'Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu' của Nguyễn Quân: Mở đường cho việc tiếp cận nghệ thuật và design đương đại

Thứ Sáu, 07/08/2020 08:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ, nhà nghiên cứu - phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đã hoàn thành và xuất bản nghiên cứu Ghi chú về nghệ thuật (NXB Mỹ thuật, 1990). Hơn 20 năm sau, ông hình thành nghiên cứu chuyên sâu hơn là Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu, phân tích 4 cảm quan từ ngoài vào trong, từ nhận biết thị giác, đến thấy cái gì đó, yêu cái gì đó và hiểu cái gì đó... Cuốn sách Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu (NXB Thế giới, Nhã Nam, 2020) của ông chắc chắn sẽ mở đường cho việc tiếp cận nghệ thuật và thế giới design đương đại.

Nhà phê bình Nguyễn Quân: Mỹ thuật Việt Nam không cần phải mặc cảm hoặc viển vông

Nhà phê bình Nguyễn Quân: Mỹ thuật Việt Nam không cần phải mặc cảm hoặc viển vông

Có thể gọi cuốn tiểu luận "Nhìn - thấy - yêu - hiểu" (NXB Thế giới - Nhã Nam) của Nguyễn Quân là một trong những cẩm nang về nhận thức luận nghệ thuật, về sống bởi/vì/trong/cùng… nghệ thuật. Nó là một bổ khuyết vào bộ 4 cuốn về lý thuyết nhận thức luận nghệ thuật của nhà phê bình này.

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương

Lênh đênh làm khách phong trần mãi

Ngày hết quê xa vạn dặm trường

(Trần Thái Tông)

Cầm cuốn sách của Nguyễn Quân, đọc vài trang, ta thấy như sắp bước vào một khu rừng rậm rạp, bao phủ lên những ngọn núi cao. Khu rừng ấy nhiều tầng, nhiều lớp, cây cao cây thấp và dây leo chằng chịt, suối và thác đan cài, dường như không biết đâu mà lần, nhưng rồi cái trật tự sinh tồn hiện ra, nếu ta chịu khó đi vào, tìm lối, thì sẽ cảm nhận được sự phong phú nhiều chiều của trí tuệ và tâm hồn của con người nói chung và của tác giả nói riêng.

Bất cứ ai cũng Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu và có thể nâng cấp những thang bậc trí huệ đó tùy theo cách sống, nhu cầu thăng hoa và trên hết là khả năng tiếp xúc hay sáng tạo nghệ thuật - cái đỉnh điểm của Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu.

Cây mọc trên núi, rễ ăn sâu vào lòng đất, như con người sống trên mặt đất, hiểu biết nguồn sống của mình - sông núi, xóm làng, tập tục…thoạt tiên là nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ, thấy được cái gì đó mà thành kiến văn, yêu những cái mình sống và thấy, hiểu biết và phân tích. Cứ thế, cứ thế nâng cao từng cấp độ từ đứa trẻ thơ đến nhận thức của người trưởng thành, hoặc sâu sắc hơn là trí huệ của nghệ sĩ, lớn lao hơn là trí huệ của triết gia, bác học.

Chú thích ảnh
Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Nguyễn Quân gọi cái này là nhiều sự thật và vòng xoáy của nhận thức. Trước tiên bạn phải “nhìn”, nhưng có thể nhìn mà không “thấy”, nên thấy là một thang bậc vượt qua cái nhìn của con mắt mà có chút kiến giải, sau đó bạn yêu/ghét/hoặc không thái độ với cái ta nhìn, rồi chợt “hiểu” nó là thế này, mà không phải là thế kia.

Cuốn sách là một chặng đường dài của nhận thức tâm sinh lý con người, chủ yếu thông qua thị giác và nghệ thuật, cũng chủ yếu là các nghệ thuật thị giác.

