Đọc trên trang Facebook của Lê Vi, tôi và bao công chúng ngỡ ngàng biết tin NSND Trần Tiến đã dừng cuộc "viễn du" nơi cõi tạm ở tuổi 87, phiêu du vào miền mây trắng lúc 16h35 ngày 22/1 (tức mùng 1 Tết Quỹ Mão).
Lời tâm sự từ cô gái út Lê Vi khiến gia đình, đồng nghiệp, khán giả nghẹn ngào, xúc động, tiếc thương: "Hôm nay, tiếng của máy thở đã ngưng, tiếng than phiền của bố mong một đêm ngon giấc cũng im bặt, con chỉ thấy âm thanh thì thầm, râm ran của những khán giả trung thành, những đồng nghiệp thân thương cùng họ hàng, ruột thịt gần xa có mặt đầy đủ để tiễn biệt bố"...
Cách đây tròn 10 năm (5/2/2013), tôi gặp NSND Trần Tiến trong một cuộc gặp mặt, chúc Tết của Ban Bí thư với văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu cả nước. Trước đó, tôi được cơ quan giao nhiệm vụ tổng hợp danh sách, liên hệ với văn nghệ sĩ sau khi gửi giấy mời. Tôi gọi điện, NSND Trần Tiến hoan hỉ báo tin đã nhận được giấy mời và nói con gái Lê Khanh sẽ đón bác đến dự cuộc gặp mặt này...
Nghệ sĩ Trần Văn Tiến (nghệ danh Trần Tiến) sinh ngày 30/11/1937 tại Hà Nội trong một gia đình nền nếp gia phong, gia đạo, gia huấn. Ngôi nhà số 136 Quán Thánh gắn bó với ông từ thuở ấu thơ, là nơi nuôi dưỡng cho những đam mê nghệ thuật. Từ bé, ông học giỏi toán, tư duy mạch lạc, thiên về các môn tự nhiên, nên cha mẹ hướng con theo học ngành khoa học kỹ thuật. Nhưng cơ duyên nghệ thuật đã được "lập trình". Quý ông mang chữ Đinh (Đinh Sửu) sớm phát lộ năng khiếunghệ thuật. Nhận thấy tố chất bẩm sinh này, tháng 10 năm 1954, nghệ sĩ Trần Văn Nghĩa (nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương) đã hướng em trai tham gia Đoàn Văn công Trung ương.
Nghệ sĩ Trần Tiến sinh ra là để làm nghệ thuật. Nói như NSƯT Lê Đại Chức, "ông được sinh ra để theo thiên mệnh Đinh Sửu đó là làm nghệ sĩ" và tôn vinh ông là "một thiên sứ". Chàng trai tuổi 17 tuổi dấn thân làm diễn chèo như "con dao pha" (chữ dùng của Lê Đại Chức) với những vai hề mồi, hề gậy, hề chèo, hát múa… trên sân khấu và để lại những ấn tượng đẹp trong lòng công chúng.
Người phát hiện ra tố chất thiên bẩm của Trần Tiến là NSND Thế Lữ và NSND Đào Mộng Long. Đi theo lời khuyên của 2 nghệ sĩ gạo cội, chàng diễn viên trẻ tự tin bước sang sân khấu kịch nói.
Xác định vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, năm 1961, nghệ sĩ Trần Tiến theo học lớp diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấucùng những người bạn, như: Thế Anh, Ngọc Hiền, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Tốt nghiệp, NSND Trần Tiến về Đoàn kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu. Tiếp nối "thế hệ vàng" với những bậc thầy tôn kính hướng đạo từ những bước chập chững, nghệ sĩ Trần Tiến đã tiếp nối vẻ vang, tạo nên phong cách ấn tượng với lối thể hiện lôi cuốn và thuyết phục.
Mỗi vai diễn là một sự hóa thân sáng tạo
NSND Trần Tiến đã thành danh trên con đường nghệ thuật đầy vinh quang "có một vị trí sang trọng trong sân khấu và điện ảnh cũng như trong lòng công chúng" (NSƯT Lê Đại Chức). Nói về sự nghiệp nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Trần Tiến từng chia sẻ rành rẽ: "Với tôi kịch là chủ yếu. Phim chỉ là tay trái thôi. Ngoài ra còn truyền thanh. Tôi từng đóng kịch truyền thanh nhiều đến nỗi ai cũng nghĩ là người của đài phát thanh".
