COVID-19 được xem là bệnh về đường hô hấp, nhưng tác động của căn bệnh này vượt quá sự tác động đối với phổi. Kể từ khi đại dịch bùng phát, các nhà thần kinh học đã hiểu rõ rằng căn bệnh lây lan có thể ảnh hưởng đến ngay cả cơ quan quý giá nhất của con người là não bộ.
Các biến chứng thần kinh và tâm thần của COVID-19 rất đa dạng và đôi khi vẫn tồn tại rất lâu sau khi bệnh nhân hồi phục. Đây là nhận định của nhà khoa học Serena Spudich được đưa ra trong bài viết mang tên "Perspective" đăng trên tạp chí Science mới đây.
Bà Spudich cho biết nhiều bệnh nhân cảm thấy tuyệt vọng khi không thể quay lại cuộc sống bình thường và việc thiếu hụt những liệu pháp điều trị cho triệu chứng COVID kéo dài khiến họ nản lòng.
Trong 2 thập kỷ qua, bà Spudich đã nghiên cứu sự tác động của virus HIV đối với não bộ và cách thức virus này có thể gây ra hậu quả về lâu dài đối với người mắc bệnh. Sau đó, năm 2020 đã chứng kiến sự bùng phát của dịch COVID-19 và ngày càng có nhiều báo cáo lâm sàng về các bệnh nhân có vấn đề liên quan đến não.
Do vậy, nhà khoa học Spudich cũng các cộng sự tại Trường y khoa Yale đã tập trung nghiên cứu về sự tác động của virus SARS-CoV-2 đối với thần kinh.
*Ảnh hưởng tới thần kinh
Điều đáng ngạc nhiên là tính không đồng nhất của các triệu chứng mà virus SARS-CoV-2 gây ra. Ngay cả với những trường hợp có triệu chứng nhẹ, COVID-19 có thể gây chứng nhầm lẫn, mê sảng, buồn ngủ, chức năng nhận thức kém, nhức đầu dữ dội và cảm giác khó chịu trên da.
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân bị các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu ban đầu tập trung vào các biến chứng trong giai đoạn cấp tính của bệnh và sau đó họ nhận thấy rằng nhiều biến chứng có thể kéo dài. Theo bà Spudich, hiện có nhiều báo cáo về những người có triệu chứng dai dẳng trong nhiều tháng.
Thông thường, người mắc COVID-19 cắt sốt, không còn vấn đề về phổi, song họ lại gặp vấn đề về suy nghĩ, sự tập trung, trí nhớ hoặc gặp khó khăn với những cảm giác lạ và đau đầu.
- Nguy cơ Covid kéo dài có thể trở thành hội chứng phổ biến
- Khoảng 30% bệnh nhân Mỹ được theo dõi mắc 'Covid kéo dài'
- Mối liên hệ giữa hội chứng 'Covid kéo dài' và viêm cơ não tủy
*Tổn thương khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức
Vào thời gian đầu của đại dịch, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng các triệu chứng thần kinh có thể là do virus SARS-CoV-2 có khả năng xâm nhập và tái tạo trong các tế bào não và trực tiếp làm tổn thương não.
Tuy nhiên, phần lớn các bằng chứng hiện tại cho thấy rằng không phải như vậy. Các nhà khoa học đã tập hợp bằng chứng về cách thức bộ não bị ảnh hưởng trong giai đoạn bệnh COVID-19 cấp tính.
Bà Spudich cho hay các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra người bệnh bị tổn thương khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức hơn là do virus xâm nhập vào não và giết chết các tế bào ở đó.
Các nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm sự xuất hiện của mầm bệnh trong hệ thần kinh thông qua việc nghiên cứu dịch não tủy (CSF) - chất lỏng xung quanh não và cột sống.
Trong số nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trên toàn thế giới, rất ít nghiên cứu đã phát hiện ra dấu vết còn sót lại của virus SARS-CoV-2 trong CSF. Hơn nữa, các nghiên cứu khám nghiệm tử thi cũng không tìm thấy virus còn sót lại.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có trường hợp virus tái tạo, COVID-19 vẫn có thể góp phần vào những thay đổi về miễn dịch.
