Những cái chết 'không tưởng' trong thể thao

Thứ Bảy, 27/12/2014 21:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thanh niên 25 tuổi chết hằng ngày rất nhiều, trong các vụ tai nạn xe hơi, trên chiến trường, trong phòng ung thư… Thế nhưng, khi một thanh niên chết trên sân đấu, đó là bi kịch, là cú sốc với cả thế giới như trường hợp của Phillip Hughes, VĐV cricket vừa qua đời vào ngày 27/11 chỉ vì một quả bóng đánh trúng đầu trong lúc anh đang thi đấu.

Sự cố xảy ra ở trận đấu giữa South Australia và New South Wales ở giải vô địch cricket Australia ngày 25/11 vừa qua. Hughes là người quật bóng của đội South Australia. VĐV ném bóng của đội New South Wales là Sean Abbot. Trong một tình huống, Abbot đã ném quả bóng cricket đi đập đất và nảy lên ngang đầu của Hughes. Tuyển thủ 25 tuổi đáng lẽ sẽ phải dùng gậy để quật quả bóng đi xa nhưng anh đã không kịp phản xạ. Với lực đi rất mạnh, quả bóng đã đập vào phần phía trên cổ Hughes, vị trí không được che chắn bởi mũ bảo hiểm, gây chảy máu não.

Theo bác sĩ của đội South Australia, các bác sĩ đã cố gắng làm cho Hughes tỉnh lại. Anh được đưa vào viện và được can thiệp nhằm giảm áp lực lên não nhưng rồi mọi nỗ lực của họ đều thất bại.

Phải thừa nhận ngay đây là một tai nạn hi hữu bởi cricket được xem là trò chơi “quý tộc” và có độ an toàn rất cao. Bản thân một người quật bóng như Hughes cũng đã có mũ bảo hiểm che chắn phần đầu và không ai có thể nghĩ được rằng bóng lại đập vào phần bên trái gần với tai, dẫn đến chảy máu não.

Cái chết của VĐV cricket Phillip Hughes là cú sốc với cả thế giới

Sau cùng thì so với rất nhiều môn thể thao khác, mức độ nguy hiểm của cricket là nhỏ nhưng cũng như phần lớn các môn thể thao phổ biến trên thế giới hiện nay, những tình huống không lường trước vẫn có thể xảy ra. Vì thể thao là đua tranh, là nỗ lực vượt lên bản thân và tai nạn thì không chừa bất cứ ai. Một cú bóng bay đã giết chết Hughes, một khoảnh khắc không làm chủ tay lái đã lấy đi cuộc sống của tay đua huyền thoại Ayrton Senna tại San Marino năm 1994 hay thảm họa máy bay ở Munich năm 1958 khiến tất cả không còn được chứng kiến tài năng của cầu thủ trẻ Duncan Edwards và 8 thành viên khác của Man United nữa…

Và đừng quên là chỉ mới đây thôi, những tai nạn không ngờ tới đã đẩy những tay đua Công thức I như Michael Schumacher (trong lúc trượt tuyết) và Jules Bianchi vào tình trạng hôn mê.

Vì thế, cái chết của Hughes không phải là lỗi của Abbott. Cũng như cái chết của Senna không phải là lỗi của Adrian Newey, thiết kế chính của đội đua Williams, hay võ sĩ quyền anh Chris Eubank phải tự dằn vặt mình vì đã khiến đối thủ Michael Watson chảy máu não sau trận so găng vào tháng 9/1991.


Một khoảnh khắc không làm chủ tay lái đã lấy đi cuộc sống của tay đua huyền thoại Ayrton Senna tại San Marino năm 1994

Đơn giản bởi tất cả đều nỗ lực vì tinh thần thể thao, vì chiến thắng, vì vinh quang. Nhiệm vụ của Senna là chạy thật nhanh nếu anh muốn trở thành nhà vô địch thế giới. Eubank muốn chiến thắng phải knockout đối thủ và đơn giản như Abbott là anh có mặt trên sân chỉ để ném bóng. Họ đều nghĩ tới chiến thắng, chứ không ai nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra như trường hợp của Ray “Boom Boom” Mancini.

Mancini là võ sĩ hạng nhẹ vô địch thế giới 21 tuổi khi anh so găng với Duk Koo Kim của Hàn Quốc trong trận tranh đai WBA vào tháng 11/1982. Cuộc so găng dữ dội kết thúc ở hiệp thứ 14 khi 44 cú đấm của võ sĩ người Mỹ đã buộc Kim phải quỵ gối. Kim đổ gục trên sàn, bị hai cục máu ở bên não phải và chết trong bệnh viện bốn ngày sau đó. Một năm sau, trọng tài Richard Green tự tử. Mẹ của Kim đau buồn vì cái chết của anh nên cũng đã tự tử bốn tháng sau Green.

