Nhìn từ Paris: Cuộc hẹn của Les Bleus

Thứ Hai, 30/06/2014 15:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 8 năm trước, ngày 9/7/2006, khi tuyển Pháp thất bại trước Italy sau loạt đá luân lưu trong trận chung kết World Cup 2006, Raymond Domenech thủng thẳng: “Chúng tôi đã nói ngay từ đầu là hẹn gặp ngày 9/7. Chỉ quên mất là không nói giờ nào”.

Đó là một câu nói hóm hỉnh, thông minh. Chỉ có điều sau này, khi Domenech thất sủng, người ta nhìn mọi thứ về HLV này bằng con mắt thù địch. Cái gì dính đến Domenech cũng mang màu sắc tiêu cực. Người ta sợ cái tên Domenech như sợ một thứ dịch hạch. Kênh thể thao của Canal+, nơi Giám đốc là bạn thân với Domenech, từng có ý định mời Domenech làm chuyên gia bình luận nhưng rồi phải bỏ. Một kênh khác cũng phải từ chối Domenech chỉ vì Robert Pires nói thẳng là nếu có Domenech thì sẽ không có anh ta.

Ở Pháp, tôi sống không xa nhà Domenech. Chúng tôi cùng tỉnh, vùng 92, chỉ cách nhau chục km chạy dọc sông Seine. Hơn 2 năm trước, khi nghe tin Domenech giờ giết thời gian bằng việc huấn luyện một đội bóng trẻ của thành phố Boulogne-Billancourt, tôi phóng xe đến gặp. Đó là một con người có vẻ ngoài thân thiện, dễ gần nhưng là con chim đang sợ cành cong, không muốn tiếp xúc, lại càng ngại trải lòng.

Thực ra, nói câu chuyện Domenech lúc này không phải là gợi lên điềm gở. Trong làng bóng đá Pháp, Domenech được đánh giá rất cao về kiến thức. Chủ tịch Lyon, Jean Michel Aulas gọi Domenech là người uyên bác nhất về bóng đá Pháp mà ông biết và đang có ý định mời Domenech về dẫn dắt Lyon. Trong thành công của tuyển Pháp ở World Cup 2006, người ta nói quá nhiều đến sự thức tỉnh của thế hệ Zidane, coi rằng thế hệ đó đã thề nguyện sống chết cùng nhau để bừng sáng lần cuối trong sự nghiệp. Nói thế không hề sai, nhưng chưa đủ. Vai trò của Domenech không nhỏ chút nào.

Về chiến thuật, và quan trọng nhất, về tâm lý. Domenech là người từ đầu đến cuối tuyên bố Les Bleus sẽ có một “rendez-vous”– cuộc hẹn” vào ngày 9/7. Ông chấp nhận mọi chỉ trích, dè bỉu, hứng chịu mọi sức ép trực diện để thúc đẩy các cầu thủ phía sau tiến lên. Cuộc hẹn đó, chúng ta đều biết, đã được thực hiện bằng một thứ bóng đá hay nhất mà ĐT Pháp từng chơi.

Nhắc lại Domenech lúc này là để nói về Deschamps. Có nhiều thứ Deschamps hay hơn Domenech, rõ ràng. Ai cũng thừa nhận Deschamps giờ là ông chủ đích thực và duy nhất của đội tuyển Pháp, là người quan trọng nhất của Les Bleus. Nhưng cũng có một vài điều Deschamps chưa được như Domenech. Ở đây là sự liều lĩnh, dám nói, dám làm. Deschamps rất thận trọng khi nói về mục tiêu của đội tuyển Pháp tại Brazil.

Nhưng sự thận trọng đó không cản nổi các cầu thủ, như Sagna hay Schneiderlin tuyên bố thẳng trước báo chí rằng, trong các bữa ăn tối với nhau, các cầu thủ Pháp đã nói về việc muốn vô địch thế giới. World Cup đi đến giai đoạn này, mọi con bài đã ngửa và cần phải mạnh dạn đối mặt. Pháp 2014 không bằng Pháp 2006, chắc chắn. Nhưng nếu đã có chút ý thức về sức mạnh của mình và khả năng mình có thể đi xa đến đâu thì cũng không nên ngại ngùng một cách không cần thiết.

Có một câu chuyện vui: Hôm 27/7, trong cuộc họp báo của đội tuyển Pháp tại Ribeirao Preto, một nhà báo Brazil đứng lên hỏi Bacary Sagna: “anh có biết Mata - Mata là gì không?”. Sagna trả lời hồn nhiên: “Tôi đã đối đầu nhiều lần với Mata khi anh ta khoác áo Chelsea và Man Utd. Đó là một cầu thủ giỏi”. Tất cả cười ồ. Thực ra, phía trên chỉ là câu chuyện vui mà báo chí Pháp chế ra, nhưng có một nửa vế đầu là sự thật. Mata-Mata, từ mà nhà báo Brazil hỏi Sagna thực ra là một cách nói quen thuộc mà người Brazil dùng trong bóng đá: hoặc anh giết (đối thủ) hoặc anh chết. World Cup đã đến thời điểm Mata-Mata, hoặc sống hoặc chết. Không có chỗ cho sự lưỡng lự.

Với Les Bleus, sự phân định là rất rõ ràng: Giết - là phải thắng Nigeria. Còn không, sẽ là điều ngược lại.

Sau đó, chúng ta sẽ nói về “rendez-vous”...

Quang Dũng
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›