Kể từ Hội nghị Lý luận, Phê bình văn học lần thứ IV "Văn học - 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển" (1986 - 2016) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc (6/2016), tôi không gặp lại GS-TS Nguyễn Văn Hạnh. Lần đó, ông bị tai biến phải đi cấp cứu ngay ngày đầu tổ chức Hội nghị. Và vừa rồi, tôi lại nhận được hung tin ông đã gửi lại cõi tạm tuổi 93 vào lúc 22h30 ngày 19/11, ngay trước ngày kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam trong niềm nhớ tiếc của gia đình, đồng nghiệp, học trò.
1. Còn nhớ hồi ấy, khi biết tôi công tác ở Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương - cơ quan trước đây GS Nguyễn Văn Hạnh từng làm Phó Trưởng ban, lần nào gặp, ông cũng thường quan tâm hỏi han, chia sẻ với tôi một số điều về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Như trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước cho thế hệ sau, ông ân cần, nhỏ nhẹ, điềm tĩnh nói chuyện khiến tôi sáng tỏ được nhiều điều: "Là cán bộ tham mưu ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, trước hết mình cần phải am hiểu sâu lĩnh vực có tính đặc thù và gần gũi để hiểu sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Đừng làm họ ngại gặp để xa mình. Cần luôn lắng nghe tất cả mọi người, khuyến khích tự do suy nghĩ...".
Tôi học hỏi được từ lãnh đạo tiền bối tâm tuệ những vấn đề hết sức căn cốt trong công việc chuyên môn lĩnh vực tư tưởng - văn hóa...
Khi biết tôi vốn là sinh viên Khoa Ngữ văn, lại có gốc gác Huế, ông nói đầy trìu mến: "Trong cuộc đời, tôi có may mắn được sống và làm việc ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Huế và TP.HCM. Tôi yêu quý ba thành phố đó, mỗi nơi đều mang tới cho tôi nhiều cảm xúc và phải nói thật là tôi đã nặng lòng với Huế. Có lẽ câu ca dao "Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành" đã đúng với hoàn cảnh riêng của một học trò yêu văn chương như tôi. Tôi đã mang theo câu ca trong tâm khảm và cô biết không người bạn đời của tôi chính là người Huế đó... Theo điều động của tổ chức, sáng 30/4/1975, tôi đã có mặt ở Huế…".
Trở về Huế, ông đã ghi lại cảm xúc thân thương "Thăm lại trường cũ, cảm động và vui quá! Những năm tháng làm việc trên dải đất này hóa ra là thời gian có ý nghĩa và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình" (Tập san Một thời và Mãi mãi).
"Ông là một người thầy khả kính, một người tiên phong và bản lĩnh đối với sự nghiệp đổi mới của văn học Việt Nam" - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã bày tỏ cảm xúc tri ân GS Nguyễn Văn Hạnh.
2. Đóng góp lớn nhất của GS Nguyễn Văn Hạnh là mảng lý luận phê bình. Theo đánh giá của GS-TS Nguyễn Văn Dân, Nguyễn Văn Hạnh là người mở đường vật chất cho nghiên cứu "Mỹ học tiếp nhận" ở Việt Nam.
Năm 1971, trên Tạp chí Văn học số 4, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh đã dựa trên quan điểm thực tiễn trong nhận thức luận của Lênin để đưa ra yêu cầu đối với nhà nghiên cứu văn học về việc phải chú ý đến phản ứng của người đọc. Đặc biệt, Nguyễn Văn Hạnh đã mạnh dạn đưa ra một ý kiến mới mẻ so với lúc bấy giờ là ý kiến về sự liên quan giữa giá trị của tác phẩm văn học với phạm vi "thưởng thức" tác phẩm của độc giả.
GS Nguyễn Văn Hạnh viết: "Giá trị của một tác phẩm thật ra không phải chỉ đóng khung lại trong phạm vi sáng tác, mà còn lan rộng ra đến phạm vi "thưởng thức", và đứng trên quan điểm cải tạo, quan điểm thực tiễn cách mạng mà xét, chính ở khâu "thưởng thức", tác phẩm mới có ý nghĩa xã hội thực tế của nó. Quan điểm này tất yếu sẽ dẫn đến những tiêu chuẩn mới để đánh giá tác phẩm, đến một phương pháp nghiên cứu mới ... Quan điểm nghiên cứu, đánh giá tác phẩm này sẽ lưu ý nhà văn đến độc giả ..., buộc người nghiên cứu trong khi đánh giá tác phẩm không thể chỉ dừng lại ở việc đối chiếu cái được phản ánh với cái phản ánh, ở sự phân tích "cấu trúc bên trong" của tác phẩm, mà phải chú ý đến tác dụng thực tế của tác phẩm, phản ứng của người đọc đối với nó, cơ sở xã hội - lịch sử và tâm lý của sự tiếp thu".