30 năm sau, trận đấu đó vẫn ám ảnh cuộc đời của Mancini. Năm 2007, ông thừa nhận “đó vẫn là nỗi đau quá lớn để tôi nhắc lại. Tôi không muốn hồi tưởng gì cả. Có rất nhiều lời cầu nguyện, nhiều suy nghĩ nhưng anh không bao giờ vượt qua được. Anh không bao giờ hiểu được.”

Quay trở lại với môn cricket, thống kê cho thấy trong gần 400 năm môn thể thao này đã có 11 VĐV gặp tai nạn chết người khi thi đấu, trong đó chỉ có 7 trường hợp bị bóng hoặc gậy đánh trúng, số còn lại là vì bệnh tim. So với đua xe, quyền anh hay bóng đá… con số trên được xem là rất nhỏ.


Duk Koo Kim đổ gục trên sàn, bị hai cục máu ở bên não phải và chết trong bệnh viện bốn ngày sau đó

Điểm chung là những cái chết trong thể thao sẽ luôn để lại một ấn tượng sâu sắc với người hâm mộ, nếu không muốn nói có những cái chết biến VĐV trở thành huyền thoại như trường hợp của Edwards hay Senna… Bởi họ chết như những anh hùng, khi tình yêu mà người hâm mộ dành cho họ là quá lớn, hoặc cũng vì cái chết của họ là đầy bi kịch, là không tưởng. Như trường hợp của Senna ở đường đua San Marino năm 1994 đến mức gần như tất cả đều quên rằng trước anh, một tay đua khác là Roland Ratzenberger cũng đã qua đời sau một tai nạn ở vòng loại.

Bởi không ai tin tay đua từng ba lần vô địch thế giới lại có thể mất kiểm soát ở vòng thứ bảy và đâm vào rào chắn bê tông ở vận tốc 145 dặm/giờ. Trớ trêu là sau đó, người ta đã tìm thấy một lá cờ Áo mà Senna để sẵn trong xe như thể anh muốn dành tặng chiến thắng cho Ratzenberger.

Cái chết của Senna là một bi kịch cho F1 nhưng đổi lại, anh cũng mang lại sự sống cho nhiều tay đua khác sau hàng loạt thay đổi được thực hiện nhằm đảm bảo sự an toàn cho đường đua.

Tương tự như thế là ở môn cricket trong tương lai sau cái chết của Hughes hay môn bóng đá sau khi tiền vệ người Cameroon là Marc Vivien Foe đột quỵ trên sân do bị một cơn đau tim, một căn bệnh rất phổ biến trong thể thao và giờ đang được kiểm soát ở mức tốt nhất có thể…


Tiền vệ người Cameroon là Marc Vivien Foe đột quỵ trên sân do bị một cơn đau tim

Vì vậy, một mặt những cái chết của họ để lại một nỗi buồn lớn cho người hâm mộ, một mặt họ cũng làm biến đổi thể thao theo hướng tích cực hơn. Bởi trước khi thể thao hướng đến những kỷ lục, những giới hạn con người muốn chinh phục, thể thao cũng cần đảm bảo sự an toàn cao nhất cho mọi VĐV, thay vì bắt họ đánh đổi thành tích bằng sức khỏe và tính mạng của bản thân.

Những bi kịch trong thể thao

Bóng đá:

Marc Vivien Foe 2003 - đau tim

Antonio Puerta 2007 - đau tim

Phil O'Donnell 2007 - đau tim

Tommy Blackstock 1907 - đột quỵ sau khi đánh đầu

John Thomson - vỡ sọ

Olympic:

Nicolae Berechet – võ sĩ quyền Anh, 1936, Berlin - ngộ độc máu

Knut Jensen – đua xe đạp, 1960, Rome - đột quỵ vì nắng nóng

Olympic mùa đông:

Ross Milne – trượt tuyết đổ đèo, 1964, Innsbruck - tai nạn trong lúc tập luyện

Kazimierz Kay-Skrzypecki – xe trượt băng, 1964, Innsbruck - tai nạn trong lúc tập luyện

Nicolas Bochatay – trượt tuyết tốc độ, 1992, Albertville - va chạm với máy tạo tuyết trong lúc tập luyện

Quyền anh:

Duk-koo Kim – qua đời sau trận so găng tranh đai WBA với Ray Mancini, 1982 – về sau các trận đấu giảm từ 15 hiệp xuống còn 12 hiệp

Johnny Owen - 1980 – qua đời sau khi bị Lupe Pintor hạ knockout

Xe đạp:

Fabio Casartelli - Tour de France 1995 - tai nạn trên dãy Pyrenees

F1:

Gilles Villeneuve - 1982 Bỉ GP - tai nạn ở vòng loại

Ayrton Senna - 1994 San Marino GP - tai nạn trên đường đua

Motor:

Dale Earnhardt, Daytona 500, 2001 - tai nạn Allan Simonsen, Le Mans 2013 - tai nạn

Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›