Đã tròn 1 năm kể từ ngày nhà thơ Nguyễn Anh Vũ (1974 - 2023) rời cõi tạm, nhưng trong mỗi người ở lại hình bóng anh vẫn in dấu đậm sâu mãi không buông. Vũ đã trở về gặp lại gia đình, bạn bè trong một ngày Thu đẹp đến nặng lòng, đó là ngày ra mắt tuyển tập Ngủ giữa hoa sen (NXB Hội Nhà văn) vừa diễn ra tại Hà Nội.
1. Đầu tháng 10/2023, nhà thơ Nguyễn Anh Vũ tạm biệt cõi trần bằng một lời chào nhẹ nhàng "Vũ chào mọi người nhé". Lời chào ra đi như không của anh khiến ai nấy cũng bàng hoàng, xúc động. Tình cảm của những người ở lại vẫn không nguôi nghĩ, nhớ về Vũ. Để rồi, dịp giỗ đầu, gia đình và bạn bè đã cùng chung sức làm cuốn sách đầu tiên cho anh, mang tên Ngủ giữa hoa sen. Sách tập hợp 4 truyện ngắn, gần 30 tản văn, gần 40 bài thơ và một số tranh, minh họa của anh đã in báo, được anh giới thiệu, chia sẻ trong những năm qua.
Vũ ra đi để lại một cuộc đời nhớ thương, chẳng giữ lại gì cho riêng mình. Tại lễ ra mắt cuốn sách Ngủ giữa hoa sen diễn ra vừa qua có biết bao giọt nước mắt đã rơi, những tiếc nấc nghẹn ngào và cả những lời thương yêu nhất dành cho Vũ. Mỗi người đến với Vũ bằng những nỗi niềm riêng, bạn văn ai cũng có những ký ức thật đẹp về anh.
Là một người bạn thân thiết với Vũ, từng cùng anh rong ruổi trên nhiều cung đường khám phá, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã lạc giọng khi nhắc đến người bạn của mình.
"Vũ rất thích miền núi. Nhiều lúc, tôi không biết Vũ thích miền núi vì yêu quý tôi hay là vì yêu quý tôi nên Vũ mới thích miền núi. Vũ đi với tôi bao nhiêu chuyến tôi không nhớ nữa, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai,… Đi đường lúc nào Vũ cũng xuýt xoa: "Úi dồi ôi… ôi dồi ôi đẹp quá…". Gặp cảnh đẹp, Vũ thường nán lại thật lâu, chụp lấy bức ảnh" - Đỗ Bích Thúy nhớ lại - "Đi miền núi cậu ấy lúc nào cũng mặc sặc sỡ. Vũ bảo tôi, đi miền núi chụp ảnh phải mặc sặc sỡ lúc thì xanh lét, khi thì vàng rực… Tất cả các màu phải chói lọi để chụp ảnh mới đẹp, mà tôi phải công nhận đẹp thật! Vũ rất thích chụp ảnh. Trong điện thoại, tôi có riêng một thư mục đặt tên là Vũ. Trong đó, có những video tôi quay trộm, những bức ảnh chụp với nhau. Nhiều lắm, cả vài trăm cái".
Với nhà văn Đỗ Bích Thúy, những ký ức với Vũ đều là những ký ức rất đẹp. "Vũ là một người sống thực sự tận hiến. Vũ cũng là người rất dễ vui. Nhìn thấy cái gì đẹp, cậu ấy cũng thấy vui, thấy hớn hở như trẻ con. Thích uống rượu, nên khi có chai rượu ngon là Vũ phấn khởi lắm. Đôi khi niềm vui của Vũ cũng thật đơn giản khi tuyển được một người giúp việc tháo vát, để Vũ có thể cùng tôi đi khám phá những chân trời mới. Vũ rất yêu bố mẹ, lúc nào cũng gọi bố mẹ là chàng với nàng…"- nữ nhà văn bày tỏ.