Là nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch Việt Nam, NSND Trần Tiến đã có hàng trăm vai diễn từ chính kịch, hài kịch, bi kịch; với mọi đề tài, số phận, lứa tuổi; hóa thân vào đủ mọi hạng người sang hèn, giàu nghèo, bình dân, trí thức... Ông tỏa sáng trên sân khấu bởi phong cách, màu sắc rất riêng, rất duyên. Mỗi vai diễn là một sự hóa thân sáng tạo.
Đạo diễn thích mời ông bởi cách làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ, trách nhiệm, chu đáo, sáng tạo. Ông đưa vào từng vai diễn cái duyên, hóm hỉnh, cách nói rỉ rả, diễn tự nhiên gần gũi như đời thường. Ông ý thức cao về nghệ sĩ với vai trò sáng tạo, đôi khi không ngại đề xuất với đạo diễn cách thể hiện hợp lý nhất.
Xác định không lặp lại con đường cũ mòn, không tự bằng lòng với mình, nên những vai diễn của ông luôn có cách thể hiện tươi mới. Ông cho đó là trách nhiệm của nghệ sĩ, và hơn nữa phải tôn trọng khán giả.
Công chúng nhớ đến nghệ sĩ Trần Tiến với những vai nổi tiếng chính kịch, hài kịch, như: Nguyễn Trãi trong Nguyễn Trãi ở Đông Quan; vua Lý Huệ Tông trong Thái sư Trần Thủ Độ; Tiên ông Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt; ông Đại Cát trong Quẫn; Cao bồi trong "Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông; người cha trong Người cha thô bạo; vai Ngọ trong kịch vui Đâu có giặc là ta cứ đi; Hoài Nghi trong Chuông đồng hồ điện Kremli; vai Đức trong vở Lửa hậu phương; vai Cậu Jooc "suốt ngày dài lại đêm thâu" ở vở Thần vệ nữ; vai Nghêu trong vở Nghêu - Sò - Ốc - Hến; vai cố vấn Trần Trí Tơ trong vở Nếu anh không đốt lửa...
Năm 1980, ông nghiên cứu kỹ lưỡng, sáng tạo thành công vai danh nhân Nguyễn Trãi trong vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan (kịch bản: Nguyễn Đình Thi) do NSND Nguyễn Đình Nghi đạo diễn. Vở kịch ra mắt trên sân khấu Nhà hát Lớn mang đậm chất bi kịch và huyền thoại nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh Nguyễn Trãi. Tác giả không khai thác chuyện xưa mà tiếp cận ở 2 góc độ: Ý nghĩa xã hội và nhân bản của xung đột kịch; mối liên hệ giữa cuộc sống hôm nay với những vấn đề của ngày qua.
Với nội lực nghệ sĩ, chất Hà Nội hào hoa, lịch lãm, Trần Tiến đã hóa thân, cháy sáng hết mình để làm nên hình tượng Nguyễn Trãi đầy bi tráng. Ông thể hiện đủ mọi cung bậc cảm xúc, những phút lặng, những giằng xé nội tâm dữ dội, nỗi oan khiên không dễ tỏ bày... Một Nguyễn Trãi hiện lên trên sân khấu như một bậc hiền triết, một nhà nho tiết nghĩa, một danh nhân thâm trầm, tự trọng...
NSƯT Lê Đại Chức cho rằng "Nghệ sĩ Trần Tiến nhận đã sáng tạo hình tượng Đức Danh nhân Nguyễn Trãi với một Trần Tiến khác cùng sự chuẩn mực nho nhã, thanh tao uyên bác, số phận đến độ người xem tin được. Đến với Nguyễn Trãi, nghệ sĩ Trần Tiến đã là một tài năng sân khấu lớn".
Với ông, chất diễn hài như thiên năng đầy thuyết phục. Ông được các nghệ sĩ hết sức tâm phục, khẩu phục. Với ông, cười cũng cần suy nghĩ, có trí tuệ, thâm thúy. Cười cũng phải có thẩm mỹ, códuyên. Cười phải có ám ảnh và cười còn có cả nước mắt...Trong vở Nghêu - Sò - Ốc - Hến, ông thể hiện vai thầy bói đầy sáng tạo. Tung tẩy cùng nghệ sĩ Văn Hiệp, ông diễn cảnh thầy bói đi ăn trộm bị lộ, và nhận được những tràng cười sảng khoái, tiếng vỗ tay không dứt. Phút thăng hoa, phóng khoáng, nghệ sĩ chổng ngược người cho một bàn chân ngoáy liên hồi đảo điên…
Trần Tiến thả sức tung tẩy trong vai Tiên ông Đế Thích trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt (kịch bản của Lưu Quang Vũ) cùng NSND Trọng Khôi vai Trương Ba, NSƯT Trọng Bằng vai lý trưởng. Vở kịch có ý nghĩa xã hội vô cùng sâu sắc; là vở kịch nói đầu tiên được công diễn ở nước ngoài (Liên hoan Sân khấu - 1990, trình diễn tại hơn 20 trường đại học ở Mỹ - 1998 trong chương trình giao lưu sân khấu Việt - Mỹ); đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc (1990); Huy chương vàng Hội diễn Kịch quốc tế Moscow (1990).Vở kịch được các nhà nghiên cứu sân khấu quốc tế đánh giá cao giá trị nội dung và nghệ thuật.
