Nhớ tác giả Quốc ca - 'bậc tài danh thế kỷ'

Thứ Tư, 26/08/2015 20:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Văn Cao là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt và hoà trộn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã trở thành di sản âm nhạc quý báu của nước nhà. Trong đó, có tác phẩm Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam – mà ông là tác giả.

Không chỉ là một nhạc sĩ tài năng, Văn Cao còn viết văn xuôi, làm thơ và vẽ tranh. Dù ở lĩnh vực nào, ông cũng gặt hái được những thành công nhất định.

Người nghệ sĩ tài hoa và những ca khúc trữ tình nổi tiếng

Văn Cao, một tài hoa thiên bẩm, nhạc sĩ của nhiều bài hát rung động lòng người, những bài hát trở thành một phần trong tài sản tinh thần của biết bao thế hệ người Việt. Những bài hát của Văn Cao trên thực tế được quảng đại quần chúng ưa thích, bất kể nó là tình khúc hay ca khúc.

Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, ông sinh ngày 15/11/1923 trong một gia đình nghèo ở Hải Phòng. Ông là người thuộc thế hệ thanh niên ưu tú, giàu lòng yêu nước, được tiếp thu những tinh hoa của văn hoá Đông Tây. Những tác phẩm của ông đã mang lại cho người nghe, người xem một lối cảm thụ nghệ thuật mới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 7/12/1989. Ảnh: Quang Phùng

Văn Cao bước vào con đường nghệ thuật khá sớm, khi mới ở tuổi thiếu niên. Đầu tiên ông xuất hiện ở làng văn nghệ bằng những vở kịch và truyện ngắn, sau đó Văn Cao chuyển sang thơ và nhạc.

Đúng như giới văn nghệ sĩ đánh giá, Văn Cao là một nghệ sĩ tài hoa trên cả ba lĩnh vực: Thơ, họa, nhạc. Ngay từ trước cách mạng, Văn Cao đã là một nhạc sĩ tài danh với những ca khúc trữ tình nổi tiếng. Bài hát đầu tay của ông viết năm 1939 tại Hải Phòng là Buồn tàn thu, tiếp sau đó là những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng với những ca từ đạt đến độ hoàn mỹ: Thiên thai, Suối Mơ, Trương Chi, Bến xuân, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt...

Tuy đa phần những ca khúc đó đều chứa đựng một tâm sự buồn của bản thân ông, nhưng đó thực sự là những khúc tình ca bất hủ không chỉ của riêng ông mà còn của cả nền âm nhạc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Bên cạnh những sáng tác nhạc trữ tình, Văn Cao còn có những hành khúc hùng tráng lấy đề tài từ lịch sử dân tộc như: Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca viết cho tráng sinh Hướng đạo thuộc nhóm “Đồng Vọng” của nhạc sĩ Hoàng Quý - một nhóm nhạc nổi tiếng ở Hải Phòng trước cách mạng.

Trong lĩnh vực thơ ca, độc giả biết đến Văn Cao với những vần tự sự về chính cuộc đời ông, về quê hương, về cuộc sống tự do với bạn bè; biết đến những vần thơ đau thương nhất của ông về cuộc sống cùng cực của người dân nghèo nơi xóm ả đào, nẻo nhà ga, lề đường, góc chợ. Đối với Văn Cao, “người làm thơ phải đi tìm những tư tưởng, cảm xúc và cảm giác trong thực tế ở những con người đang hàng ngày túi bụi xây dựng”.

Với bài thơ đầu tiên Một đêm đàn lạnh trên sông Huế và tiếp theo là: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Bến Ngự trên thương cảng, Ngoại ô mùa đông năm 1946, Những người trên cửa biển, Với Nguyễn Huy Tưởng, Với Nguyên Hồng…, ông đã để lại trong lòng độc giả nhiều thế hệ những tình cảm đặc biệt.

Nói đến Văn Cao, người ta không thể không nhắc đến lĩnh vực hội họa. Ở lĩnh vực này, ông là một họa sĩ sử dụng cọ và mầu cũng sắc sảo, mặn nồng không thua gì các họa sĩ chuyên nghiệp. Ông đã có những bức tranh minh họa, những bìa sách và nhiều bức sơn dầu nổi tiếng. Đặc biệt, với lối vẽ tranh sơn dầu bằng hình thức và nội dung mới, bức họa đầu tay Cuộc khiêu vũ của những người tự tử được Văn Cao trưng bày tại Phòng triển lãm Duy nhất (Hà Nội-1944) đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc.

Người nhạc sĩ - chiến sĩ với dấu ấn lịch sử Tiến quân ca - Quốc ca

Năm 1944, là năm chuyển biến trong cuộc đời của Văn Cao. Sau khi được đồng chí Vũ Quý giác ngộ cách mạng, ông đã tham gia hoạt động bí mật. Văn Cao viết và phụ trách ấn loát cơ quan Phan Chu Trinh in sách báo và truyền đơn bí mật. Cũng trong hoạt động, nhận chỉ thị của tổ chức viết một hành khúc cho quân đội cách mạng của Việt Minh, ông đã sáng tác Tiến quân ca vào cuối năm 1944 tại căn gác số 171 phố Mông Grăng (nay là nhà 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhạc sĩ Văn Cao tại nhà nhạc sĩ Văn Cao mồng 5 Tết Nhâm Thân (1992)- Ảnh: Nguyễn Đình Toán 

Đây là một hành khúc mang đầy tính dự báo và gây được nhiều ảnh hưởng tích cực cho phong trào cách mạng. Tiến quân ca thực sự trở thành hồn dân tộc, hồn nước, làm xốc dậy tinh thần của những quân du kích, những binh đoàn, những quân đoàn và cả những người dân Việt Nam bình thường nhất. Sau đó không lâu, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca nước Việt Nam. Năm 1993, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa khẳng định vị trí bất di bất dịch của Tiến quân ca là Quốc ca nước Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vừa làm trình bày, kiêm bảo vệ báo Lao Động, Văn Cao nhanh chóng hoàn thành bộ “tứ bình” bài hát cho lực lượng vũ trang non trẻ, đó là: Chiến sĩ Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Không quân Việt NamBắc Sơn - một hành khúc dành cho lực lượng dân quân du kích.

