(Thethaovanhoa.vn) - Chuyên đề Chuyện nghề địa chất lần đầu tiên được trưng bày với những kỷ vật của 22 nhà khoa học, giúp người xem hiểu hơn về nghề địa chất đầy gian nan, vất vả nhưng cũng không kém phần lãng mạn.
Sự kiện vừa khai trương tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (số 561, đường Lạc Long Quân, Hà Nội, mở cửa đến tháng 9/2020).
“Luôn đi ngó nghiêng, thấy đá là đập”
Có lẽ trên thế giới ít có một bảo tàng nào dành riêng việc tôn vinh các nhà khoa học qua việc ghi lại chân dung và công việc của họ như Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang làm tại cuộc triển lãm này. Đó là những lời chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại trưng bày Chuyện nghề địa chất.
Theo nghề khoa học cả một đời người, chu du đây đó như những người ưa xê dịch, GS-TSKH Tống Duy Thanh gói gọn về nghề trong một chia sẻ ngắn: “Đặc điểm dễ nhận biết của người làm địa chất là luôn đi ngó nghiêng, quan sát, thấy đá là đập. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài nhếch nhác thường thấy trong các chuyến thực địa là sự cống hiến hết mình của nhà địa chất.”
Có mặt khá sớm tại không gian trưng bày, GS-TSKH Phan Trường Thị năm nay đã ở tuổi 86, nhưng vẫn rất minh mẫn và linh hoạt. Sau lớp kính dày cộm là đôi mắt nhòe nhòe, màu tóc bạc sương, ông ngắm nghía hồi lâu bức hình của mình trong một lần tác nghiệp. Trước bức ảnh ấy, dường như ông cụ 86 tuổi không giấu nổi sự xúc động. Ông bảo rằng, khi bước chân vào con đường nghiên cứu địa chất cũng là xác định cuộc đời mình từ nay sẽ gắn liền với ba lô, búa và kính hiển vi.
Ông có 2 “bảo vật” có mặt tại buổi trưng bày là kính hiển vi phân cực, đạo cụ đã theo ông trong suốt 48 năm làm nghề, được sử dụng trong nghiên cứu thạch học từ quãng năm 1965 đến 2013; khi đó ông vẫn đang công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
“Bảo vật” thứ hai của ông trong trưng bày là sổ nhật ký nghề. Nhìn những dòng chữ trên sổ, ông quay sang tâm sự với những cộng tác viên của Trung tâm Di sản: “Sổ nhật ký là một phần của cuộc sống của tôi. Không bỏ được. Tôi ghi lại công phu lắm”! Trong cuốn nhật ký này ông ghi lại rất cẩn thận trên bìa trong dòng chữ “Ai nhặt được cho xin lại theo địa chỉ bên. Xin cảm tạ”. Địa chỉ ông lưu trên cuốn sách ghi đầy đủ họ tên và nơi công tác thời điểm khi ấy là Bộ môn Địa chất tại Đại học Bách khoa năm 1963.
“Mỗi vật dụng gắn liền với công việc của mình, tôi đều nâng niu và trân trọng, bởi nó không chỉ là công cụ khoa học hỗ trợ tối đa cho công việc, nó còn giống như người bạn đồng hành theo thời gian. Nếu như các chiến sĩ học vác cây súng chiến đấu, thì chúng tôi không thể thiếu búa và kính hiển vi. Đó là những đồ vật bất ly thân trong mỗi chuyến đi của người khoa học theo nghề địa chất” - GS-TSKH Phan Trường Thị bày tỏ.
Đau đáu về thế hệ kế nghiệp
Không giống như những hình dung về nghề địa chất khô khan, học thuật, từ chia sẻ của những “lão làng” trong nghề lại thấy một góc rất khác về cuộc đời của nhà địa chất với những chuyến đi nhiều gian khổ, hiểm nguy, nhưng cũng đầy lãng mạn. Những câu chuyện thực địa muôn hình muôn vẻ đều là những kỷ niệm đáng nhớ đối với họ.
“Nghề địa chất đã chinh phục và làm cho tôi hiểu biết để có thể giải thích được nhiều hiện tượng lý thú. Tôi tìm thấy được nhiều điều mới lạ trên những đỉnh núi cao, trong các khu vực đại ngàn và trên những đồi cát trắng mênh mông” - GS-TS Trần Nghi (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.
GS-TSKH Lê Đức An lại cho rằng, nghề địa chất khiến ông ngẫm mình giống như “kẻ” xê dịch, ông gói gọn nghề của mình là những lần chuyển nhà. “Mỗi lần đi công tác như là một lần chuyển nhà vì phải chuyển cả hộ khẩu. Đúng là chuyển hộ khẩu vì không chuyển thì làm gì có gạo mà ăn! Mỗi lần di chuyển địa điểm thực địa chẳng khác nào một lần về nơi ở mới vì phải mang theo đủ thứ từ bát đĩa, xoong nồi, quần áo cho đến những đồ dùng sinh hoạt cá nhân nhỏ nhất” - ông nhớ lại một khoảng thời gia đầy khó khăn và thách thức với nghề địa chất.
“Say đất”, say nghề là những điều mà TSKH Nguyễn Biểu (Trung tâm Địa chất khoáng sản biển) xúc động bày tỏ với những với các khách tham quan. “Những nhà địa chất đi thực địa trên biển không được say sóng vì hành trình khá dài. Tháng 4/1985 tôi còn nhớ như in lần đầu tiên tôi ra Trường Sa, đến đảo Nam Yết an toàn, đi một đoạn tôi bỗng thấy không gian chao đảo mặt mày xây xẩm, bước chân không vững. Hóa ra tôi không say sóng mà tôi đang say đất”- TSKH Nguyễn Biểu nhớ lại một kỷ niệm khó quên.
Bên cạnh những chia sẻ rất đời, rất chân thật của những nhà khoa học địa chất kỳ cựu, trưng bày Chuyện nghề địa chất giúp công chúng phần nào hiểu được công việc của các nhà khoa học địa chất, qua đó cũng để thế hệ trẻ được hiểu và vun đắp tình yêu với nghề địa chất.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi mà tài nguyên của đất nước đang là vấn đề được quan tâm thì những nhà khoa học dầy dạn kinh nghiệm này ngày càng cao tuổi nhưng tựu chung lại, họ vẫn đau đáu về thế hệ kế nghiệp. Như GS-TSKH Phan Trường Thị bày tỏ sự buồn tủi khi ông có cơ hội giao lưu với sinh viên năm nhất mới nhập trường, các em đều thích chọn học ngành “làm quan” như Quản lý môi trường chứ không phải chuyên ngành địa chất, một ngành “nhếch nhác” như cách nói về vẻ ngoài nghề địa chất của GS.TSKH Tống Duy Thanh.
An Đạt
Tags