Hình tượng ông Đại Cát trong Quẫn (Lộng Chương) do Trần Tiến thể hiện để lại những ấn tượng sâu sắc trong công chúng. Vai Đại Cát đã được ông và ê kíp diễn đến 2.000 đêm. Cũng vẫn nhân vật đó, nhưng mỗi lần diễn ông lại mang đến một vẻ sự tươi mới.
Vai cậu Jooc trong vở Đảo Thần vệ nữ (kịch của Pax-nix - Hy Lạp, dịch giả Huyền Phong) do ông đóng đã tạo nên ấn tượng khó phai. Những câu nói của ông đã ghim vào lòng khán giả. Câu "Suốt ngày dài lại đêm thâu/ Chúng ta cùng đi trên đất Phi châu" đã ảnh hưởng và lan tỏa khiến công chúng sử dụng với tần suất lớn mà như ngôn từ hôm nay gọi là "bắt trend".
Tài năng nghề của ông đã được các thế hệ nghệ sĩ học hỏi, tiếp nhận. Đạo diễn Bùi Như Laihọc hỏi ở NSND Trần Tiến cách "đóng rất duyên, nói ra câu nào là ghim vào lòng khán giả câu ấy. Ông là điển hình cho nghệ sĩ xuất hiện là khiến khán giả thích thú với một sức hút lớn".
Diễn hài ở mức độ cao của thẩm mỹ
Bên cạnh sân khấu, sự nghiệp của ông còn gắn với điện ảnh. Khán giả nhớ một nghệ sĩ Trần Tiến đã tỏa sáng, để lại những dấu ấn khó phai mờ với những vai diễn đầy phong cách.
Ông đã tham gia hơn 20 bộ phim truyện như: Vai chủ sự cảnh sát trong phim Nguyễn Văn Trỗi (1966, Bùi Đình Hạc - Lý Thái Bảo); tư sản Mạnh Viên trong phim Tự thú trước bình minh (1979, Phạm Kỳ Nam); Giáo sư Định trong phim Kẻ giết người (1988, Hoài Linh); ông nội Mai trong Hát giữa chiều mưa (1990, Trần Phương); Hải Vân trong Giông tố (1990, Nguyễn Mạnh Lân); vai giáo sư trong phim Người đàn bà nghịch cát (1990, Đỗ Minh Tuấn); vai Hai Hám trong Tình sử Cô-ti-lưa (1989, Châu Huế); vai nhà văn Huy trong Công ty Chi-cho-Mếch (1989, Cao Khương); vai lý trưởng trong phim Quan Âm Thị Kính...
Có những bộ phim cả 2 cha con Trần Tiến và Lê Vân cùng tham gia, như phim: Thằng Bờm, Tự thú trước bình minh...
So với các "cây hài" như Trịnh Mai, Dương Quảng có duyên từ sân khấu hài, NSND Trần Tiến được đánh giá có yếu tố hài tự nhiên mang hơi thở cuộc sống, nhất là ông "thoát" nhanh yếu tố cách điệu tượng trưng của sân khấu. Chính vì thế, các đạo diễn điện ảnh thường "nhắm" ông cho vào những vai hài trong phim truyện điện ảnh, trong đó phải kể đến cố vấn ái tình trong phim Kén rể; vai ông đồ trong Thằng Bờm... Ông vào vai tự nhiên đến mức sau này đồng nghiệp, khán giả còn gọi ông với cái tên của phim là Cố vấn ái tình. Nói như NSƯT Lê Chức "Các nhân vật hài với ông đều ở mức độ cao của thẩm mỹ".
