Không đội bóng châu Á nào lọt vào tứ kết World Cup 2022 nhưng những màn trình diễn ấn tượng của họ trên đất Qatar đã khiến người ta phải thay đổi cách suy nghĩ về tầm vóc của bóng đá châu Á.
Với tư cách là chủ nhà World Cup 2022, Qatar đã được ưu ái khi xếp hạng hạt giống và rơi vào bảng nhẹ nhất với sự góp mặt của Ecuador, Senegal và Hà Lan. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một khoảng cách quá lớn giữa Qatar với 3 đối thủ còn lại. Họ thua cả 3 trận và bị loại mà không có nổi 1 điểm nào, ngoài bàn thắng duy nhất trong trận thua 1-3 trước Senegal ở lượt trận thứ 2.
Cuộc trỗi dậy mạnh mẽ tại Qatar
Qatar trở thành đội chủ nhà đầu tiên bị loại mà không có nổi một trận thắng nào. Họ cũng là chủ nhà duy nhất trong lịch sử World Cup bị loại chỉ sau 2 lượt trận. Điều đó chỉ ra một thực tế rằng dù Qatar đã bỏ ra rất nhiều tiền để đưa Giải đấu lớn nhất hành tinh về với đất nước mình thì chơi xứng tầm ở đấu trường danh giá nhất lại là chuyện khác. Người ta đã khẳng định rằng nếu không đăng cai World Cup thì còn rất lâu nữa Qatar mới dám mơ được chơi ở giải đấu tầm cỡ như thế này.
Nhưng nếu bỏ qua câu chuyện của chủ nhà World Cup sang một bên, thế giới bóng đá đều đã thừa nhận bóng đá châu Á đang có những bước tiến thần tốc trên bản đồ bóng đá thế giới. Tất cả đều đã được thể hiện rất rõ ở World Cup 2022, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đội tuyển châu Á.
Saudi Arabia nổ phát súng đầu tiên đánh dấu sự khẳng định của bóng đá châu Á trên đấu trường World Cup. Đội bóng Tây Á gây tiếng vang bằng trận thắng ngược 2-1 đầy ấn tượng trước Argentina trong ngày khai màn bảng C. Nhiều CĐV Saudi Arabia vẫn tự hào tuyên bố rằng đội tuyển con cưng của họ mới là đội bóng duy nhất đánh bại được nhà vô địch thế giới.
Rất tiếc cho Saudia Arabia là sau cú "Big Bang" trước Argentina, họ lại không giữ được đôi chân trên mặt đất. Hai thất bại liên tiếp trước Ba Lan và Mexico khiến giấc mơ của người Ả rập tan vỡ. Họ cần thêm ít nhất một kì World Cup nữa để hiện thực hóa mục tiêu vào vòng 1/8.
Iran cũng gây ấn tượng mạnh khi thắng 2-0 trước xứ Wales ở lượt trận thứ 2. Nhưng trước một tuyển Mỹ giàu kinh nghiệm và sở hữu nhiều ngôi sao, đại diện còn lại của Tây Á cũng không thể tạo nên bất ngờ. Như Saudi Arabia, Iran ngẩng cao đầu chia tay World Cup sau vòng đấu bảng với thành tích là 1 chiến thắng và 2 thất bại.
Trái lại, hai đại diện ưu tú nhất của Đông Á đã phất cao lá cờ châu Á. Hàn Quốc hòa 0-0 trước Uruguay trong ngày khai mạc. Tiếp đó họ thua 1-2 trước Ghana và bị đánh giá là "hết cửa" khi phải gặp Bồ Đào Nha trong lượt trận cuối. Nhưng như sự sống được thành hình từ nơi khô cằn nhất, Hàn Quốc trỗi dậy, bùng nổ và thăng hoa. Đường chọc khe chỉ có trong "tưởng tượng" của Son Heung Min và cú dứt điểm lạnh lùng của Hwang Hee Chan giúp Hàn Quốc quật ngã Bồ Đào Nha. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã lăn trên gò má của Son, của Hwang, của hàng nghìn người hâm mộ chứng kiến trận đấu ấy. Đó là một bữa tiệc bóng đá giàu cảm xúc nhất thế giới mà chắc chắn sau này, rất nhiều người Hàn Quốc còn phải nhắc đến.
Nếu chiến tích của Hàn Quốc cảm xúc bao nhiêu thì người Nhật lại ngạo nghễ đến đó. Rơi vào bảng đấu gồm cả Tây Ban Nha và Đức, các "samurai xanh" đã vượt hết núi cao này đến núi cao khác. Đầu tiên, họ thắng Đức 2-1 trong trận mở màn. Sau khi thua Costa Rica, Nhật Bản lại hạ gục Tây Ban Nha, qua đó vào vòng 1/8 với vị trí nhất bảng E. Một chiến tích ngoạn mục mà không phải đội châu Á nào cũng làm được.