Năm 1990, Nguyễn Quân đã hoàn thành và xuất bản nghiên cứu Ghi chú về nghệ thuật (NXB Mỹ thuật, 1990). Một sự khai mở vào thế giới nghệ thuật thông qua con đường giác quan, mà thị giác đóng vai trò chuyển tải hơn 75% thông tin của con người với thế giới nội tâm và bên ngoài. Từ đó ông đưa ra khái niệm nội giới và ngoại giới, các giác quan làm nhiệm vụ đóng mở để nhận biết thế giới bên ngoài và mở đường cho kho tâm thức bên trong.

Ông cũng đã hình thành ngôi nhà nhiều tầng, mà các cánh cửa là giác quan, tầng ngầm là tiềm thức, vô thức, tầng trệt là ý thức và tầng thượng là sự thăng hoa của tâm hồn nhận thức, từ đó nhận thấy trong con người rõ ràng có khu vực để hiểu và khu vực không để hiểu - chính là nghệ thuật, một lĩnh vực mà ta cần cảm xúc thay vì đòi giải thích.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn Quân làm gốm tại bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình, 5/2020. Ảnh: Phan Cẩm Thượng

Các ý tưởng này, được triển khai trong nghiên cứu Ngôn ngữ tạo hình, xuất bản dưới cái tên Tiếng nói của hình và sắc (NXB Văn hóa Thông tin, 1984), và sau đó là Con mắt nhìn cái đẹp (NXB Mỹ thuật, 2004). Những đặc điểm tâm sinh lý tự nhiên của mắt, với các hiệu quả thị giác, nhìn hình, nhìn màu, nhìn khối và liên tưởng, dẫn tới 3 nghệ thuật đồ họa, hội họa và điêu khắc.

Ở đây cái đẹp - cái thẩm mỹ được coi là đồng tiền 2 mặt, mà mặt kia là những xúc cảm khi đứng trước và thâm nhập vào cái đẹp, đó chính là “yêu”. Mặt này là thẩm mỹ, mặt kia là yêu, cái yêu không vụ lợi, không thắc mắc tại sao, yêu rồi sẽ hiểu, hiểu rồi sẽ yêu hơn.

Hơn 20 năm sau, kể từ khi hoàn thành Ghi chú về Nghệ thuật, Nguyễn Quân hình thành nghiên cứu chuyên sâu hơn là Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu, phân tích 4 cảm quan từ ngoài vào trong, từ nhận biết thị giác, đến thấy cái gì đó, yêu cái gì đó và hiểu cái gì đó.

Ông chợt nhận thấy hóa ra 4 cảm quan này không đơn tuyến, mà chồng tầng phức tạp, bị chi phối bởi các đặc tính tự nhiên của con người sinh học, con người xã hội và vùng miền, nó làm cho thực chất người ta nhìn cuộc sống không phải như nó vốn có, mà như người ta thấy thế, muốn thấy thế, biên tập cái nhìn của mình ngay từ đầu, dẫn đến kết quả là có bao nhiêu con mắt, thì có bấy nhiêu sự thật, chỉ có sự thật như ta thấy, như thế, mà không biết cái sự thật khách quan chính xác là gì. Đó là chưa kể đến quá trình tri giác, sự tưởng tượng, đời sống huyền thoại và siêu hình, ảo thị chi phối vào.

Chú thích ảnh
Sách “Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu” của Nguyễn Quân

Sự phát triển của khoa học lại là một tác động khác đến cái nhìn và nhận thức sinh học và xã hội. Từ thế kỷ 19 trở về trước, mắt của loài người nhận biết ở tầm trung bình, nhỏ là côn trùng, to là quả núi, bầu trời, nhưng kính hiển vi, kính viễn vọng, các phát minh về sóng và tia xạ mở rộng tầm nhìn con mắt ra thế giới vi mô và vĩ mô, đồng thời hệ nhị phân của thuật toán cho phép tích hợp âm thanh, màu sắc, hình thể, chất lượng hiện thực vào trong một hệ thông tin nào đó, đồng thời có thể hoán chuyển.

