Nhói lòng nữ tuyển thủ mắc bệnh nan y phải chia tay sân cỏ

Thứ Ba, 14/07/2015 05:23 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từ một nữ cầu thủ tràn đầy nhiệt huyết và tài năng, thành viên đội tuyển U19 Việt Nam nhưng bệnh tật đã cướp đi những hoài bão, ước mơ sân cỏ của Lê Thị Thu và đẩy gia đình cô vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.

Thời gian qua, những người yêu mến bóng đá nữ Việt Nam và cộng đồng mạng liên tục xôn xao trước thông tin một cầu thủ nữ mắc chứng bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn phải phẫu thuật cắt lá lách, vĩnh viễn chia tay sân cỏ trong khi điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn.

Để tìm hiểu thông tin, Thể thao & Văn hóa đã tìm về thôn Thanh Đồng, xã Thanh Nghị (Thanh Liêm, Hà Nam), quê của hậu vệ Lê Thị Thu, thành viên CLB Than KSVN và đội tuyển nữ U19 Việt Nam.

Được biết, Lê Thị Thu có dấu hiệu bị bệnh vài năm trước, diễn tiến có phần nặng hơn từ năm 2014, đặc biệt là khi thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc, có những thời điểm em cảm thấy mệt, sốt không rõ nguyên nhân.

Tới lượt đi giải VĐQG nữ 2015, Thu bị nổi những vết mẩn đỏ, kèm theo sốt nhẹ nhưng vài ngày sau lại khỏi. Bác sĩ của CLB Than KSVN nghi ngờ em bị bệnh liên quan tới gan, máu và cấp tạm thuốc bổ làm mát gan, những khi bị sốt thì cấp thuốc hạ sốt.


Lê Thị Thu (phải) trẻ trung trong màu áo đội tuyển U19 Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kết thúc lượt đi, Lê Thị Thu được CLB cho nghỉ đi khám và ngay lập tức phải nhập viện Bạch Mai điều trị. Trong 1 tuần đầu tiên Thu giấu bố mẹ và tự điều trị vì sợ mọi người lo lắng. Thời gian này, dù được nhắc nhở hạn chế đi lại, vận động mạnh để tránh lượng tiểu cầu giảm nhanh nhưng do có một mình nên các sinh hoạt em phải tự túc. Hơn nữa, do đã quen với khối lượng vận động nên Thu vẫn hoạt động nhiều khiến bệnh thêm nặng.

Sau khi biết tin, mẹ và anh chị Thu đã thay nhau lên bệnh viện Bạch Mai trông nom suốt 3 tháng (từ giữa tháng 4 tới khi phẫu thuật cắt lá lách). Đây là khoảng thời gian rất vất vả đối với cả gia đình khi Thu không được ăn uống những đồ chứa hóa chất. Vì vậy, gia đình Thu phải chuyển thức ăn từ quê lên Hà Nội và thuê người nấu.

Có những thời điểm xuống tới mức dưới 20, trong khi người bình thường là 150.000-400.000 tiểu cầu/mm³.” Có những thời điểm chi phí điều trị của Thu lên tới ~ 10 triệu/ngày. Một túi tiểu cầu có giá 4 triệu đồng, có ngày, Thu phải truyền tới 4 túi để ổn định lại. Gia đình Thu chỉ làm nông nghiệp, anh và chị đã thoát ly lập gia đình. Do điều kiện kinh tế không có nên bố Thu đã phải bán đàn dê để trang trải.

“Tiền thuốc men cũng hết cả trăm triệu, chưa kể những khoản tiền không thể đếm được như đi lại, ăn uống rồi những khoản chi không tên khác cũng không phải là ít. Điều kiện kinh tế đã không có nhiều, giờ lại phải lo điều trị cho em nên gia đình càng khó khăn”, ông Lê Văn Thắng bố Thu buồn bã.


Và giờ là con người hoàn toàn khác, phải sớm từ bỏ ước mơ của mình

Mẹ cô, bà Nguyễn Thị Hoan chia sẻ: “Nhiều hôm nhìn mặt cháu phì ra, mụn mọc đầy mặt đến biến dạng, long mặt cũng lên do tác dụng phụ của thuốc khiến tôi không còn nhận ra con gái mình, những lúc đó chỉ biết quay đi mà khóc. Thu vốn là đứa mạnh mẽ, cháu không hề kêu than mà vẫn luôn cố tươi cười nhưng nhìn vẻ mệt mỏi, thất thần, tôi biết cháu phải cố gắng chịu đựng nhiều lắm. Lúc này tôi chỉ mong cháu có thể lành bệnh, dù chỉ còn 5/10 sức. Bao nhiêu tiền lúc này cũng không còn quan trọng nữa”.

