiều mây", "Tuyệt không dấu vết"…
Thủ đô Hà Nội là bối cảnh của biết bao tác phẩm văn học. Đầu tiên, có thể kể đến tiểu thuyết xuất bản vào đầu năm 2023 của nhà văn Hồ Anh Thái, viết lăng kính hiện thực huyền ảo. Tên sách Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu gợi nhắc đến các bản tin thời tiết vẫn thường xuất hiện trên đài.
Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng một bản tin: "Dự báo thời tiết ngày và đêm nay: Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa to, trong cơn giông có gió giật cấp sáu, đề phòng cây đổ gây thiệt hại và cản trở giao thông…".
Nhân vật chính trong truyện lắng nghe bản tin thời tiết ấy, vẩn vơ nghĩ ngợi trong lúc đạp xe, đoán định rằng sắp sửa sang Đông. Vậy mà lẩm nhẩm một hồi, từ "nhiều mây có lúc có mưa to" biến thành "nhiều mây có lúc có mưa ngâu", một điều phi lý và trái với quy luật tự nhiên, như thể trong lúc đạp xe, nhân vật chính đã di chuyển từ vùng không-thời gian này sang vùng không-thời gian khác, từ hiện thực sang huyền ảo.
Còn Nguyễn Việt Hà gọi tác phẩm mới của mình - Tuyệt không dấu vết (Giải Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023) - là "tiểu thuyết trinh thám - kiếm hiệp". Hà Nội trở thành chốn giang hồ với những anh hùng hiệp nữ trong thế kỷ 21 được khắc họa bằng những nét bút trào lộng của một "hiệp khách" có biệt tài kể chuyện nhẹ như không. Nhẹ như không mà thành truyện dù là chuyện nọ móc nối chuyện kia, tràng giang đại hải, trên cái nền một cuộc tìm kiếm người mất tích (thật ra đã chết).
Từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, Nguyễn Việt Hà đã rành Hà Nội trong lòng bàn tay, để "đi mây về gió" nơi đó, để lật trở, nhìn ngắm nó, dù bằng giọng "trinh thám - kiếm hiệp" đi nữa.
Đến miền Tây "Trôi" và có cả… lạc đà
Hồ Anh Thái và Nguyễn Việt Hà đều là những tác giả có bút lực dồi dào, luôn có tác phẩm mới. Tương tự, gần như thường niên, Nguyễn Ngọc Tư đều ra mắt tập truyện, tùy bút và thi thoảng là tiểu thuyết. Tác phẩm năm 2023 của Nguyễn Ngọc Tư là tập truyện Trôi.
Các truyện trong Trôi vẫn đặt không gian miền Tây sông nước là chính, một không gian đã choáng lấy tâm thức các nhân vật, đồng nhất số phận của họ với một thứ định mệnh nổi trôi bất định. Không gian miền Tây quen thuộc không chỉ là bối cảnh ngoại giới, mà trở thành một thứ tâm trạng chi phối hành động của con người.
Tìm đến Trôi là tìm đến những xáo động tế vi, những mẩu chuyện rời rạc như ký ức, như hình dung của các nhân vật về thế giới xung quanh. Văn chương ấy không phải viết ra để được kể lại, để có thể tóm tắt. Niềm vui đọc văn ấy không như xem một bộ phim dài tập có gút, có mở, có kịch tính cao trào; mà là thưởng thức một tâm trạng, một khoảnh khắc, được khắc họa bằng ngôn ngữ giàu chất thơ, giản kiệm, có nhiều khoảng trống để đến lượt mình, người đọc cũng nổi trôi cùng với những suy tưởng, khiến văn bản được cơi nới ra khỏi cái bản chất vật lý của trang sách.
Cũng trong năm 2023, Nguyễn Ngọc Tư giới thiệu một tác giả mới bước qua tuổi hai mươi nhưng theo lời chị là "chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết". Đó là Võ Đăng Khoa với tác phẩm đầu tay: Lạc đà bay. Tập truyện ngắn mà Nguyễn Ngọc Tư nhận xét là có "thứ văn phong giàu chất thơ, hiện đại, sớm vượt khỏi rào vách vùng miền, trắc ẩn mà không ủy mị, phơi bày mà không sa đà".
Võ Đăng Khoa quê ở cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới, An Giang). Mười truyện ngắn trong tập này với những cái tên như Nhìn nước, Cuối bãi, Đất nở, Ngược dòng… gợi liên tưởng đến miền Tây sông nước. Nhưng thiên nhiên trong truyện ngắn Võ Đăng Khoa là một thực thể đang bị đe dọa, ở đó con người không tìm được sự gắn kết với thiên nhiên và với chính con người. Nhưng Khoa tin vào cái bất biến cũng như tin vào sự trở lại của con nước, sự bền bỉ của dòng chảy "như không màng đến những đổi thay của thời cuộc người - lạc đà"…
Và một thế giới không tưởng
Trong cùng thể loại truyện ngắn, khác với Võ Đăng Khoa, Phát Dương đẩy con người vào một không gian siêu thực.
