Nhìn lại World Cup 2022: Những kí ức bất tử ở Qatar

Thứ Hai, 23/01/2023 18:41 GMT+7

Google News

Một kỳ World Cup mở đầu bằng lệnh cấm rượu bia đã kết thúc bằng bữa tiệc rượu sâm panh tưng bừng của Argentina. Một giải đấu bắt đầu bằng sự thận trọng về xung đột văn hóa đã kết thúc bằng việc tôn vinh một biểu tượng bóng đá vĩnh viễn: Leo Messi.

Đến tận bây giờ những dư âm của trận chung kết rợn ngợp nhất lịch sử giải đấu vẫn còn nguyên vẹn và khiến phần lớn chúng ta cảm thấy muốn được trở lại những giây phút đấy một lần nữa. Nó kết thúc với việc Leo Messi cuối cùng cũng giương cao chiếc cúp vô địch thế giới bằng vàng nguyên khối ở sân vận động Lusail ngập tràn 89.000 khán giả.

Kỳ World Cup lịch sử

Đó là danh hiệu duy nhất mà Messi, cầu thủ được coi là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá, đã giành được để hoàn tất sự nghiệp vĩ dại. Và khi đối mặt với chiếc cúp lần thứ hai trong sự nghiệp, số 10 đã dừng lại để hôn nhẹ lên nó như một nụ hôn của những người bạn có tính chất định mệnh.

Siêu sao người Argentina có thể đã tạo ra một kì World Cup lịch sử của riêng mình, nhưng World Cup 2022 được làm nên bởi nhiều những chi tiết khác nhau. Bạn có thể không được thỏa mãn bởi ở Qatar không có Italy, và nó thiếu đi một gia vị cay nồng cho cuộc đua vô địch. Bạn cảm thấy Bồ Đào Nha bị loại tức tưởi bởi thuyết âm mưu rằng FIFA đã sắp xếp để tổ trọng tài đến từ Argentina trừng phạt Ronaldo cùng các đồng đội.

Bạn thấy còn một điều gì đó bị bỏ phí sau thất bại của một thế hệ cầu thủ đang ở độ chín sự nghiệp của Brazil và thấy thật khó hiểu vì sao những ngôi sao của Bỉ lại quá già để tranh tài ở World Cup 2022, dù cho người lớn tuổi nhất Jan Vertonghen (35 tuổi), còn là "đàn em" của Pepe, Luka Modric, Thiago Silva hay Dani Alves.

(bao tet) Nhìn lại World Cup 2022: Những kí ức bất tử ở Qatar - Ảnh 1.

Tuyển thủ Maroc Hakimi ăn mừng cùng mẹ sau chiến thắng trước Bồ Đào Nha ở tứ kết

Bạn thấy bực bội vì Đức bị loại ngay ở vòng bảng lần thứ hai liên tiếp và không thể giải thích được về khía cạnh chuyên môn. Nổi giận vì Tây Ban Nha chuyền bóng đến 1000 lần để làm gì trước Maroc chỉ thực hiện 250 đường chuyền trong cả trận và loại họ sau loạt sút luân lưu?

Bạn đã không được chứng kiến cuộc đọ sức giữa những người Nam Mỹ quái kiệt Neymar-Messi ở bán kết, hay Ronaldo đối đầu với đối thủ lớn nhất Messi ở trận đấu cuối cùng. Bạn cũng nhìn thấy sự căng thăng trong ánh mắt của Harry Kane ở trận Anh gặp Pháp, trong lần thứ hai thực hiện quả phạt đền và khiến Tam sư rời đi trong nước mắt.

Bạn nhìn thấy nhiều điều khiến cho World Cup 2022 không thật sự trọn vẹn, nhưng nó hoàn hảo bởi những cầu thủ Saudi Arabia sau này có thể kể với con cháu rằng, họ là những người duy nhất đánh bại Leo Messi vĩ đại trên đất Qatar năm ấy.

Và những cầu thủ Maroc đã trở thành người hùng của thế giới Ả rập và của lục địa đen như thế nào khi vào đến tận bán kết, cũng như chỉ chịu khuất phục trước nhà ĐKVĐ Pháp (cho đến lúc ấy), có thể mãi mãi được ghi vào biên niên sử bóng đá của xứ sở và trở thành niềm cảm hứng cho các đội bóng châu Phi khác ở những kì World Cup tiếp theo.

Bỉ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã trở thành chứng nhân cho những khoảnh khắc vĩnh cửu của người Maroc và cùng lúc đó là sự nhấn mạnh rằng, hầu như không có gì có thể ngăn cản được sự kịch tính diễn ra ở mảnh đất nhỏ bé trên bản đồ này, cũng như ngăn cản cả thế giới dõi theo nó mỗi ngày, trong 64 trận đấu.

Hồi ức bất tử

Trong một bài báo hài hước, tự bông đùa có tựa đề: "Tôi đã thất bại trong cuộc tẩy chay của mình như thế nào", kí giả người Pháp Richard Coudrais đã nắm bắt hoặc giải thích một cách hiệu quả nhận thức này: Ban đầu, ông vạch ra kế hoạch là ngó lơ hoàn toàn giải đấu, một khả năng gần như không thể thực hiện được và cuối cùng đã đầu hàng đúng vào lúc để tận hưởng chiến thắng ngọt ngào của Pháp trước Anh trên đại lộ Champs Elysees.