Ví như ta có cái iPhone trên tay vừa nối mạng, vừa gửi E-mail, vừa nghe nhạc, chụp ảnh, quay phim…hay ta xem bóng đá không còn bằng con mắt trời cho mà xem bằng con mắt tích hợp của 24 cái camera đưa ra một hình ảnh. Thế giới ảo đan xen với thế giới thật, trí tuệ nhân tạo nhích dần đến loài người cảm xúc và đó là tương lai tốt đẹp hay đáng lo âu, ta thực sự chưa biết.

Mặc dầu, cố gắng trình bày đơn giản nhất, rằng cuốn sách chỉ có 6 phần, bắt đầu từ nhiều sự thật, do nhiều cách nhìn, cách thụ cảm, lần lượt 4 cánh cửa cảm thức mở ra: Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu, lần lượt được trình bày từ các đặc tính sinh học, đến đặc tính xã hội và công nghệ, rồi kết lại ở ngôi nhà 3 tầng của tâm thức, tâm hồn con người. Tất cả chỉ là thế, nhưng cuốn sách của Nguyễn Quân thực sự khó đọc, dù nó rất hấp dẫn bởi các ví dụ và phân tích đời thường, thông thường, nó như một mớ dây thần kinh từ cái đầu nào đó, được tháo dỡ và xếp lại theo một trình tự mới.

***

Nguyễn Quân có cái nền tảng khoa học và triết lý nhất định khi tiếp nhận nền giáo dục Đức, lại là người sáng tạo nghệ thuật bền bỉ, ham mê thơ Đường và nhận thức luận Phật giáo, ông lý giải vấn đề của mình trên các cảm quan từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ vô thức, tiềm thức đến ý thức, phát triển trên các giác quan, mà các giác quan ấy đã được rèn rũa và truyền thừa qua các sắc tộc, lịch sử và xã hội cụ thể.

Vượt qua tất cả những cái đó, sách của ông hóa ra cũng dễ đọc, dễ tiếp xúc, đầy mâu thuẫn, cập nhật, gần như ta yêu thương vuốt ve nhau, xa xôi mơ hồ như trò chuyện với nhà triết học.

Bài thơ đề từ trên của Trần Thái Tông nhấn mạnh sự theo đuổi ra bên ngoài của các giác quan - mồm thích ăn ngon, mũi thích ngửi mùi thơm, tai thích nghe đàn hay, hát ngọt, mắt thích nhìn cái đẹp, mà quên mất cái bản thể bên trong của mình - đó là quê hương bên trong của từng cá nhân, cho đến một ngày, chợt ngộ ra thì đã đi xa quê lắm rồi. Đó là một quan điểm Phật giáo cho rằng con người tự thân là một tiểu ngã, có khả năng tri giác đại ngã (vũ trụ, cái toàn thể), các nhận biết giác quan chỉ làm nó trở nên sai lầm và mù mờ.

Từ nhận thức này đánh giá nghiên cứu của Nguyễn Quân, rõ ràng ông đứng về khoa học - sinh học và xã hội tâm lý, để phân tích lý giải nội giới và ngoại giới, không chấp nhận một định mệnh tự tri. Cuốn sách của ông chắc chắn sẽ mở đường cho việc tiếp cận nghệ thuật và thế giới design đương đại.

Vài nét về “Nhìn - Thấy - Yêu - Hiểu”

Sách gồm 6 chương: Nhiều sự thật; Sự nhìn; Sự thấy; Sự yêu; Sự hiểu; Nghệ thuật trong thế giới hiện nay và cuối cùng là Lời cuối sách: Ngôi nhà có cầu thang xoáy. Trong Lời cuối sách này, tác giả đưa ra quan niệm, ngôi nhà là cơ thể của mỗi người, bên trong nó là nội giới/tiểu ngã, bên ngoài nó là ngoại giới/đại ngã. Tầng hầm không đáy của nhà là các kỷ niệm, kinh nghiệm, tiềm thức, vô thức, bản năng. Khoảng không gian dưới trần nhà là ý thức, các trạng thái tinh thần, dẫn tới hành xử. Tầng thượng là nơi thăng hoa của tinh thần,sáng tạo giao hòa giữa nội giới và ngoại giới.

Phan Cẩm Thượng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›