LTS: Ngày 18/8 vừa qua, đúng kỷ niệm 72 năm ngày mất của liệt sĩ, nhà thơ Thâm Tâm, gia đình nhà thơ đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng công bố thành lập và trao tặng "Học bổng Thâm Tâm". Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu cùng độc giả bài viết của PGS-TS Văn Giá, người đã có mặt trong sự kiện này.
1. Sau 22 năm, lần này tôi lại được theo chân những người thân trong gia đình cố nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm do anh Nguyễn Tuấn Khoa (con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm) và vợ anh, chị Nguyễn Ngọc Mỹ, trở lại Cao Bằng.
Lần đầu tiên, vào năm 2000, tôi cùng anh chị và đoàn làm phim lên Cao Bằng tìm mộ nhà thơ Thâm Tâm và thực hiện bộ phim tài liệu Nhớ Thâm Tâm (Đạo diễn Trần Minh Đại, kịch bản: Hoàng Quảng Uyên). Lần ấy, trên Cao Bằng, ngoài một số cơ quan, đoàn thể, chúng tôi được các văn nghệ sĩ Cao Bằng đón tiếp và tham gia trong suốt hành trình: Nhà thơ Y Phương, nhà nghiên cứu Vương Hùng, nhà thơ Trần Hùng, nhà văn Hoàng Quảng Uyên.
Thời gian thấm thoắt trôi. Bây giờ nhà thơ Y Phương đã thành người thiên cổ…
2. Tính cả chuyến đi đầu tiên và chuyến đi lần này, theo như anh Nguyễn Tuấn Khoa, gia đình anh đã trở lại Cao Bằng 11 lần, thường vào 2 dịp là Tết Thanh minh và ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Trong mỗi lần trở lại, gia đình bao giờ cũng tiến hành mấy hoạt động như: Thăm ngôi mộ nhà thơ Thâm Tâm được gia đình xây cất tại bản Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hòa), tỉnh Cao Bằng; thăm 2 gia đình hiện sống tại bản Pò Noa: Gia đình anh Hoàng Văn Mạnh (cháu nội của ông bí thư xã nay đã mất, người trực tiếp chỉ đạo chôn cất nhà thơ Thâm Tâm) và gia đình anh Triệu Văn Hữu (cháu nội của người đã đón thi thể nhà thơ Thâm Tâm vào nhà lúc nửa đêm và dỡ bộ cánh cửa để đóng quan tài liệm thi hài Thâm Tâm); thắp hương tại Nghĩa trang huyện Quảng Hòa.
Thêm một chút tư liệu, ngôi mộ ở bản Pò Noa vừa nói trên kia thực chất là “ngôi mộ gió”, không có tro cốt nhà thơ Thâm Tâm. Chuyện là thế này: Khi nhà thơ tạ thế (ngày 18/8/1950) trên đường đi công tác trong Chiến dịch Biên giới, chính quyền và bà con dân bản Pò Noa đã mai táng ông trên một triền đồi cuối bản. Nhưng năm 1965, chính quyền huyện đã tiến hành quy tập mộ nhà thơ Thâm Tâm về nghĩa trang huyện. Sau đó, quãng năm 1990, nghĩa trang huyện được di dời vào vị trí như ngày hôm nay, cạnh trung tâm thị trấn huyện Quảng Hòa. Do trong quá trình di chuyển, khâu làm hồ sơ không được chu đáo, nên vị trí mộ nhà thơ Thâm Tâm cùng nhiều ngôi mộ khác bị thất lạc (hiện mộ nhà thơ Thâm Tâm nằm trong số 151 ngôi mộ liệt sĩ vô danh, hiện được gắn bia đổi thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”).
Khi biết được tình hình như vậy, anh Nguyễn Tuấn Khoa cùng gia đình đã xin phép chính quyền bản Pò Noa và xã Phi Hải được lập một ngôi mộ có gắn bia, dựng tại chỗ ngôi mộ cũ đã bị di dời, và coi đây là nơi đi về để thắp hương cho nhà thơ Thâm Tâm. Đồng thời, tuy không biết đích xác mộ Thâm Tâm ở vị trí nào trong nghĩa trang huyện Quảng Hòa, nhưng gia đình cũng yên lòng rằng ngôi mộ ông hiện đang quây quần cùng các ngôi mộ của đồng đội… Hôm tìm thấy địa điểm chôn cất ban đầu ở bản Pò Noa, anh Khoa đã xin một nắm đất gói vào lá quốc kỳ để đem về thờ trên bàn thờ tại gia đình anh ở Hà Nội.
3. Không chỉ có việc thăm viếng và thắp hương cho nhà thơ Thâm Tâm, trong chuyến đi lần này, gia đình anh Nguyễn Tuấn Khoa đã thực hiện một nghĩa cử thật đẹp và cảm động: Trao tặng “Học bổng Thâm Tâm” gồm 30 phần quà (mỗi phần trị giá 1.000.000đ và một số tập vở) cho các học trò từ cấp 1 đến cấp 3 có hoàn cảnh khó khăn. Anh Khoa cho hay: Trước đó gia đình đã bàn bạc, xin phép, thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, được các lãnh đạo Sở nhiệt tình đón nhận và tổ chức Lễ trao tặng.
