(Thethaovanhoa.vn) - Đôi bàn chân dị dạng, biểu tượng tàn dư phong kiến, của 50 phụ nữ lớn tuổi ở Trung Quốc , vừa được nhà nhiếp ảnh Jo Farrell (người Anh) ghi lại trong bộ sưu tập gây choáng váng.
Mặc dù vậy, bên cạnh hình dạng gớm guốc của những đôi bàn chân, ẩn đằng sau là nỗi đau của những người phụ nữ, Farrell còn muốn thể hiện qua bộ ảnh sự mạnh mẽ, lòng quyết tâm và hy vọng của họ.
Bởi, khi được bó chân ở độ tuổi còn rất nhỏ, những phụ nữ này và gia đình họ đều nghĩ đó là cách để mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những bàn chân nhọn hoắt
Dự án chụp ảnh này của Farrell bắt đầu ở băng ghế sau của một chiếc taxi. Mối quan tâm lớn trong sự nghiệp của nữ nhiếp ảnh gia là ghi lại tư liệu về những tập tục văn hóa đã mất. Năm 2005, cô trò chuyện với một tài xế taxi ở Thượng Hải, Trung Quốc về tục bó chân ở nước này.
“Anh ấy nhắc đến người bà của mình, một phụ nữ có đôi bàn chân bị bó” – Farrell nhớ lại – “Hầu hết mọi người nói với tôi đó là một tập tục thất truyền, không ai còn sống nữa. Tôi đến ngôi làng nơi bà của người tài xế sống, ở tỉnh Sơn Đông, và gặp bà lão Zang Yun Ying. Bà trở thành nhân vật đầu tiên trong bộ ảnh của tôi”.
Sau đó là hành trình 9 năm đi xuyên Trung Quốc tìm kiếm những người bó chân còn sống sót. Farrell chỉ tìm thấy 50 phụ nữ. 5 người trong số họ vẫn còn giữ lớp vải bó chân, số còn lại đã tháo ra từ lâu.
Tất cả đều sống ở những tỉnh nghèo như Vân Nam hay Sơn Đông. Người già nhất là bà lão Zhang Yun Ying 103 tuổi, có bàn chân nằm trọn trong bàn tay của một người lớn.
Kết quả của cuộc hành trình đó là cuốn sách ảnh Living History: Bound Feet Women Of China (Lịch sử sống: Những phụ nữ bó chân ở Trung Quốc) của Farrell, bao gồm những bức ảnh cận cảnh chụp các bà lão và đôi bàn chân đau đớn biến dạng của họ. Cô còn hỏi chuyện họ và ghi chép lại hoàn cảnh của mỗi người.
Trong đó, cụ bà Si Yin Zhi (90 tuổi) là người có đôi bàn chân biến dạng nhất mà Farrell từng thấy. Chân của bà không còn hình dạng bàn chân mà đã biến thành hình dạng của đôi giày sen nhọn hoắt. Bà chưa hề ngừng bó chân, kể cả khi có lệnh cấm, và luôn giấu chân trước mọi người. Vậy nên bức ảnh Farrell chụp được đôi chân trần của bà là rất hiếm.
Nghịch lý đau đớn và hy vọng
Bó chân bị cấm ở Trung Quốc 103 năm trước, từ đó đến nay đã là 10 thập kỷ. Nhưng nhà máy cuối cùng sản xuất “giày sen” (đôi giày hình tam giác dành cho những cô gái có bàn chân nhọn do bó chân) mới đóng cửa cách nay có 6 năm.
Tục bó chân để có bàn chân “sen vàng ba tấc” trở thành trào lưu từ thời vua Lý Dục ở thế kỷ 10. Đôi chân của các bé gái từ 4 tuổi đã được bó chặt trong các lớp vải với các loại thảo mộc và dầu làm mềm da, xương, tạo thành hình dạng bàn chân tam giác để đi vừa những đôi giày sen.
Sau khi bị cấm, bó chân đã trở thành một điều cấm kị. Vào năm 1950, Trung Quốc yêu cầu những người thực thi lệnh cấm công khai lăng nhục các phụ nữ bó chân. “Điều đó được coi như một hủ tục lạc hậu không đại diện cho sự tiến bộ của Trung Quốc và buộc phải chấm dứt” – Farrell nói.
Hầu hết các cô bé bị bó chân từ tuổi lên 7. “Năm đầu tiên vô cùng đau đớn bởi họ bị buộc phải đi bộ nhiều để các ngón chân bị nát vì sức nặng của cơ thể” – nhà nhiếp ảnh kể - “Sau đó, các ngón chân sẽ tê cứng và 50, 60 năm sau, họ không còn đau nữa. Chúng hoàn toàn tê liệt”.
Farrell khẳng định những bức ảnh của cô không phải để giật gân hay gây sốc, mà để cho người xem biết về một tập tục cổ. Bản thân cô cũng bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những bàn chân bị bó. “Lần đầu tiên tôi gặp Zang Yun Ying và chạm vào bàn chân của bà, tôi thấy không thể tin nổi. Bàn chân đó rất mềm mại và tạo hình chuẩn một cách khó tin” - cô chia sẻ.
Một hủ tục độc ác và tàn nhẫn, nhưng vẫn tồn tại một nghịch lý khi mục đích của nó là niềm hy vọng về cuộc sống: các cô gái có bàn chân càng nhỏ càng được coi là đẹp và có cơ hội lấy chồng khá giả.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags