1. Mỗi đội bóng thường luôn có 2 thủ lĩnh: Thủ lĩnh tinh thần và thủ lĩnh kỹ thuật. Trong một số ít trường hợp, đó chỉ là một người, như Bồ Đào Nha với Cristiano Ronaldo hay Cameroon với Samuel Eto’o. Nhưng đa số, đó là 2 người khác nhau, thậm chí là vài người khác nhau, như Tây Ban Nha. Tệ nhất, có lẽ là chẳng có thủ lĩnh nào.
Với đội tuyển Pháp, Franck Ribery từng được xem là thủ lĩnh kỹ thuật, Patrice Evra là thủ lĩnh tinh thần. Nhưng Ribery phải ngồi nhà vì chấn thương còn Evra thì từ sau sự cố Knysna, dù hiện vẫn được đa số các cầu thủ tôn trọng, nhưng lại chủ động rút lui, chỉ chấp nhận là một thành viên bình thường chứ không muốn là người có tiếng nói lớn nhất trong phòng thay đồ.
Vấn đề đặt ra, vì thế, là phải xác định ai đủ sức gánh trách nhiệm đứng đầu? Đây không đơn giản là chuyện thể diện. Đôi khi, đây là chuyện sống còn. Không có thủ lĩnh trên sân thì khi bế tắc, khó khăn, tinh thần sẽ xuống rất nhanh, chẳng ai nghe ai, nhìn ai mà đá. Không có thủ lĩnh trong phòng thay đồ thì rất dễ chia bè, kết phái, chưa đá đã thua.
Nhìn vào đà tiến bộ trong cách ứng xử của các cầu thủ Pháp hiện nay thì việc tìm ra thủ lĩnh trên sân bây giờ quan trọng hơn chuyện bầu ra “đại ca” trong phòng thay đồ. Có 3 gương mặt đang là ứng cử viên nổi bật: Karim Benzema, Mathieu Valbuena và Paul Pogba.
2. Không còn Ribery, về logic, Benzema nghiễm nhiên được coi là cầu thủ quan trọng nhất trên sân của Les Bleus. Nhưng ngoài tài năng không thể tranh cãi, Benzema lại thiếu (hay chưa có) một vài phẩm chất cho vị trí đó. Benzema chưa từng là thủ lĩnh ở bất cứ đội bóng nào vì hạn chế trong lối chơi. Benzema thích được phục vụ hơn là phục vụ người khác và gần như không bao giờ tham gia phòng ngự. Nói hẳn ra là lười.
Muốn làm thủ lĩnh trên sân, có tầm ảnh hưởng lớn hơn, Benzema phải thay đổi, biết hy sinh nhiều hơn. Nhưng đó lại là dấu hỏi khác về tính cách với một người chỉ thích chơi điện tử, luôn khoe khoang là “độc cô cầu bại” trong trò FIFA, có thói quen 3 tháng thay bạn gái một lần và từng bị bắn tốc độ vì chạy ô tô 216km/h trên đường.
Mathieu Valbuena trái ngược với Benzema, vô cùng cặm cụi, chăm chỉ trên sân. Ngoại trừ bất lợi thể lực do quá bé, Valbuena có tố chất để làm thủ lĩnh: Tầm hoạt động rộng, kỹ thuật tốt, tinh thần chiến đấu miễn chê và cực kỳ tuân thủ kỷ luật chiến thuật.Nhưng, như đã nói ở trên, hình thể như một “thiếu niên” đôi khi ảnh hưởng lớn đến cái uy mà một thủ lĩnh cần có. Tờ France Football từng có một thống kê rất vui: Valbuena là cầu thủ bị… xoa đầu nhiều nhất trong Les Bleus.
Nếu hướng đến tương lai, Paul Pogba sẽ là thủ lĩnh lý tưởng. Pogba có mọi thứ để trở thành một tiền vệ hàng đầu thế giới: thể lực, kỹ thuật và tư duy bóng đá. Pogba không biết sợ, khi là cầu thủ Pháp duy nhất dám đặt mục tiêu vô địch World Cup này. Nhưng Pogba cũng chưa đủ chín chắn. Sau trận giao hữu thắng Na Uy 4-0, Didier Deschamps đã công khai phê phán Pogba trên báo chí khi cầu thủ này thích biểu diễn, khoe khoang kỹ thuật mà không chú trọng hiệu quả. Chuyện này thực ra không có gì nghiêm trọng. Mọi cầu thủ trẻ đều có những thời điểm như thế, nhất là với những ai sớm ý thức được tài năng hơn người của mình.
3. Trước mắt, việc tìm ra thủ lĩnh trên sân sẽ định hình lối chơi của đội tuyển Pháp, nhất là trong trường hợp của Benzema. Nếu coi Benzema là thủ lĩnh và xây dựng lối chơi của Les Bleus quanh cầu thủ này thì câu hỏi với Deschamps là sẽ để Benzema đá lệch trái như ý nguyện lâu nay của cầu thủ này (nhưng không thực hiện được do có Ribery) hay vẫn xếp Benzema ở vị trí trung phong?
Việc này sẽ kéo theo một thay đổi quan trọng khác: nếu Benzema ra trái, Giroud với phong độ đang rất cao sẽ được vào sân. Còn không, Griezmann sẽ có suất đá chính.
Quả bóng giờ trong chân Deschamps.
Quang Dũng
Thể thao & Văn hóa
Tags