Cuối tuần trước, đường sách thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) vừa khánh thành. Nằm trong khuôn viên Văn Miếu, đường sách này có vị trí khá đẹp, nhiều cây xanh, đi lại thuận tiện, vốn là không gian công cộng thu hút nhiều người dân.
Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc xuất hiện một đường sách quả là sự kiện quan trọng trong đời sống tinh thần. Với nhiều quầy sách của các đơn vị xuất bản, chúng ta hy vọng bạn đọc sẽ tăng thêm các thói quen mua và đọc sách, nhất là những người trẻ tuổi.
Thực tế, từ trước đến nay ở khu vực miền Nam, các hoạt động văn hóa, nhất là văn hóa đọc, thường chỉ diễn ra sôi nổi ở TP.HCM. Những buổi ra mắt sách ở đường sách, quán cà phê, những buổi giao lưu với các nhà văn quốc tế… với mật độ dày đặc, đa dạng, đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần bình thường của người dân.
Những sinh hoạt văn hóa như vậy, xem ra vẫn còn hiếm hoi ở các tỉnh khác của phía Nam. Qua quan sát những buổi giao lưu, ra mắt sách đã diễn ra ở không gian công cộng, có thể thấy độc giả đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn tâm lý rụt rè, ngại tham gia ở sân khấu chính mà chỉ đứng tản mác ở xung quanh. Độc giả nơi đây cũng chưa tham gia tranh luận, đặt câu hỏi với diễn giả khách mời dẫn đến các buổi giao lưu thường… bể sô.
Xây dựng các đường sách ở các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ là bước đầu trên con đường phát triển văn hóa đọc ở khu vực này. Đi kèm với các gian hàng sách, sự hiện diện nhiều đầu sách hay thì các hoạt động quảng bá, ra mắt, giao lưu để tăng tương tác giữa người đọc và người viết, giữa giới văn nghệ sĩ với nhau, cũng cần được lên kế hoạch bài bản để tổ chức thường xuyên.
Có thể lúc đầu, độc giả tại đây sẽ còn ngại ngần, bỡ ngỡ. Bởi thế, các bên tổ chức cần kiên nhẫn xây dựng từ từ để độc giả có thói quen, và xem đó những sinh hoạt văn hóa liên quan đến sách là bình thường nhằm giúp cho lớp độc giả trẻ, nhất là sinh viên, học sinh, tự tin hơn. Rộng hơn, các hoạt động này sẽ rút ngắn những cách biệt về sự phát triển, chí ít là phát triển đời sống văn hóa tinh thần của các tỉnh, thành phố so với trung tâm văn hóa TP.HCM.
Nhìn dòng người đến buổi khai trương đường sách Cao Lãnh, có thể thấy sự tò mò, lẫn háo hức của người dân. Tuy nhiên, để duy trì dài lâu, cần có những hoạt động chiều sâu. Thậm chí, giới xuất bản còn phải lắng nghe phản hồi từ người đọc, xem xét gu đọc của độc giả, thậm chí là ở từng địa phương với những câu hỏi: Nhu cầu đọc của họ thế nào, họ thích loại sách gì, họ cần những sinh hoạt văn hóa nào? Từ đó, chính bản thân các đơn vị xuất bản, cũng như các gian hàng đường sách sẽ điều chỉnh, thậm chí hướng đến xuất bản các tác phẩm phục vụ cho các đối tượng bạn đọc sinh sống, học tập ở đồng bằng sông Cửu Long, tránh tình trạng đường sách thì nhiều, quầy sách, nhân viên bán sách thì đông, nhưng độc giả lại ít.
Một đường sách mới xuất hiện đã mở ra nhiều hy vọng - và cả trách nhiệm đi kèm.
Tags