Nhọc nhằn bóng rổ Việt Nam

Thứ Ba, 22/04/2025 13:53 GMT+7

Google News

Gần như cùng một thời điểm, 2 hệ thống bóng rổ của Việt Nam cùng tổ chức mùa giải 2025. Cũng vì thế, giới quan sát cũng dễ có cái nhìn toàn cảnh về bóng rổ Việt Nam hiện nay và cũng không khó để nhận thấy các thách thức mà một trong những môn chơi phổ biến nhất thế giới đang đối diện tại Việt Nam.

Giải vô địch quốc gia bóng rổ tiêu chuẩn 5x5 chỉ có 5 đội nữ và 7 đội nam. Trong khi đó, mùa giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) có 6 CLB trong nước tranh tài và chỉ dành cho nam. Nếu xét theo địa phương, thì trong 18 đội thuộc cả 2 hệ thống thi đấu thì chỉ có 9 địa phương tham gia, trong đó nổi bật nhất vẫn là TP.HCM với 1 đội nữ, 2 đội nam và 2 CLB đánh tại VBA, kế đến là Hà Nội (4 đội), Bình Thuận (2 đội), Cần Thơ (2 đội) …

Khi số lượng các đội bóng ở cả bán chuyên lẫn chuyên nghiệp quá ít, cũng dễ hiểu vì sao tính cạnh tranh không cao. Tại giải vô địch quốc gia 5x5 vừa kết thúc, lần đầu tiên TP.HCM "hụt" chức vô địch ở nội dung nữ sau 13 lần đăng quang liên tiếp. Đội nữ Cần Thơ qua đó mới có lần đầu tiên trong lịch sử đứng ngôi số 1 Việt Nam.

Trong khi đó, dù được xem là "cái nôi" bóng rổ nhưng đội nam TP.HCM đến năm nay mới vô địch sau 5 năm liên tiếp Sóc Trăng là đội chiến thắng. Dù là một thế lực hàng đầu của bóng rổ nam, nhưng Sóc Trăng lại không có đại diện chuyên nghiệp ở hệ thống VBA, ngược lại, Cần Thơ không có đội nam ở giải vô địch quốc gia nhưng tại VBA, lại có CLB Cantho Catfish, từng 2 lần vào chung kết, 1 lần vô địch VBA mùa giải 2018.

Nhọc nhằn bóng rổ  - Ảnh 1.

Bóng rổ là môn thể thao rất phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam lại chưa có sự phát triển rộng khắp. Ảnh: VBA

Những điều mâu thuẫn trên giúp chúng ta hình dung về những gian khó của bóng rổ Việt Nam. Đây là môn thể thao được đưa vào trường học khá sớm, cũng có mặt ở mọi trung tâm huấn luyện thể thao như một trong những môn bổ trợ quan trọng cho các VĐV đỉnh cao, nhưng số địa phương duy trì đội bóng rổ lại quá ít so với mức độ phổ biến cũng như sự dễ dàng trong đầu tư của môn thể thao này. Chưa thấy ngành thể thao có những đánh giá, khảo sát về những bất cập nào đã khiến cho bóng rổ khá đại chúng nhưng lại… không có phong trào.

Trên thực tế, các nhà điều hành VBA vừa phải tung ra một chiến dịch mới, với các hạng mục khuyến khích giới trẻ tham gia bóng rổ, để tìm lối đi khác nhân dịp giải đấu chuyên nghiệp của họ bước vào mùa giải thứ 10. Đây là hành động có tính cấp bách trong bối cảnh mà VBA không thể nào tăng số CLB thành viên, mùa này còn phải mời thêm một đội nước ngoài tham gia, mới có được 7 đội. Nếu nhìn từ hệ thống bán chuyên, thì rõ ràng là bóng rổ đỉnh cao quá ít VĐV và gần như trông cậy rất nhiều vào "cái nôi" TP.HCM, nơi mà môn bóng rổ chuyên nghiệp cũng chủ yếu phát triển trong cộng đồng người Hoa.

Với sự có mặt của các VĐV Việt kiều, bóng rổ Việt Nam hiện cũng đã vươn lên tốp đầu Đông Nam Á sau thời gian "cứ ra quốc tế là thua". Nhưng cũng do thiếu VĐV, nên hiện chúng ta cũng chỉ chơi tốt ở nội dung 3x3. Như vậy, đây không phải là môn chơi không thể phát triển, vấn đề cốt lõi là ở sự kết nối giữa phong trào và đỉnh cao, đặc biệt là tại các đô thị lớn. những nơi chưa bao giờ thiếu sân để thi đấu bóng rổ.

Thực ra, sự mâu thuẫn của bóng rổ cũng là vấn đề chung của nhiều môn thể thao đại chúng tại Việt Nam. Tiếp cận người chơi thì nhiều nhưng đứt gãy ở quá trình phát triển VĐV chuyên nghiệp. Điều này khiến cho nỗ lực xây dựng các giải đấu nhà nghề dễ trở thành vô vọng vì cho dù có đầu tư, tuyên truyền nhiều đến đâu thì căn bản vẫn phải có VĐV để thi đấu, để tăng số lượng CLB…

Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›