Nhìn từ Paris: Giấc mơ màu xanh

Thứ Tư, 02/07/2014 06:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển bóng đá Pháp được gọi là Les Bleus – Những người áo xanh lam. Mà người ta thường nói màu xanh là màu của hy vọng.

1. Thực ra thì đội tuyển bóng đá Pháp không độc quyền cái tên gọi đó. Nhiều đội tuyển thể thao khác của Pháp cũng được gọi là Les Bleus, vì bleu-xanh là một trong ba màu của quốc kỳ Pháp. Nhưng so với hai màu còn lại là đỏ và trắng, màu xanh có vị trí nổi bật. Không ai nói người Pháp là Les Blancs hay Les Rouges cả. Họ chỉ là Les Bleus. Người Pháp cũng chỉ thích gắn mình với Les Bleus, dù có là chính trị gia, vận động viên thể thao hay dân thường.

Nhưng không phải lúc nào bleu cũng xanh thắm như da trời, cũng đẹp, cũng hay. Marine Le Pen, nữ Chủ tịch của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Pháp cũng gắn mình với Bleu. Các áp-phích, khẩu hiệu tranh cử của bà này luôn có dòng chữ “Bleu Marine”, một cách chơi chữ khá hay: vừa gắn cái Bleu của người Pháp vào tên bà Marine Le Pen, vừa đặt hai màu sắc cạnh nhau vì bleu là xanh da trời còn marine cũng có nghĩa là màu xanh biển sẫm. Thú vị, lãng mạn thế nhưng tư duy chính trị thì đầy rẫy sự kỳ thị, bài ngoại và cực đoan.

Năm 2012, khi tái tranh cử, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng gắn mình với bleu. Áp-phích chính thức của ông có nền là nước biển xanh thắm với khẩu hiệu “Nước Pháp mạnh”. Dân Pháp thấy có gì đó là lạ. Họ truy ra và phát hiện, hóa ra cái biển xanh kia không phải biển Pháp, mà là biển… Hy Lạp. Thời điểm đó mà lại hô khẩu hiệu nước Pháp mạnh như Hy Lạp là hỏng rồi. Rốt cục, ông Sarkozy hỏng thật. Gắn mình với Bleu vì thế, ở khía cạnh nào đó, là gắn với một trách nhiệm cao cả, nặng nề và không được phép hời hợt.

2. Trở lại với câu chuyện bóng đá. Đội tuyển Pháp – Les Bleus đã vào tứ kết và giờ người Pháp bắt đầu thoải mái nói về “Bleu Brazil – giấc mơ màu xanh ở Brazil”. Từ 2006 đến nay họ chưa được mơ nên điều đó dễ hiểu bây giờ là sự phấn khích lên cao. Từ đầu giờ sáng thứ Hai, mọi quan tâm của truyền thông đều dồn sang Brazil. 9h sáng, các đài truyền hình đã đi làm phóng sự trực tiếp ở các khu phố đông quán bar trong Paris, đại loại nói rằng hầu hết đã được đặt kín chỗ. Trận gặp Nigeria diễn ra lúc 18h Paris, giờ đó nhiều công sở chưa tan việc nhưng lên TV, nhiều ông chủ tuyên bố lắp màn hình lớn ngay tại công ty cho nhân viên thoải mái la hét, cổ vũ. Pháp vào tứ kết, gặp lại Đức sau 28 năm, cơn sốt sẽ còn lên cao nữa.

Nhưng, như đã nói ở trên, ngay cả có là mơ mộng thì cũng không được phép cẩu thả. Đội bóng của Deschamps đã thắng, nhưng chơi tệ. Người Pháp rất công bằng. Robert Pires phân tích: “nếu trọng tài có thổi penalty hay công nhận bàn thắng cho Nigeria thì cũng không phải scandal gì to tát, nếu nhìn những gì diễn ra từ đầu World Cup”. Papin thì nói thẳng: “Matuidi đáng bị đuổi khỏi sân”. Trên diễn đàn CLB Lille, nơi thủ môn Enyeama của Nigeria bắt chính, các CĐV đang nói về thuyết âm mưu: pha ra lố của Enyeama không bình thường?  Quan trọng nhất, kết luận vẫn là Pháp chơi tệ, nhiều cầu thủ như đi bộ trên sân, có thời điểm Arsene Wenger hét lên như quát trên sóng “các chàng trai, dâng đội hình lên, dâng lên, đừng lùi nữa”. Thời tiết quá oi nóng? Đó có thể là biện hộ, nhưng không thể coi là lí do chính. Muốn tiến xa, phải sẵn sàng cho mọi thứ.

3. Về cơ bản, đội tuyển Pháp xem như đã có một World Cup thành công. Thầy trò Deschamps đã đạt được mục tiêu mà đa số người Pháp kỳ vọng trước giải, là vào đến tứ kết. Nếu có dừng chân tại đây, cũng không phải bi kịch. Dĩ nhiên, ai cũng muốn chiến thắng nhưng muốn thế thì phải nhanh chóng ngồi lại với nhau để bàn lại mọi thứ, xem tại sao lại có quá nhiều thời điểm sống trong sợ hãi đến thế.

Muốn mơ mộng ở World Cup, phải vô cùng nghiêm túc.

28 Sau 28 năm, tuyển Pháp mới lại gặp tuyển Đức ở VCK World Cup. Tại vòng bán kết Mexico 86, Pháp thua Tây Đức 0-2, đây là lần thứ 2 liên tiếp (trước đó tại Espana 82) luôn là Tây Đức ngăn không cho Pháp đi đến trận chung kết.

7 Đây là lần thứ 7 trong lịch sử, tuyển Pháp lọt vào tứ kết World Cup. Trong 6 lần trước, có đến 5 lần họ giành quyền vào bán kết.

24 Karim Benzema đang là chân sút số một của tuyển Pháp hiện tại với 24 bàn, nhưng thành tích của anh còn lâu mới bằng kỷ lục của Thierry Henry (51 bàn).


Quang Dũng
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›