Còn nhà văn Nguyễn Xuân Thủy lại nhớ về Vũ bằng những kỉ niệm nghề nghiệp. "Vũ thoải mái nhất có lẽ là khi tham dự trại sáng tác. Đó là những lúc chúng tôi ngồi bên nhau bên chén rượu bàn về văn chương, bàn về những bản thảo đang viết. Vũ có một sự say sưa và đam mê đến vô cùng, anh có thể ngồi đến hết đêm".
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy còn cho biết, Vũ luôn hết lòng, luôn đồng hành cùng với bạn văn trong những bước chập chững vào nghề đầu tiên. Với sự say sưa, Vũ vẽ rất nhiều bìa sách cho bạn bè nhưng lại chưa làm cuốn sách nào cho riêng mình. "Việc đứng tên trên một bìa sách hoàn toàn trong tầm tay của Vũ, nhưng Vũ đã không lựa chọn như thế. Vũ để lại sự dở dang vì tâm thế cầu toàn trong nghệ thuật. Đó là sự dở dang rất đáng trân trọng".
Có nhiều kỉ niệm cùng với Nguyễn Anh Vũ khi tham gia Sân thơ Trẻ trong Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cách đây 15 năm, nhà thơ Thụy Anh cho biết, tình bạn của chị với Vũ bắt đầu từ thơ, nhờ thơ mà có, và cả vì thơ nữa.
Cụ thể, Vũ tham gia làm đạo diễn dàn dựng cho nhiều sân thơ, sân thơ trẻ, rồi sân thơ thiếu nhi. Vũ không chỉ là một người viết, anh còn là một người trình diễn thơ, người có rất nhiều ý tưởng muốn thay đổi cách biểu đạt để đem thơ đến gần với công chúng. Vũ luôn say mê, hết lòng, hồn nhiên, không vì một điều gì cả, chỉ vì thơ mà thôi.
Đặc biệt, Nguyễn Anh Vũ còn là một người đa tài từ hội họa, sân khấu đến thơ ca, truyện ngắn, tản văn... Nhưng với riêng nhà thơ Thụy Anh, "Vũ là "người thơ", thơ nhất trong những người mà tôi biết. Cả trong truyện, hội họa hay sân khấu,… Vũ đều có sự say mê của một người thơ. Và, Vũ cũng yêu say đắm cuộc đời với tâm thế của một người thơ".
Chị kể: "Có một đêm trăng tôi được cùng Vũ và nhà thơ Nguyễn Đình Chiến đi trên hồ Thác Bà. Tôi không bao giờ quên được đêm trăng ấy, đó là một đêm trăng đẹp lộng lẫy. Và, chúng tôi đã không viết được gì, không vẽ được gì và cũng không chụp được ảnh… Khi ấy, tôi nhớ Vũ đã nói với tôi rằng, có những điều trong cuộc đời này, thậm chí là nghệ thuật chúng ta yêu đến mấy, cũng không thể giữ lại được. Chúng ta chỉ có thể đắm mình vào cuộc đời này và say đắm nó thôi".
Để rồi, như lời nữ nhà thơ này, nhìn cách rong chơi, cách sống của Vũ sau này ta mới thực sự hiểu điều Vũ đã nói. Vũ là thế, làm bất kỳ điều gì cũng tận hiến hết mình. Và, có lẽ Vũ đã rất hài lòng với cuộc đời của mình, hài lòng với hình ảnh của mình để lại trong tâm trí của mỗi người ở lại.
"Việc đứng tên trên một bìa sách hoàn toàn trong tầm tay của Vũ, nhưng Vũ đã không lựa chọn như thế. Vũ để lại sự dở dang vì tâm thế cầu toàn trong nghệ thuật. Đó là sự dở dang rất đáng trân trọng" - nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ.