Hiện tại Thu đã cắt bỏ lá lách hơn 1 tuần, đây là việc bắt buộc phải làm trong phương pháp điều trị. Đáng nói là y học hiện tại chưa thể khẳng định rằng đây là cách hữu hiệu nhất, cũng như chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị tận gốc căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn này.

Sau khi cắt bỏ lá lách, lượng tiểu cầu trong máu có thể bình thường trở lại trong vòng 5 tháng. Sau thời gian này, tùy thuộc vào cơ thể và sức khỏe của mỗi người lượng tiểu cầu có thể suy giảm ít hoặc nhiều. Khi đó Thu sẽ phải tiếp tục dùng thuốc hoặc truyền tiểu cầu vào máu.

Mắc bệnh này, Thu phải tuyệt đối kiêng uống thuốc hạ sốt, kiêng ăn một số loại thức ăn như cá chép, thịt gà (thịt gà là món khoái khẩu của Thu). Các loại đồ ăn có chứa hóa chất là liều thuốc độc với Thu bởi nó sẽ khiến tiểu cầu giảm cực mạnh, giữ gìn vệ sinh thật cẩn thận bởi máu rất dễ nhiễm khuẩn khi đó nguy cơ tử vong là cực cao.

Bất kể thời tiết thay đổi theo hướng khắc nghiệt một chút Thu cũng cần phải đề phòng. Nóng hay lạnh quá cũng đều có thể khiến bệnh tình nặng hơn. Đặc biệt là trong 4-5 tháng sau khi cắt lá lách.

“Thời gian đầu nằm viện điều trị em thấy rất tủi thân khi các đồng đội vẫn hàng ngày tập luyện  còn mình phải loanh quanh trong không gian của bệnh viện. Đã vậy, nghĩ tới bố mẹ già ở nhà sẽ ra sao khi em bệnh tật, nhiều đêm em đã khóc vì tủi thân. Từ khi điều trị, em không dám soi gương, cũng không lên facebook chia sẻ gì khi mặt mình biến dạng rất nhiều.

Bây giờ em cũng chỉ mong không phải nằm viện thêm nữa. 3 tháng vừa qua là quãng thời gian kinh khủng khi mệt mỏi, 4 người nằm chung một giường, không khí ngột ngạt, có phải uống bao nhiêu thuốc em cũng chịu.

Đá bóng là đam mê của em từ nhỏ. Em cũng chưa biết sau này sẽ ra sao khi không thể chơi bóng lại nữa. Nhưng việc đó tính sau, trước mắt em tập trung chữa bệnh thật tốt để bố mẹ đỡ vất vả” – Lê Thị Thu bộc bạch suy nghĩ.

Được tin tuyển thủ đội tuyển U19 nữ quốc gia Lê Thị Thu không may gặp phải bệnh hiểm nghèo, Lãnh đạo LĐBĐVN đã quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng chi phí điều trị và động viên cầu thủ này cố gắng vượt qua khó khăn để sớm trở lại với cuộc sống đời thường.

Cá nhân Chủ tịch LĐBĐVN Lê Hùng Dũng cũng quyết định hỗ trợ cầu thủ này số tiền 20 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty VPF hỗ trợ Lê Thị Thu 20 triệu đồng.

Lê Thị Thu sinh ngày 27/11/1996, quê ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Năm lớp 8 Lê Thị Thu đang học trường THCS Thanh Nghị B thì có giấy thông báo về trường của CLB PP Hà Nam kêu gọi thi tuyển. Thu vượt qua vòng tuyển chọn cuối cùng nhưng vẫn không được chọn do quá tuổi quy định (Thu 14 trong khi quy định là 13).

Sau đó Thu được giới thiệu tới CLB TKV. Khi trúng tuyển, mẹ Thu ngăn cản vì cho rằng con gái đá bóng là không hợp và lo cô sẽ vất vả. Còn bố Thu thì ủng hộ vì ông muốn cô con gái của mình mạnh mẽ. Khi đó Thu đã khóc rất nhiều và xin được mẹ đi đá bóng. Trước khi thi tuyển thì Thu vẫn thường xuyên chơi cùng các bạn trai, chăn trâu, nghịch những trò nam tính.


Hải Hà

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›