Cụ thể, các nghiên cứu đã chỉ ra sự gia tăng các dấu hiệu kích hoạt miễn dịch và tình trạng viêm trong CSF và não có thể dẫn tới các triệu chứng về thần kinh ở bệnh nhân COVID-19. Ví dụ, các tế bào miễn dịch giải phóng một số protein để chống lại sự nhiễm trùng, song những protein đó cũng có thể gây ra các tác động ngoài mục tiêu gây cản trở chức năng thần kinh.
Bà Spudich nhấn mạnh ở một số người mắc COVID-19 và bị các triệu chứng thần kinh, hệ thống miễn dịch đang gây ra những thay đổi trong hệ thần kinh. Ngoài ra, các nhà khoa học tin rằng một số triệu chứng có thể do sự tự miễn dịch gây ra - trong đó hệ thống miễn dịch được kích hoạt để chống lại mầm bệnh xâm nhập, nhưng lại nhầm lẫn các tế bào lành của cơ thể là mục tiêu.
Bà Spudich lý giải rằng trong những trường hợp này, hệ miễn dịch hoạt động không như ý muốn và tấn công các tế bào não hoặc tế bào thần kinh ngoại vi, gây ra các hậu quả về thần kinh hoặc tâm thần.
* Vẫn còn nhiều ẩn số về cơ chế COVID kéo dài
Sự tồn tại của các vấn đề sau khi bệnh nhân mắc COVID-19 cấp tính rõ ràng là một hiện tượng thậm chí còn khó hiểu hơn. Do biểu hiện của COVID kéo dài không đồng nhất và các thử nghiệm lâm sàng mà bệnh nhân trải qua thường trở lại bình thường nên các nhà nghiên cứu gặp khó khăn.
Theo bà Spudich, hầu hết các bệnh nhân đều được bác sĩ tư vấn rằng họ không có vấn đề gì về sức khỏe. Do đó, nghiên cứu của bà và các cộng sự tập trung vào một số nguyên nhân gây ra hội chứng COVID kéo dài.
COVID kéo dài có thể là kết quả của tình trạng viêm thần kinh dai dẳng được kích hoạt trong quá trình mắc COVID-19 cấp tính hoặc do nhiều loại thay đổi khác liên quan đến khả năng tự miễn dịch.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng củng cố cho một trong hai giả thuyết. Do COVID kéo dài biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, nên cần nhiều chuyên gia khác nhau làm việc cùng nhau để hiểu sinh lý bệnh của nó.
Đối với những người bị COVID kéo dài, họ bị giảm khả năng làm việc, chất lượng cuộc sống của họ giảm sút. Số người người đã xin nghỉ việc vì tình trạng này là “đáng kinh ngạc", do vậy, cần nghiên cứu thêm về hội chứng này.
Ví dụ, nếu nghiên cứu phát hiện ra rằng chứng viêm quá mức hoặc sự tự miễn trong não là nguyên nhân gây ra một số triệu chứng thần kinh lâu dài, thì điều này sẽ giúp các nhà khoa học phát triển các liệu pháp điều trị.
* Tìm cách làm sáng tỏ những bí ẩn của virus SARS-CoV-2
Trong phòng thí nghiệm của mình, nhà khoa học Spudich đang tiếp tục sử dụng các công cụ đã được phát triển trong nhiều năm để hiểu rõ hơn về cách thức HIV ảnh hưởng đến não bộ để làm sáng tỏ những bí ẩn của virus SARS-CoV-2.
Thông qua việc xem xét các tế bào và protein khác nhau bao quanh não và có thể đo được trong CSF, nhóm khoa học đang nghiên cứu cách chúng hoạt động khác nhau ở những người bị COVID kéo dài so với những người không bị mắc hội chứng này.
Họ cũng sử dụng hình ảnh chụp MRI để nghiên cứu sự khác biệt về cấu trúc và chức năng của não giữa hai nhóm bệnh nhân này. Bà Spudich hy vọng rằng công trình của họ sẽ không chỉ cung cấp câu trả lời cho những người đang phải vật lộn với tác động của COVID-19, mà còn làm sáng tỏ các bệnh truyền nhiễm do virus chưa được hiểu rõ khác như bệnh Lyme do xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra.
Thanh Hương/TTXVN
Tags