(Thethaovanhoa.vn) - Thế vận hội Olympic quy tụ các vận động viên xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới đại diện cho quốc gia của họ. Thật ngạc nhiên khi nghe những câu chuyện của những VĐV đặc biệt này và nỗ lực mà họ đã cho thấy hay những hy sinh mà họ phải trải qua. Thế nhưng, trong khi có nhiều câu chuyện truyền cảm hứng, cũng có những câu chuyện đầy bi kịch.
Chết trước khi xây dựng tên tuổi của mình
Steve Prefontaine là một VĐV điền kinh hàng đầu của Mỹ có nhiều tiềm năng trở thành ngôi sao trên đường chạy thế giới. Anh bắt đầu với tư cách là VĐV chạy cự ly dài ở trường trung học tại Coos Bay, Oregon, và tiếp tục chạy khi học Đại học Oregon. Khi ở Oregon, từ năm 1969 đến năm 1974, Prefontaine, được gọi là Pre, đã giành được 7 danh hiệu NCAA.
Prefontaine đến Thế vận hội năm 1972, đứng thứ 4 trong cuộc đua 5.000m và bỏ lỡ cơ hội giành một huy chương ở Munich. Mọi người đều mong chờ sự trở lại đầy thắng lợi của Pre vào năm 1976, nhưng điều đó sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Vào ngày 29/5/1975, Pre đã giành chiến thắng ở nội dung 5.000m tại Hayward Field ở Eugene, Oregon, đường đua yêu thích của anh. Sau đó, anh tham dự một bữa tiệc dành cho 6 VĐV từ Phần Lan mà anh đã đưa đến Mỹ để cạnh tranh trong cuộc đua. Trên đường về nhà, Pre đã mất lái, lật xe và đè anh xuống dưới. Pre được tuyên bố đã chết chỉ sau nửa đêm. Lúc đó anh chỉ mới 24 tuổi.
Câu chuyện của Monica Seles
Sự nghiệp của Monica Seles gần như chấm dứt trước khi cô có cơ hội tham dự Thế vận hội. Monica Seles đã giành được huy chương đồng ở Thế vận hội 2000 tại Sydney, Australia. Sinh ra ở Nam Tư cũ, nhưng cô đã trở thành công dân Mỹ, thi đấu cho Mỹ trong Thế vận hội. Thế nhưng, chính điều xảy ra 7 năm trước đó đã trở thành điểm nhấn lớn nhất trong sự nghiệp của cô.
Seles vô địch French Open năm 1990, khi cô mới 16 tuổi. Năm 1991, Seles, khi mới 17 tuổi, trở thành cây vợt trẻ nhất được xếp hạng số 1 thế giới, soán ngôi của Steffi Graf, người đã nắm giữ vị trí này từ năm 1987. Trong khi Seles và Graf đối đầu trong giai đoạn đó, sự cạnh tranh của họ sau đó sẽ dẫn đến bi kịch.
Vào ngày 30/4/1993, Seles thi đấu với Magdalena Maleeva ở Hamburg, Đức, trong một trận tứ kết. Trong lúc giải lao, cô ngồi xuống và nghiêng người uống chút nước. Thế rồi cô cảm thấy đau nhói ở vai và sẽ sớm biết lí do tại sao. Một người đàn ông đã phục kích và tấn công cô, đâm cô bằng một con dao dài 9 inch. Gunter Parche, một người hâm mộ bị ám ảnh với Steffi Graf, đã dùng dao tấn công cô hai lần. Rất may, vết thương của cô không đe dọa đến tính mạng. Seles phải mất một thời gian ngắn để hồi phục thể chất, nhưng về tinh thần thì sự cố vẫn ám ảnh mãi với cô.
Thực tế thì sự nghiệp của Seles đã đi xuống hoàn toàn sau đó. Năm 1996, cô giành danh hiệu Australian Open thứ 4 nhưng cũng thua ở 3 trận chung kết US Open (2) và French Open. Tại Olympic 1996 ở Atlanta, Mỹ, Seles thua Jana Novotna ở tứ kết và 4 năm sau, cô giành huy chương đồng.
Cú ngã đau của Oscar Pistorius
VĐV chạy nước rút người Nam Phi là Oscar Pistorius từng là VĐV Olympic và Paralympic nổi tiếng trước khi cuộc đời đầy cảm hứng của anh bước sang một góc tối. Là một người cụt đôi dưới đầu gối, Pistorius được biết đến với việc vượt qua những trở ngại lớn để trở thành một VĐV chạy nước rút xuất sắc. Biệt danh "Blade Runner" vì bộ phận giả giống như lưỡi dao của mình, anh đã tham gia Paralympic 2004, Paralympic 2008, Paralympic mùa Hè 2012 và Thế vận hội 2012, làm nên lịch sử với tư cách là VĐV cụt chi đầu tiên từng thi đấu tại Thế vận hội. Thế nhưng, chính Pistorius đã đi chệch hướng khiến anh trở nên nổi tiếng.
Vào ngày lễ Valentine năm 2013, Pistorius đã bắn qua cửa phòng tắm 4 lần, giết chết bạn gái của mình, Reeva Steenkamp, người đang ở phía bên kia cửa. Mặc dù ban đầu khẳng định anh nhầm bạn gái của mình là kẻ đột nhập vào nhà, nhưng lời kể từ những người hàng xóm khi nghe thấy tiếng la hét, sau đó là những phát súng vào đêm đó được đưa ra ánh sáng trong phiên tòa xét xử Pistorius, cuối cùng VĐV người Nam Phi bị kết tội giết người. Hiện Pistorius vẫn đang ngồi tù.
Mạnh Hào
Tags