Anh tâm sự: “Gia đình tôi vô cùng biết ơn đồng bào Cao Bằng đã chăm sóc cha tôi lúc hy sinh, một gia đình trong bản đã cho cha tôi nằm lại, tháo ván cửa đóng quan tài, cùng bà con trong bản và bộ đội đưa tiễn, mai táng ông ngay tại bản. Chúng tôi cũng biết ơn sự quan tâm và giúp đỡ chí tình của các bác, các anh, chị ở Cao Bằng trong quá trình tìm mộ cha”.
Rồi anh nói tiếp: “Được sự cho phép và giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, chúng tôi lên đây trao “Học bổng Thâm Tâm” tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Cao Bằng, như một hành động tri ân bà con các dân tộc ở Cao Bằng, một đóng góp rất nhỏ cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà”.
Tôi được chứng kiến Lễ trao tặng học bổng này. Lần đầu tiên trao học bổng, theo đề nghị của Sở, quyết định tạm chia đều cho 6 huyện thị, mỗi nơi 5 suất. Các năm sau sẽ tính toán thêm, có thể tập trung luân phiên cho một số địa phương để “Học bổng Thâm Tâm” phát huy hiệu quả thiết thực.
Trong chuyến đi lần này, tình cờ chúng tôi gặp cháu Hoàng Thị Thùy (sinh 1990), con gái thứ 2 của anh Hoàng Văn Mạnh. Cháu dẫn cậu con trai 5 tuổi đến thăm vợ chồng anh Khoa, chị Mỹ. Hỏi ra mới biết, cách đây chừng 10 năm, cháu Thùy đã được vợ chồng anh Khoa giúp đỡ đưa về Hà Nội cho cháu ăn học hệ trung cấp dược tại Học viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh. Sau khi ra trường, cháu về làm việc tại Khoa Y học dân tộc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Hiện giờ cháu đã học xong và mới lấy bằng cử nhân dược tại ĐH Y Thái Nguyên. Tôi nói vui với anh Khoa, chị Mỹ: “Ông bà mát tay quá, đã giúp cháu công ăn việc làm, giờ cháu có một gia đình nhỏ gồm chồng và 2 cậu con trai thật hạnh phúc”. Thì ra cái công việc thiện nguyện đối với Cao Bằng đã được gia đình anh Nguyễn Tuấn Khoa ấp ủ và thực hiện từ lâu, bắt đầu là với cháu Thùy…
Khi hành trình Cao Bằng lần này sắp kết thúc, tôi đem băn khoăn hỏi anh chị Khoa-Mỹ và mấy người con của anh chị đi cùng trong đoàn rằng những năm tới sẽ duy trì và phát triển “Học bổng Thâm Tâm” như thế nào. Tôi được Nguyễn Mỹ Trang (con gái anh chị), hiện làm Phó Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo & Giải trí Mỹ Thanh tâm sự: “Cháu đã xin phép bố mẹ cháu, khi nào bố mẹ cháu cao tuổi, không có điều kiện duy trì nữa, lúc đó trong tư cách là cháu nội của ông Thâm Tâm, cháu sẽ duy trì và phát triển Học bổng này. Cháu có ý tưởng sẽ dần nâng cấp lên thành “Quỹ học bổng Thâm Tâm” hoạt động chính danh trong khuôn khổ pháp luật, và sẽ tăng số lượng học bổng trong điều kiện có thể”…
Nói thêm, cô cháu gái này của nhà thơ Thâm Tâm khi còn học lớp THPT chuyên Hóa - ĐH Tổng hợp Hà Nội, đã từng viết bài bình thơ về thi phẩm Tống biệt hành của ông nội, được giải Ba của báo Hoa học trò (đăng trên Hương đầu mùa sinh viên, số tháng 2/1995).
- Trao Học bổng Thâm Tâm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Cao Bằng
- Thâm Tâm và huyền thoại 'đưa người ta không đưa qua sông'
Tôi thầm nghĩ, đúng như cổ nhân ta thường nói: “Cha nào, con nấy”. Nhà thơ Thâm Tâm của chúng ta, với các áng thơ nổi tiếng; các truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch, truyện thiếu nhi đặc sắc, đã cả một đời gieo chữ, gieo lòng thiện, gieo cái đẹp cho cuộc đời, thì nay các con, cháu của nhà thơ lại tiếp tục cần mẫn trên hành trình đó.
Như cái tình của nhà thơ đối với Cao Bằng, với Việt Bắc ngày nào vẫn còn âm ỉ cháy: “Ôi núi thẳm rừng sâu/Trung đội cũ về đâu/Biết chăng chiều mưa mau/Nơi đây chăn giá ngắt/Nhớ cái rét ban đầu/Thắm mối tình Việt Bắc”(Chiều mưa đường số 5 - 1948).
Những ngày sang Thu Hà Nội 2022
Vài nét về cố nhà thơ Thâm Tâm Thâm Tâm (1917 - 1950) tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, quê gốc Hải Dương, được biết tới như một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch Việt Nam hoạt động từ trước 1945, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Tống biệt hành. Sau Cách mạng tháng Tám, Thâm Tâm tham gia Văn hóa Cứu quốc, nhập ngũ và làm thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (sau là báo Quân đội Nhân dân). Ông mất vì bệnh vào ngày 18/8/1950, trên đường đi tham gia Chiến dịch Biên giới và được mai táng tại huyện Quảng Uyên (Cao Bằng). Thâm Tâm được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. |
Văn Giá
Tags