Tập truyện 2 người trong 1 ngăn tủ gồm 12 truyện ngắn có những cái tên gợi tò mò như Nhân bản, Khách sạn trên lưng mèo, Ai đang ở trong phòng của tôi?… Mỗi truyện ngắn trong tập này như một mảnh ghép mà Phát Dương dùng để vẽ nên thế giới. Những con người thu nhỏ sống trong những căn nhà đồ chơi trên lưng mèo (Khách sạn trên lưng mèo). Đời sống con người bị bóp nghẹt, vón lại chỉ vừa những ngăn tủ nổi trôi chứa chấp đủ hai người (truyện 2 người trong 1 ngăn tủ). Một thành phố như đặt dưới đáy biển mà biển ấy chỉ có cá voi và vỏ cam (truyện Cá voi và cam)...
Gần như trùng hợp, trong năm 2023, Hiền Trang cũng có một tiểu thuyết mang tên Quán bar trong bụng cá voi. Một quán bar trong bụng cá voi, một nhà xuất bản ngầm, một thư viện với hồn ma thủ thư biết hết mọi cuốn sách… Tất cả tạo nên một cuộc phiêu lưu mà nhà văn phải dấn thân, phải viết, viết như một cách thức tồn tại, không chỉ là sự tồn tại của cá nhân người viết, mà nó còn khẳng định sự tồn tại của những điều tưởng chừng vĩnh hằng, nhưng có ngày cũng bị đe dọa, xóa khỏi ký ức nhân loại.
Nguyễn Đinh Khoa bổ sung thêm cái phi lý vào những vũ trụ không thực được tạo ra bằng trí tưởng tượng. Dị bản là truyện dài mới nhất của chàng kiến trúc sư say mê văn chương này. Không lạ gì khi nhân vật chính của Dị bản là một kỹ sư xây dựng cầu đường. Sau một tai nạn, anh phải đương đầu với các robot trí tuệ nhân tạo ưu việt đang đe dọa sự tồn tại của loài người.
Dù mang màu sắc viễn tưởng, Dị bản cũng khởi đi từ những vấn đề đang thời sự. Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển và tham gia vào nhiều hoạt động trong cuộc sống của con người.
Hướng về giới trẻ và tác giả trẻ
Những năm gần đây, ở Việt Nam, sáng tác dành cho thiếu nhi được quan tâm nhiều hơn. Từ sách tranh, truyện ngắn, truyện dài, đến thơ dành cho thiếu nhi đều chứng kiến sự nở rộ về số lượng tác phẩm. Các nhà văn cũng dành nhiều sự chú ý hơn cho mảng sáng tác dành cho thiếu nhi. Đơn cử như Mộc An với tác phẩm mới nhất, bản thảo truyện dài Ở một nơi có rất nhiều rồng, đã đoạt giải Khát vọng Dế Mèn lần 4 - 2023. Trước đó, chị đã có một số đầu sách thơ, văn xuôi dành cho thiếu nhi như Đậu Đậu, Sâu Sâu & Be Bé, Nếu một ngày chúng tớ biến mất, Cây cầu lấp lánh, Nhạc sĩ đường phố…
Tác giả mới xuất hiện lần đầu như Lạc An cũng ghi dấu bằng tác phẩm Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ, cũng đoạt giải Khát vọng Dế Mèn 2023.
Cá Linh đi học của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng đã giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023 ở hạng mục Văn học thiếu nhi. Trước đó, bản thảo tác phẩm này cũng từng lọt vào chung khảo Giải Dế Mèn 2022
Năm 2023, NXB Kim Đồng đã chính thức thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất gắn với cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025 cùng mức giải thưởng khá lớn (giải Nhất lên tới 100 triệu đồng). Tại TP.HCM, Giải thưởng Sách thiếu nhi TP.HCM cũng được công bố. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành tổng kết, công bố Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi giai đoạn 1 (2021 - 2023), đẩy mạnh giai đoạn 2 của Cuộc vận động (kéo dài đến 2025).
Văn học thiếu nhi ở Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ, đầy hứa hẹn, vẫn đang chờ đợi các tác phẩm có thể đồng hành với thế hệ thiếu nhi hiện nay, trở thành một dấu ấn đẹp trong tuổi thơ nhiều thế hệ.
Từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, Nguyễn Việt Hà đã rành Hà Nội trong lòng bàn tay, để "đi mây về gió" nơi đó, để lật trở, nhìn ngắm nó, dù bằng giọng "trinh thám - kiếm hiệp" đi nữa.
Tags