2. Trong ký ức của bạn văn, nhà thơ Nguyễn Anh Vũ đã sống một cuộc đời tận hiến và tài hoa như thế. Có lẽ cũng bởi vậy mà khi tạm biệt cuộc đời này, anh chẳng kịp làm một điều gì đó để ghi dấu tên mình. Như bà Vũ Kim Xuyến, mẹ của nhà thơ Nguyễn Anh Vũ đã nghẹn ngào nói trong lễ ra mắt sách của con trai rằng: "Khi Vũ ra đi, Vũ chưa làm gì cho mình cả".
Mẹ của Vũ còn xúc động kể: "Vũ mải mê đến mức có những đêm thức trắng, đến sáng vẫn chong đèn viết. Tôi không biết con viết gì mà nhiều thế… Có những tác phẩm của con nằm rải rác khắp nơi, tôi còn chưa kịp đọc hết. Con đam mê với sự nghiệp, với nghệ thuật thế nào, tôi chưa hiểu hết. Đến khi Vũ nằm xuống, tôi mới biết con mình đã đam mê cháy bỏng với nghệ thuật đến nhường nào".
Bà Vũ Kim Xuyến cũng bày tỏ sự xúc động về những chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp về Nguyễn Anh Vũ khi anh nằm xuống. Nhờ vậy mà bà hiểu hơn những sáng tạo của con, để rồi bà thương vô cùng và cũng rất tự hào về Vũ khi con đã sống một cuộc đời tận hiến cho đam mê, hết lòng vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đúng như trong lời mở đầu của cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đã bày tỏ: "Cả cuộc đời mình, thi sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Anh Vũ đã sống bằng một cuộc đời thực hành văn hóa, nghệ thuật say mê. Và chính niềm mê đắm cái đẹp, ý thức nâng niu, gìn giữ văn hóa dân tộc, di sản quê hương mà anh bộc lộ thường trực qua ăn nói, phong cách, nếp sống, qua những thành quả sáng tạo của mình, là những nhắc nhở không lời và thân mật với bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc".
"Tuổi thơ tôi gửi cơm thơm cặp lồng
Mẹ ủ chăn bông những mùa Đông đợi
Câu hát cha tìm giấc mơ không tới
Một ngọn đèn dầu chắn gió che giông"…
(Trích "Tuổi thơ tôi" - thơ Nguyễn Anh Vũ)
Bộ sách của cha và con
Cùng với cuốn sách Ngủ giữa hoa sen, dịp này tập kịch bản phim truyện Hôn nhân không giá thú" (NXB Hội nhà văn) của Nguyễn Kim Ánh - bố của Nguyễn Anh Vũ - cũng được giới thiệu tới bạn đọc.
Kịch bản Hôn nhân không giá thú được cố tác giả Nguyễn Kim Ánh viết dựa trên những câu chuyện có thật của những người lính, người đồng đội của ông trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kịch bản truyền tải những chi tiết chân thực, sống động về cuộc sống con người trong chiến tranh, khát vọng hòa bình, hạnh phúc, được sống trọn vẹn với đời thường. Những hình ảnh nhân vật và chi tiết trong kịch bản là kết quả ghi chép, chứng kiến và đồng cảm đầy xúc động của tác giả với đồng đội.
Kịch bản đã nhận được giải Nhì, không có giải Nhất trong cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh toàn quốc năm 1995. Sau đó, kịch bản đã được đạo diễn Phạm Lộc dựng thành phim nhựa cùng tên năm 1997 với diễn xuất của các diễn viên Trần Lực, Mai Thu Huyền, Xuân Tùng, Chiều Xuân…
Chị Hương Lan, con gái tác giả Nguyễn Kim Ánh cho biết, gia đình phát nguyện sẽ dành toàn bộ số tiền bán bộ sách Hôn nhân không giá thú và Ngủ giữa hoa sen được ra mắt trong dịp này để tài trợ cho hoạt động trồng rừng, chống biến đổi khí hậu, phục hồi thiên nhiên của một dự án xã hội hướng tới việc phủ xanh Trái Đất, tạo sinh kế bền vững cho bà con ở những vùng kém may mắn và tạo ra giá trị lợi ích cho các bên tham gia.
Tags