(Thethaovanhoa.vn) - Vào những năm 1960, mấy năm sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi vẫn là người có sức vóc nhất nhà nên được phân công 2 việc khá nặng, đó là xay lúa và giã gạo.
18 tuổi là người lớn rồi, dù chưa là xã viên hợp tác xã nông nghiệp nhưng tôi đã gánh nổi 100 cân ròng rã hàng ngày. Mỗi gánh phân chuồng gồm 4 xảo phân, mỗi xảo 25 cân mà tôi gánh đi xa chừng 800m từ nhà ra ruộng bà bã cả ngày. Mệt, nhưng bữa ăn 6 bát cơm đầy và sau giấc ngủ mệt mỏi tan biến.
Xay lúa thì không nặng, nhưng xay liên tục không có đận nghỉ nên cái mệt ngấm dầm hơn. Để quên đi cái mệt, tôi gài cuốn sách vào vách liếp, tay cầm chàng xay, đầu ngoảnh sang vừa đọc sách vừa xay.
- Muốn học sinh đọc sách, hãy nghe các em nói
- Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi: Hãy bắt đầu từ đọc sách
- Chào tuần mới: Người đọc sách
Mấy năm trời mà sao đầu không bị ngoẹo kể cũng lạ. Lúc xay lúa, người luôn di động, mắt liên tục phải điều chỉnh tiêu cự để nhận diện mặt chữ, vậy mà mắt cũng chẳng bị làm sao. Lúc ấy chủ yếu đọc sách của NXB Văn học. Cũng chẳng nhớ sách nào nữa, nhưng văn học Nga, Pháp và Trung Quốc phần nhiều đọc trong lúc xay lúa và sau đó là giã gạo.
Một tuần cho 9 miệng ăn trong nhà nên việc xay giã cũng nhiều. Câu chuyện đọc sách trong lúc xay lúa giã gạo, sau này kể lại, con cái chúng cũng chẳng tin. Như là chuyện bịa, thế mà lại là chuyện thực của riêng tôi. Đọc sách cho quên cái mệt với công việc nặng nhọc trong mấy năm trời sau học phổ thông về làm ruộng là như vậy. Mà cũng vì vậy mà tôi đọc được nhiều. Những kiến thức Đông Tây kim cổ nó thấm dần vào mình từng tí một, làm dày thêm hiểu biết cuộc sống từ lúc nào không biết.
Thói quen đọc sách báo quay trở lại với tôi sau một thời gian thất vọng vì thi trượt.Tôi xuống bưu điện huyện đặt tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn. Ngày đi làm đồng, tối tối lại ngồi xem báo, đọc truyện. Tôi lại bị cuốn theo con người và cuộc sống trong những trang viết. Tờ báo, trang sách đọc sau những ngày lao động đã thành cầu nối giữa tôi với xã hội, bắt nhịp với đời sống xã hội.
Một suy nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu: Sao mình lại không vẽ tranh, không viết bài cho các báo nhỉ. Hãy cứ thử xem sao. Thế là tôi bắt tay vào việc. Vẫn còn ảnh hưởng của những năm cuối cấp làm báo tường, vẽ hoa dây! Lúcấy, tôi không vẽ nổi người, cố nắn nót mà hình vẫn méo mó, chẳng biết tại sao, tôi rất sợ các bạn chê cười. Nhưng bây giờ ở nhà, vẽ gửi đến báo thì không sợ nữa!
Không ngờ các tờ Văn nghệ, Chính nghĩa, Văn nghệ Quân đội, Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp, Việt Nam Độc lập… lần lượt cho biên tập lại bài viết, sửa những tranh vui, tranh biếm họa của tôi để đăng. Lại còn được động viên là bài viết, tranh vẽ có ý dí dỏm. Tôi sung sướng vô cùng, có cảm giác mình làm được việc gì to tát lắm khi thấy tên mình được in lên mặt báo.
Lúc ấy ở nông thôn mà có bài, có tên in trên báo là mọi người nhìn mình rất nể trọng, mặc dù chẳng biết là tôi vẽ gì, viết gì. Với nông thôn, sách báo là một nền văn hóa khác, một mảnh ruộng khác mà người nông dân thì không thể vươn tới.Thế là tôi đã làm ra sự thay đổi để tạo cho mình một nền móng tương lai.
Họa sĩ Đỗ Đức
Tags