(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi từng phải đứt đoạn văn chương trong 10 năm để làm báo mưu sinh, phải bỏ tất cả để khẳng định mình ở đất Hà Nội. Đó là cuộc chia ly đầy đau khổ” – nhà báo, nhà văn Như Bình nói với Thể thao & Văn hóa.
Buổi ra mắt tập truyện ngắn Bùa yêu chiều 15/6 tại phố Lý Quốc Sư, Hà Nội của nữ nhà văn quy tụ đông đảo bạn bè văn chương và báo chí, không ít người làm cả hai nghề và chính tác giả cũng vậy.
Buổi ra mắt có mặt của hàng chục bạn văn và bạn báo của Như Bình, trong đó có: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, các nhà thơ Hữu Ước, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Ngọc Thu, họa sĩ Lê Thiết Cương, dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Ngô Thảo…
10 năm đứt đoạn với văn chương
Gọi Như Bình là nhà báo bởi đó là nghề nghiệp kiếm sống và gắn liền với cuộc sống hàng ngày của chị. Nhưng Như Bình cũng là nhà văn lâu năm với tập truyện ngắn đầu tay in năm 1999 và một số tập truyện ngắn in riêng và chung, cộng với 2 tập ký chân dung.
Nhà văn, nhà báo Như Bình hiện công tác tại báo Công an nhân dân
Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ông chú ý đến cây bút trẻ Như Bình từ năm 1995 khi truyện ngắn Đêm nguyệt thực của chị được đăng trên tờ Văn Nghệ Trẻ và được trao giải truyện hay trong năm. Sau đó, Như Bình từ Hà Tĩnh ra Hà Nội làm báo và gắn bó với nghề báo từ đó đến nay.
Đầu những năm 2000, chị và nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang được kết nạp vào Hội Nhà Văn trước 30 tuổi và là những hội viên Hội Nhà văn trẻ nhất. Từ năm 2004 đến 2014, chị không viết văn, không ra sách văn chương mà chỉ viết báo. Với Như Bình, đó là một nỗi đau.
Nay, chị muốn “trở lại để tri ân văn chương” qua Bùa yêu tập hợp những truyện ngắn cũ và mới, nhưng lòng yêu văn chương trong chị không hề phai nhạt. Nhiều độc giả nhận xét văn Như Bình đầy nữ tính, có thể đó là lý do khiến văn chị được rất nhiều đàn ông say mê, bên cạnh nhiều độc giả nữ.
Bìa tập truyện ngắn Bùa yêu
Tập truyện Bùa yêu gồm 30 truyện ngắn của Như Bình gồm: Chợ Âm phủ, Cô Huệ, Đêm vô thường, Tiếng gọi câm, Lửa trên sông, Đêm hội chen, Ám ảnh, Bùa yêu...
Viết văn vì viết báo là không đủ
“Thực ra nghề văn và nghề báo bổ trợ cho nhau” – Như Bình chia sẻ với Thể thao & Văn hóa về nghề – “Nếu không có nền tảng văn chương thì tôi đã không thể trở thành nhà báo thành danh. Trong cả nước, có rất nhiều nhà báo kỳ cựu đồng thời là nhà thơ, nhà văn. Còn số nhà báo tên tuổi không gắn với văn chương thì ít hơn. Những gì báo chí không thể liên tưởng và ẩn dụ, chỉ có thể phản ánh sự thật, thì văn chương sẽ khai thác sâu kỹ hơn”.
Như Bình kể, ngày trước chị từng viết bài báo Năm cô gái mù và những giấc mơ câm về câu chuyện ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, sau đó độc giả ủng hộ các nhân vật một ngôi nhà. Nhưng với chị, trước hiện thực cuộc sống đó, viết báo là chưa đủ. Vì vậy chị viết thêm truyện ngắn Hoa dành danh đăng ở báo Văn Nghệ và đoạt giải.
Hạ Huyền
Tags