(Thethaovanhoa.vn) - Cái chết của các ngôi sao K-pop Goo Hara và Sulli trong vòng 6 tuần, cũng như của Jonghyun hồi tháng 12/2017, đã khiến hàng triệu người hâm mộ ở Hàn Quốc và khắp thế giới bị sốc và thực sự đau buồn.
Gần nhất, Goo Hara (28 tuổi), một người bạn thân của Sulli (25 tuổi), được phát hiện đã chết tại căn hộ của cô vào hôm 24/11, trong khi Sulli và Jonghyun (27 tuổi) cũng đều tự tìm đến cái chết do mắc chứng trầm cảm.
Tưởng nhớ thần tượng theo nhiều cách khác nhau
Người hâm mộ thương tiếc các ngôi sao theo những cách khác nhau, vừa công khai vừa riêng tư, và nhiều người đã tới nhà tang lễ để từ biệt Goo Hara.
Nhiều người lại đang kiến nghị Twitter hãy có một ngoại lệ với trường hợp Goo Hara trong bối cảnh trang mạng xã hội này vừa công bố chính sách mới là xóa tài khoản của ai đó nếu trong vòng 6 tháng không có hoạt động gì. Có nghĩa, các fan hy vọng rằng tài khoản của Twitter vẫn tồn tại.
Các chuyên gia cho rằng, những phản ứng này xuất phát từ người hâm mộ trước cái chết của các thần tượng. Nhưng về lâu dài, chúng sẽ có tác động tích cực và có thể giúp nâng cao nhận thức về vấn đề sức khỏe tâm lý ở Hàn Quốc.
Claire Chou, một học sinh 16 tuổi ở San Diego (Mỹ), là người quản lý trang người hâm mộ Fairy and Tree trên Instagram để tưởng nhớ Jonghyun.
“Tôi tin rằng Jonghyun vẫn còn ở đây, nhưng chỉ ở một hình thức khác” - Chou nói - “Qua các hình ảnh, video và bài hát, tôi có thể nhớ tài năng của anh ấy”.
Trong khi Chou chấp nhận đối diện với cái chết của thần tượng theo cách riêng của mình thì nhiều người hâm mộ vẫn thấy khó khăn trước bi kịch ấy.
“Tôi đã bị sốc và hoài nghi khi một người bạn cho tôi biết tin về vụ tự vẫn của Goo Hara. Tôi mong đó là một bài báo cũ viết về việc cô ấy từng cố gắng tự vẫn trước đó” - Alex Wong, kỹ sư 30 tuổi ở Singapore cho biết. Anh là fan của ca sĩ và nữ diễn viên kể từ năm 2012. Như lời kể, ban đầu Alex không tin Goo Hara tự tử, vì từng có tin đồn rằng ngôi sao K-pop này phải nhập viện sau một nỗ lực tự tử hồi tháng 5.
“Mấy ngày qua, tôi đã xem lại clip các chương trình truyền hình trước đây của Goo Hara và các bài hát của cô” - Alex nói và nhắc đến nhóm nhạc cũ Kara của ngôi sao -“Tôi cũng đang gửi và nhận tin nhắn ủng hộ từ những người hâm mộ khác để đối diện với thực tế đau lòng này”.
Tìm đến các chuyên gia tư vấn
Đối với những người hâm mộ ở Hàn Quốc, cái chết của các ngôi sao dường như bớt “phi lý” hơn vì chúng thường được thảo luận trên phương tiện truyền thông.
“Lần nào, nghe thấy xung quanh mình nhắc đến tên Sulli, tôi lại bắt đầu khóc” - Lee Young Hee, sinh viên 18 tuổi ở Daegu nói và cho biết cô đã tìm đến những nhà tư vấn chuyên nghiệp để đối diện với thực tế này - “Ngay cả sau một tháng, tôi vẫn không biết liệu mình có ổn không vì tôi vẫn nhớ đến những lần thấy Sulli trên sân khấu hoặc trong những lần xuất hiện khác trước công chúng”.
Theo Lee Seung Yeon, giáo tư tâm lý tại trường Đại học Phụ nữ Ewha, sự ra đi của các ngôi sao này có ảnh hưởng nhất định tới những người hâm mộ của họ.
“Hầu hết những người hâm mộ này là thanh thiếu niên chưa phát triển đầy đủ về tư duy. Những thần tượng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển tâm lý của họ” - Lee Seung Yeon nói. “Người hâm mộ cũng luôn quan sát rất kỹ những gì các ngôi sao nói hoặc làm. Do vậy, các phụ huynh và nhà trường nên chú ý đến tác động từ những sự kiện này, đồng thời giáo dục học sinh cách đối phó với sự cô đơn và căng thẳng.
“Nếu một người có ý nghĩa quan trọng như thế chết vì tự tử, điều đó có thể gây ấn tượng với những người hâm mộ trẻ tuổi rằng tự tử là một phương pháp chấp nhận được để thoát khỏi nỗi đau và sự cô đơn” - bà Lee Seung Yeon, người còn là cố vấn phòng chống tự tử của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết thêm.
Ngoài việc tìm kiếm sự tư vấn, các chuyên gia và nhiều người hâm mộ nhất trí rằng công chúng nên nhận thức rõ hơn về áp lực mà nhiều người nổi tiếng phải chịu. “Tôi nghĩ rằng nhiều ngôi sao K-pop dễ bị suy sụp vì mọi phần trong cuộc sống của họ đều bị giới truyền thông và công chúng săm soi, trong khi họ phải nhận rất nhiều bình luận ác ý trên mạng về cách họ nên và không nên cư xử khi là thần tượng” - Alex bổ sung.
Paul Han là người đồng sáng lập Allkpop, địa chỉ tin tức về K-pop hiện mỗi tháng có 12 triệu độc giả trên khắp thế giới. Anh nhắc lại suy nghĩ của nhiều người hâm mộ: sức khỏe tinh thần của những người nổi tiếng cần được người quản lý của họ giám sát chặt chẽ hơn.
"Các công ty giải trí quản lý những ngôi sao này nên mở các lớp học và điều trị về sức khỏe tâm thần” - Paul Han nói. “Họ nên phối hợp với bên thứ ba để cùng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các ngôi sao của công ty mình”.
Trong khi đó, Chae Do Gyeong, một học sinh 17 tuổi ở Seoul nói bản thân anh và nhiều người hâm mộ khác đã không nhận ra trạng thái mất tinh thần của ngôi sao Jonghyun khi anh thường xuyên xuất hiện trước công chúng.
“Nhận thức của tôi về bệnh tâm thần đã thay đổi đáng kể sau vụ tự tử của Jonghyun. Tôi nghĩ cái chết của Jonghyun đã khiến tôi để ý hơn tới các triệu chứng của bệnh tâm thần ở những người gần gũi với tôi như bạn bè và gia đình” - anh khẳng định.
Hàn Quốc được biết là nước có tỷ lệ tự sát cao nhất trong số các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Các chuyên gia và người hâm mộ đồng ý rằng, thực trạng gia tăng các cuộc tự vẫn của người nổi tiếng sẽ khiến cho nhận thức về việc phải chăm sóc tâm lý tại quốc gia phải được nâng cao. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags