Nhìn về thành quả khai thác biển và những thách thức hiện nay

Thứ Tư, 16/11/2016 11:41 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Là một quốc gia lớn bên bờ Biển Đông với chỉ số biển cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu. Do đó, việc đề ra Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một hướng đi đúng đắn, thể hiện tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm chính trị và tính nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển và quản lý 3/4 Tổ quốc Việt Nam là “biển”.

 

Chính vì vậy càng phải cân nhắc đến tính bền vững về khai thác và sử dụng biển trong hiện tại và tương lai.

 

Thành quả nổi bật

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội: Dựa vào lợi thế về tài nguyên biển đảo, trong những năm qua Việt Nam đã đề ra những chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác biển đảo, vùng ven bờ và đã đạt được những thành tựu cơ bản. Đó là quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế-dịch vụ mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…


Các giàn khoan khai thác dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Vùng biển và ven biển có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ chủ yếu là dầu khí và thủy sản. Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền viên…bước đầu đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, đã hình thành 15 khu kinh tế ven biển, là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển…

Nhờ đó đã có bước phát triển mới ở một số hải đảo, vai trò của các đảo được tăng lên rõ rệt. Hiện trong số 12 huyện đảo đã có nhiều đảo có dân cư sinh sống. Kết cầu hạ tầng ở các đảo này được cải thiện rõ rệt như hình thành hệ thống giao thông, nhiều đảo có điện lưới quốc gia; đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt. Một số đảo đã và đang phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc…

Công tác điều tra và quản lý tài nguyên, môi trường biển được quan tâm. Các kết quả nghiên cứu, điều tra về biển cung cấp những hiểu biết khái quát đặc trưng điều kiện tự nhiên và tài nguyên biển. Việt Nam cũng đã chú ý thực hiện các cam kết quốc tế và đẩy mạnh công tác bảo tồn biển.

Đặc biệt, hệ thống thể chế quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương xuống địa phương bước đầu được thiết lập. Hệ thống chính sách, pháp luật, các quy phạm về điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển được xây dựng phục vụ quản lý ngành. Công tác đối ngoại đạt được một số kết quả quan trọng. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều điều ước, công ước quốc tế về biển; một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực Biển Đông.

Những thách thức và hạn chế

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, Việt Nam còn gặp không ít những thách thức và hạn chế trong phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển. Nếu không hoặc chậm khắc phục sẽ ảnh hướng rất lớn đến phát triển hiệu quả và bền vững, cũng như khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Văn Cư cho rằng: Vấn đề đặt ra đầu tiên là nhận thức về vai trò, vị trí của biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ. Quy mô kinh tế biển nhìn chung còn nhỏ bé chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, chưa chuẩn bị tốt điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế.


Hơn 800 ha rừng ngập mặn tại xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy) thường xuyên được trồng mới, trồng bổ sung và bảo vệ. Ảnh: Thu Hoài-TTXVN

Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn thấp kém, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp. Cụ thể là các cảng biển thiếu hệ thống đường cao tốc chạy dọc biển để nối liền thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay ven biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn.

Mặt khác, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển; đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm cứu hộ cứu nạn ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ. Những phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng. Chẳng hạn như quản lý không gian biển; quy hoạch sử dụng biển bao gồm hải đảo và vùng ven biển giống như quy hoạch sử dụng đất áp dụng trên đất liền. Đặc biệt là ít chú ý nghiên cứu công nghệ biển tiên tiến.

Tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo những năm qua thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển, đảo làm nảy sinh mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành. Phương thức khai thác chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, công nghệ lạc hậu. Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển dưới dạng vật chất, không tái tạo. Các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của hệ thống tài nguyên biển còn ít được chủ trọng. Cụ thể như giá trị vị thế của mảng không gian biển, ven biển và hải đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái, thậm chí là giá trị văn hóa biển.

Điều đáng báo động là môi trường biển đạng bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Do ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. Đặc biệt là các nguồn thải của các khu công nghiệp ven biển chưa được kiểm soát chặt chẽ, nên đã xảy ra sự cố môi trường biển chưa từng có xảy ra trên vùng biển 4 tỉnh miền Trung tháng 4 vừa qua.

Ngoài nguy cơ đang hiện rõ là đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản đã và đang giảm sút, biển Việt Nam thường xuyên xảy ra thiên tai và còn chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong khi biển và hải đảo vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở theo kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu theo ngành dẫn tới sự chồng chéo về quản lý. Đồng thời sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu, sử dụng đất ven biển và mặt nước cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển chậm được triển khai trong lĩnh vực quản lý tài nguyên biển.

Văn Hào

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›