Nói về khát khao lớn lao, mong muốn của Qatar tại World Cup này là được thể hiện mình với thế giới. Trong 12 năm lập kế hoạch để biến giải đấu này trở nên hấp dẫn bậc nhất, xa hoa bậc nhất với hơn 220 tỉ USD chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, để xây 7 sân vận động mới, những bảo tàng về thế giới Hồi giáo tầm cỡ thế giới và hệ thống giao thông công cộng hiện đại, nó không thể che giấu được một sự thật rằng, đội bóng của nước chủ nhà không thể đi tắt đến với thế giới trên sân cỏ.

(bao tet) Nhìn lại World Cup 2022: Những kí ức bất tử ở Qatar - Ảnh 2.

Pha cứu bóng trên vạch biên ngang của Mitoma đã giúp Nhật Bản quật ngã Tây Ban Nha ở vòng bảng như một biểu tượng của tinh thần chiến đấu hết mình

Nhưng thất bại của Qatar nhanh chóng bị quên lãng bởi màn trình diễn thượng hạng của Messi và các đồng đội ở Argentina, những người nhanh chóng biến mình trở thành một biểu tượng của sự vượt lên trên số phận, định kiến và trở thành những nhà vô địch chói lọi.

Giải đấu này hấp dẫn bởi chính những phút bù giờ kéo dài đến bất tận và Hà Lan cũng như Pháp đã kéo nhà vô địch Argentina đi tới những thời khắc mà tưởng chừng như số phận sẽ nuốt chửng Messi một lần nữa, nó được tạo ra bởi Wout Weghorst và Kylian Mbappe. Và dù cho chớp le lói đã không thay đổi được định mệnh của người Argentina thì cả thế giới nhận thấy rằng, sự hấp dẫn là bất tận và để chiếm được đỉnh vinh quang, bạn cần phải học được cách chịu đựng đau khổ.

World Cup 2022 cũng là nơi mà tượng đài của bóng đá thế giới Cristiano Ronaldo nói lời giã từ sân khấu đấy bằng những giọt nước mắt và sự lặng thinh tuyệt đối trong đường hầm sau thất bại của Bồ Đào Nha. Nhưng chúng ta cũng được chứng kiến cái cúi đầu giã biệt đầy xúc động của Luka Modric sau thất bại của Croatia trước Argentina. Bạn sẽ nhớ về World Cup 2022 bằng tất cả những điều được nói đến hoặc không nhắc đến, được viết lại nhiều lần sau nhiều năm hoặc có thể chẳng bao giờ được hồi tưởng. Bạn sẽ kể nhiều câu chuyện về Messi, về Mbappe, về Ronaldo hay Emiliano Martinez hoặc cũng có thể sẽ lướt qua nhanh những chủ đề về Son Heung Min hay Amrabat, nhưng theo cách nào thì giải đấu này cũng sẽ đi vào lịch sử như một trong những kì World Cup hay nhất với trận chung kết có một không hai. Và những cá tính bất diệt của tất cả những đội bóng tham dự giải đấu trên đất Qatar sẽ trở thành những hồi ức bất tử.

Bù giờ nhiều nhất lịch sử

Trận Anh vs Iran lập con số kỉ lục khi có thời gian bù giờ lên tới 27 phút 16 giây (ảnh), có nghĩa là gần bằng... hai hiệp phụ, trong đó, 14 phút bù giờ đến trong hiệp 1. World Cup 2022 là giải đấu mà FIFA quyết tâm trả lại đúng thời gian thực cho các trận đấu. Đồng thời, hạn chế chiêu trò câu giờ hay lãng phí thời gian. Tốc độ trận đấu vì thế có thể được đẩy lên cao hơn.

Việc xác định mỗi trận đấu ở World Cup 2022 sẽ có khoảng 100 phút, sẽ giúp các HLV có chiến thuật thay người, tấn công hoặc phòng ngự phù hợp. Thông thường, nếu đưa một cầu thủ vào sân thay người ở phút 60, anh ta chỉ chơi được khoảng 30 phút. Thế nhưng con số đó có thể là cả một hiệp thi đấu chính thức tạo ra sự khác biệt lớn.


Thất truyền chân sút phạt

Dù có rất nhiều cầu thủ xuất sắc trên sân, nhưng tại World Cup 2022, số bàn thắng từ sút phạt trực tiếp chỉ là 2 bàn sau 49 lần sút phạt (tỉ lệ là 4,08%) của Rashford (Anh) và Chavez (Mexico), so với 7 bàn thắng từ 84 cú sút ở World Cup 2018 (hiệu suất là 8,33%). Về tổng số lần phạm lỗi, dữ liệu không có quá nhiều sự thay đổi. Trung bình là 27,06 ở Nga và 24,66 tại Qatar. 4 năm trước, các trọng tài rút 219 thẻ vàng và 4 lần đưa ra quyết định trục xuất. Lần này là 211 thẻ vàng và có cùng số thẻ đỏ (không tính trường hợp HLV và trợ lý).

Thiên Ý

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›