Chiến công của các đội bóng châu Á càng được tô điểm hơn với thành tích của Australia. Là đội bóng thuộc châu Úc nhưng Australia giờ là thành viên của AFC, và trở thành một trong 6 đại diện của châu Á góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Họ chỉ dừng bước ở vòng 1/8, với thất bại 1-2 trước Argentina, những người sau đó vô địch.
Khát khao vượt ngưỡng của bóng đá châu Á
Dù gây ấn tượng cực mạnh ở vòng bảng, Hàn Quốc cũng không thể hiện được quá nhiều ở vòng 1/8. Bất cứ một sai lầm nào cũng không được sửa sai, bởi ở đó, mọi tính toán chỉ là tương đối, khi sự chênh lệch về đẳng cấp cũng như bản lĩnh được thể hiện rõ. Nó lý giải vì sao chỉ sau 40 phút của hiệp 1, Hàn Quốc thua tới 4 bàn trước Brazil. Những gì còn lại của trận đấu đã không thể thay đổi được thế cục. Hàn Quốc dừng bước sau khi thua tâm phục khẩu phục trước Brazil.
Australia cũng đã không thể tạo nên bất cứ một bất ngờ nào trước Argentina. Trận thua sát nút ở vòng 1/8 chỉ nói nên một thực tế rằng dù đã nỗ lực để chiến đấu, Australia vẫn còn thua đội bóng của Messi ở đẳng cấp và cả yếu tố con người. Khi Messi quá xuất sắc, việc Australia dừng cuộc phiêu lưu tại Qatar cũng là tất yếu.
Đáng tiếc nhất có lẽ là Nhật Bản. Sau khi gây tiếng vang lớn ở vòng bảng bằng việc hạ cả Đức lẫn Tây Ban Nha, Nhật Bản bước vào vòng 1/8 với tâm thế của một đội bóng có khả năng "hạ sát những người khổng lồ". Họ đã chơi như thêu hoa dệt gấm trước Croatia, và thậm chí mở tỷ số. Nhưng thứ Nhật Bản thiếu trong trận chiến này lại chính là kinh nghiệm. Modric và các đồng đội đã quá bản lĩnh. Họ từng bước gỡ từng nút thắt áp lực mà Nhật Bản tạo nên. Để rồi, từ chấm 11m sau 120 phút (hòa 1-1), Croatia chấm dứt "giấc mơ hoa Anh đào" trên đất Qatar.
Nhìn một cách tổng thể, World Cup 2022 đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những đội bóng ưu tú nhất châu Á. Tuy nhiên, dường như cái ngưỡng của bóng đá châu Á tại sân chơi lớn nhất thế giới cũng chỉ là vòng 1/8. Dù đã nỗ lực, đã khát khao, đã chiến đấu bằng cả con tim và khối óc, các đội bóng châu Á đều phải dừng bước theo những kịch bản khác nhau. Bởi thế, chiến tích lọt tới bán kết World Cup 2022 của chủ nhà Hàn Quốc 20 năm về trước vẫn là một giấc mơ xa xỉ với bóng đá châu Á. 4 năm nữa, sau cuộc trỗi dậy ở Qatar, thế giới bóng đá sẽ có một cái nhìn khác về bóng đá châu Á. Họ sẽ không còn là những kẻ lót đường thường xuyên nữa. Họ đã là những người có thể cạnh tranh sòng phẳng những tấm vé vào vòng đấu loại trực tiếp. 8,5 suất cho bóng đá châu Á khi từ World Cup 2026 sẽ được mở rộng lên tới 48 đội. Sẽ có nhiều hơn những đội bóng châu Á được góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Cơ hội rất nhiều nhưng cũng thách thức rất nhiều. Bởi các đội bóng châu Á sẽ cần phải ý thức được rằng họ phải làm được nhiều hơn những gì mà những đội bóng ưu tú như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia đã làm trên đất Qatar.
Kì World Cup thành công nhất của bóng đá châu Á
Trước giải đấu tại Qatar, kì World Cup thành công gần nhất của bóng đá châu Á là năm 2010 trên đất Nam Phi. Khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đều dự vòng 1/8 và phải dừng bước trước các đội bóng Nam Mỹ.
Trong số 16 đội bóng đã đoạt vé dự vòng 1/8 World Cup 2022, bóng đá châu Á có 3 đại diện, chỉ kém châu Âu (7 đại diện). Trong khi đó, Nam Mỹ chỉ có 2 đội bóng vượt qua vòng bảng là Brazil và Argentina. Ở World Cup 2022, tính cả chủ nhà Qatar, châu Á có 6 đội bóng tham dự. Ngoài Qatar (toàn thua 3 trận) và trở thành đội chủ nhà tệ nhất lịch sử World Cup, 2 đội bóng còn lại là Iran và Saudi Arabia đều đã để lại nhiều dấu ấn dù không thể vượt qua vòng bảng.
Trần Giáp
Tags