Trong Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận, GS-TS Nguyễn Văn Dân đánh giá cao sự mở đầu tiên phong của GS Nguyễn Văn Hạnh: "Nếu chúng ta lưu ý tới một điều là trong thời gian này, nghĩa là vào những năm 70, lý thuyết tiếp nhận mới bắt đầu được thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới, thì sẽ thấy sự nhạy cảm của Nguyễn Văn Hạnh và ý nghĩa thời sự của vấn đề do ông đặt ra. Tuy nhiên sự gợi ý đó vẫn chỉ là một gợi ý. Qua một thập kỷ rưỡi, các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn chưa đi tiếp xu hướng nghiên cứu mới ấy do Nguyễn Văn Hạnh mở ra. Thậm chí nhiều người còn phê bình Nguyễn Văn Hạnh là coi nhẹ nhân tố chủ quan của sáng tác, coi nhẹ lập trường tư tưởng giai cấp trong nghiên cứu. Rõ ràng, lối tư duy truyền thống giáo điều đã làm cho nhiều người không hiểu ý của Nguyễn Văn Hạnh" (Viện Thông tin KHXH, 1991).
Nhà lý luận phê bình Phạm Phú Phong đã nói về người thầy của mình đầy kính nể: "GS Nguyễn Văn Hạnh là một người đứng ở tuyến đầu, trước ngọn gió đổi mới, thổi tung tất cả những ao tù nước đọng lưu cữu quá lâu, tất nhiên ông phải là một trong những người đầu tư suy nghĩ, tìm tòi khám phá, viết nhiều, nói nhiều về đổi mới, cả nói và viết đều với một tinh thần trách nhiệm cao... Ông đã lao vào "điểm nóng" sự nghiệp đổi mới và có đến mười năm lăn lộn, gắn bó, chịu bao nhiêu "hòn tên mũi đạn" với khát vọng góp phần xây dựng một nền văn hóa văn nghệ lành mạnh, dân chủ, nhân văn. Bởi lẽ, tư tưởng và khát vọng đổi mới đã có từ cốt tính trong con người ông, thể hiện rõ nhất qua từng trang viết, nhất là về mặt tư duy lý luận. Ông đến với công cuộc đổi mới, trước hết với phẩm chất mẫn cảm của một nghệ sĩ, một nhà văn và ý thức của một công dân khi đất nước cần/ đòi hỏi, sau đó mới đến trách nhiệm của người được tin giao trọng trách...".
Trong bài Đổi mới tư duy (báo Văn nghệ, số 33, ngày 15/8/1987), ông khẳng định "Đổi mới là một đòi hỏi khách quan, tất yếu của đất nước ta, là nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta từ lâu, đặc biệt là từ sau năm 1975. Chủ trương đổi mới đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống của đất nước và thật sự đã mang lại niềm phấn khởi và hy vọng cho văn nghệ sĩ và những ai quan tâm đến văn học nghệ thuật. Phải tiến hành đổi mới thật sự, dù thuận lợi hay khó khăn, vì đó là mệnh lệnh của cuộc sống, của thời đại. Chỉ có đổi mới, mới thật sự, mới phát huy được thành quả của cách mạng, mới tiến lên được. Phải đổi mới còn vì một lẽ đơn giản: không thể sống như cũ, nghĩ như cũ, làm như cũ".
Tiểu luận Chuyện văn, chuyện đời (2004) là công trình sách tham khảo đặc biệt khá đồ sộ, do NXB Giáo dục ấn hành. Cuốn sách đã tuyển chọn các bài viết và phát biểu của ông đã phần nào phản ánh gần bốn mươi năm cầm bút của GS Nguyễn Văn Hạnh.
Lý luận - phê bình văn học: Thực trạng và khuynh hướng (NXB Khoa học xã hội, 2009) là cuốn tiểu luận tập hợp 15 bài viết của GS Nguyễn Văn Hạnh từ 1998 đến nay, gắn liền với giai đoạn đổi mới văn học với những cuộc tranh luận sôi nổi. Tập trung vào một chủ đề thống nhất, cuốn sách đã phản ánh không khí học thuật trong đời sống văn nghệ lúc đó với những tranh luận có tính chất đối thoại khoa học với mục đích "qua thảo luận, tranh luận, nhiều điều sẽ sáng tỏ, giúp cho nền văn học của chúng ta phát triển thuận lợi và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn...".