Vai người ông trong phim Bi đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di là vai diễn cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh của NSND Trần Tiến. Dù nhiều lần ông từ chối, nhưng đạo diễn vẫn kiên trì theo đuổi, "bám sát mục tiêu" khiến ông không còn cách nào khác phải nhận lời. Đạo diễn nhận thấy NSND Trần Tiến rất thích hợp cho vai ông của Bi - một vai rất quan trọng trong phim. Với vai này, cái uy nghiêm khiến cho người con trai phải sợ. Cái uy thể hiện trong đôi mắt.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng: "Chính sự uy nghiêm, gần như có thể "kết án" đứa con trai chỉ bằng một ánh nhìn ấy ngoài NSND Trần Tiến ra, tôi chưa tìm thấy ở ai. Ông tặng tôi chính xác ánh nhìn đó trong chỉ một đúp quay. Với tôi, đó là một trong những cảnh quay mạnh mẽ nhất mà tôi đã thực hiện được trong các bộ phim của mình".
Sống giữa yêu thương
Chàng nghệ sĩ Hà thành tài hoa, phong nhã gặp tiểu thư khuê các đất Cảng xinh đẹp, là thứ nữ của nhà thơ Lê Đại Thanh – Ngọc Anh khi cùng công tác ở Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam). Kết quả tình yêu của đôi trai tài, gái sắc Trần Tiến - Lê Mailà ba "nàng công chúa nổi tiếng" Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi ra đời.
Là cậu ruột, NSƯT Lê Đại Chức rất khách quan nhận xét: "Ba con gái được nhận, được chia, được nhân lên ở trong mình một phần số phận, một phần tư chất nghệ sĩ và Đức - Trí - Tâm - Tài của bố và mẹ". Thừa hưởng sự tài hoa của đấng sinh thành và truyền thống danh giá nhiều đời làm nghệ thuật của dòng họ Trần - Lê, ba cô con gái tài sắc theo đuổi những đam mê và tạo nên những dấu ấn riêng trong nghệ thuật.
Tiếp xúc với Trần Tiến điều dễ nhận thấy là sự hòa đồng, thân thiện, vui tính, hóm hỉnh, hài hước, lối sống phong lưu, lịch lãm, quảng giao, tốt tính, tốt bạn. Trong ông là một tâm hồn nghệ sĩ đa mang, đa cảm. Duyên đôi lứa cũng đặng đến đó. Năm 1970, cặp đôi tài sắc "đường ai nấy đi" trong sự tiếc nuối của gia đình, đồng nghiệp, bạn hữu. Khi đó, chị cả Lê Vân mới 14, chị hai Lê Khanh mới 9 tuổi và em út Lê Vi mới 3 tuổi.
Vừa là cha mẹ chu toàn, trách nhiệm với con cái; lại là những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu, điện ảnh nước nhà, họ lặng lẽ chia tay, tôn trọng nhau, ứng xử rất văn minh. Họ nghĩ nhiều đến sự tổn thương của con hơn bản thân mình. Họ không muốn các con thiếu thốn, hụt hẫng tình cảm, phải chia đôi ngả rẽ.
Thời gian xoa dịu dần, chồng lên những lớp sẹo. Đã đi qua những giông gió, họ trở nên an nhiên, lịch sự gặp nhau trong những sự kiện chung của gia đình. Ly hôn khi còn trẻ, mới ngoài 30 tuổi, nhưng họ vẫn vậy chiếc bóng, không ai đi bước nữa, mặc dù ba con gái luôn ủng hộ cha mẹ tìm hạnh phúc riêng sau hôn nhân đổ vỡ. Trong một chương trình truyền hình cách đây mấy năm, NSND Lê Khanh bày tỏ nguyện vọng mong bố và mẹ chọn tìm được hạnh phúc riêng cho mình.
Sự xúc động dâng trào khi con gái Lê Khanh ngâm hai khổ thơ trong bài Di chúc của ông ngoại - nhà thơ Lê Đại Thanh:"Nếu tôi chết hỡi những người thân đừng nhỏ lệ/ Hãy ngâm với tôi một khúc ngắn thơ tôi/ Chết là trở về tinh thể sao trời/ Trả trái đất những gì vay mượn trước/ Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược/ Tôi xuống ga đời trả lại vé quê hương". Ông ngoại hẳn sẽ vui khi cháu gái đã mượn câu "Hãy ngâm với tôi một khúc ngắn thơ tôi" của ông để gắn tên cha vào giây phút tiễn biệt: "Hãy nhớ đến tôi một Trần Tiến thế thôi"...
NSND Trần Tiến vào vai tự nhiên đến mức sau này đồng nghiệp, khán giả còn gọi ông với cái tên trong phim Kén rể là "Cố vấn ái tình".
Tags