Toàn quốc kháng chiến, Văn Cao cùng gia đình ra khu 3 vùng chợ Đại. Ngay đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an liên khu 10 ở Lào Cai và làm báo “Độc Lập”. Hoàn thành nhiệm vụ sau Chiến thắng Sông Lô, Văn Cao đã sáng tác trường ca hoành tráng Sông Lô tại chiến khu Việt Bắc. Đây là tác phẩm đã để lại dấu ấn rực rỡ; một hình thức độc đáo trong các thể loại thanh nhạc của Việt Nam. Toàn bài chia làm nhiều đoạn, bằng nhiều tốc độ khác nhau, ông muốn vươn lên khỏi những hình thức của thể loại ca khúc bình thường. Giai điệu đẹp, ca từ mang nhiều chất thơ. Sự nối tiếp trong cấu trúc các đoạn hợp lý, khiến cho trường ca có sức hấp dẫn riêng, đặc biệt.

Sau khi được kết nạp Đảng tháng 3-1948, Văn Cao về lại Liên khu 3 công tác phong trào văn nghệ, trình bày báo Thủ đô của ủy ban Hành chính Hà Nội. Trong thời gian này, ông viết Làng tôi, Ngày mùa và đặc biệt là hành khúc trữ tình Tiến về Hà Nội. Hành khúc trữ tình Tiến về Hà Nội được sáng tác vào năm 1949, trước ngày giải phóng Thủ đô 5 năm, nhưng đó cũng là một hành khúc mang tính dự báo rất lãng mạn và hùng ca của Văn Cao: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh”. Cho đến tận bây giờ, âm hưởng và hình bóng của ca khúc vẫn còn in đậm trong tâm hồn các thế hệ người Việt Nam.

Rồi như là một người có tài dự đoán và đón bắt lịch sử, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch. Với tính chất âm nhạc trang nghiêm, sâu sắc Ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những ca khúc mang màu sắc, phong cách rất riêng của Văn Cao.

Sau chiến thắng Mùa xuân năm 1975, đất nước ta trong khí thế chuyển mình bước vào thời kỳ mới. Mùa xuân năm 1976, sau ba mươi năm xa cách, hai miền Nam Bắc mới được chung vui một cái Tết thống nhất. Niềm hân hoan ấy ngập tràn trong mỗi người dân đất Việt, trong đó có các văn nghệ sĩ. Văn Cao sau nhiều năm vắng bóng trong mảng ca khúc Việt Nam trở về với chính mình...

Nhạc sĩ Văn Cao qua nét ký họa của Hùng Văn và bút tích chép tay câu chuyện Tiến quân ca của nhạc sĩ

Trong không khí rạo rực của những ngày đầu mùa xuân năm 1976 bình yên ấy, giai điệu của một bản nhạc Valse nhẹ nhàng định hình trong đầu ông. Lời đầu tiên trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên, Văn Cao đưa đến cho người nghe những nét quen thuộc giản dị mà xiết bao ấm áp: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đã đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”.

Sau một thời gian dài vắng bóng, kể từ sau khi viết Tiến về Hà Nội (1949) nhiều người tưởng thời ca khúc của Văn Cao đã khép lại. Trong nhiều năm, ông làm thơ, viết khí nhạc, vẽ minh họa để kiếm sống và tạm lãng quên sáng tác ca khúc. Thật đáng mừng vì một "Mùa xuân mới" đã về với dân tộc, đem lại sự phục sinh trong tâm hồn người nghệ sĩ. Giữa bao ca khúc khải hoàn rộn rã của ngày chiến thắng, người ta vẫn bắt gặp một tiếng reo nén lại của ông. Sự lắng lại để chiêm ngưỡng và suy ngẫm về niềm vui của một mùa xuân mới bình yên ở đây cũng chính là sự lắng lại của một đời người từng trải qua nhiều đau thương và mất mát. Mùa xuân đầu tiên không là một dự cảm tất thắng như trong Tiến về Hà Nội, mà như là một sự khẳng định chân lý bình thường sẽ và đã trở lại với cuộc sống con người. Ca khúc khép lại, nhưng giai điệu của nó một lần nữa khẳng định cái "Mùa bình thường" ấy sẽ mãi mãi ở lại cùng ông và đất nước.

Cho đến nay bản lĩnh sáng tạo trong ca khúc của Văn Cao được ghi nhận là sự tổng hợp hài hoà của nhạc-hoạ-văn-thơ. Giai điệu âm nhạc của ông bao giờ cũng đẹp, uyển chuyển; ca từ được gọt rũa kỹ, hình ảnh đẹp. Đúng như sự đánh giá của nguyên Tổng Bí thư Đảng Đỗ Mười: Văn Cao - “người nhạc sĩ đầy tài năng” của nền âm nhạc Việt Nam.

Với những cống hiến trọn đời cho nền âm nhạc dân tộc, năm 1993, Văn Cao đựợc Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt I cho các ca khúc: Tiến quân ca (1944), Chiến sĩ Việt Nam (1945), Làng tôi (1947), Sông Lô (1947), Tiến về Hà Nội (1948), Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1950).

Thông tin tư liệu - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›