3. Ngoài những công trình lý luận phê bình, ông còn tham gia chủ biên cuốn Trăm năm thơ đất Quảng của quê hương Quảng Nam. Cuốn sách trình bày kết quả xây dựng công trình về thơ đất Quảng gồm ba phần:
Phần 1 tập hợp các bài tổng luận của: Nguyễn Văn Hạnh - Thơ vì sự sống còn của đất nước, vì phẩm giá của con người, Huỳnh Như Phương - Thơ Quảng Nam thời hiện đại.
Phần 2 là tuyển tác phẩm của 21 tác giả từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ đầu thế kỷ XX gồm: Phạm Lam Anh, Phạm Phú Thứ, Huỳnh Quì, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Thuật, Phạm Như Xương, Nguyễn Duy Hiệu, Bà Bảng Nhãn, Châu Thơ Đồng, Nguyễn Thành, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến, Phan Thúc Duyên, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thành Tài, Dương Thạc, Mai Dị, Nguyễn Bá Trác.
Phần 3, Tuyển tác phẩm của 121 tác giả đầu thế kỷ XX đến nay.
Kính biệt nhà văn, nhà giáo, GS.TS Nguyễn Văn Hạnh - người con ưu tú của đất Quảng anh hùng; một phẩm hạnh, nhân cách cao quý; một tài năng văn chương ở lĩnh vực lý luận phê bình đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật, khoa học, giáo dục nước nhà...
Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của GS-TS Nguyễn Văn Hạnh
GS-TS Nguyễn Văn Hạnh là nhà giáo, nhà lý luận, phê bình nổi tiếng sinh ngày 01/01/1931, tại làng Giáng La, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Năm 1953, ông được Liên khu ủy Khu V cử ra miền Bắc học tập. Học xong phổ thông, năm 1955, ông học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô cũ). Năm 1961, tốt nghiệp đại học, ông ở lại tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Năm 1963 bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ, ông về nước nhận công tác tại Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
Mang học vị Phó Tiến sĩ (Tiến sĩ), được đào tạo bài bản tại một trường đại học danh tiếng, tâm huyết, trách nhiệm đảm nhận cương vị chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học, ông được đánh giá là cánh chim đầu đàn trong giới nghiên cứu khoa học xã hội ở miền Bắc những năm 1960 - 1970. Với cương vị chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học, GS-TS Nguyễn Văn Hạnh đã có nhiều công trình khoa học về Lý luận văn học được bạn đọc cả nước chú ý: Cơ sở lý luận văn học (4 tập, chủ trì và tham gia biên soạn, 1965 - 1971); Suy nghĩ về văn học (1972)...
Sau 12 năm công tác tại Khoa Ngữ văn, sau khi miền Nam giải phóng (1975), ông được điều chuyển làm Trưởng Ban phụ trách Viện Đại học Huế (1975 - 1977); Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế (1977 - 1981).
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, GS-TS Nguyễn Văn Hạnh được điều động ra Hà Nội công tác ở các cơ quan Trung ương. Ông giữ cương vị Phó trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương (1981 - 1983), Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1987 - 1990); Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1983 - 1987). Năm 1981, ông được phong hàm Phó Giáo sư và sau 3 năm (1984), ông được phong học hàm Giáo sư.
Từ năm 1990, ông là chuyên gia cao cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, làm việc tại Phân viện Khoa học Xã hội Việt Nam vùng Nam Bộ. Năm 2003, ông nghỉ hưu và vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu giảng dạy tại TP.HCM
Năm 1972, GS-TS Nguyễn Văn Hạnh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành Lý luận phê bình.
Ông là tác giả những công trình khoa học như: Cơ sở lý luận văn học (4 tập, chủ trì và biên soạn, 1965 - 1971); Suy nghĩ về văn học (1972); Thơ Tố Hữu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí (1980, 1985); Nam Cao, một đời người một đời văn (1993); Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ (viết chung với Huỳnh Như Phương, 1995, 1999); Văn học và văn hóa, vấn đề và suy nghĩ (2002); Chuyện văn, chuyện đời (2004); Lý luận - phê bình văn học: thực trạng và khuynh hướng (2009); Phương pháp luận nghiên cứu văn học (nghiên cứu, 2012).
Tags