(Thethaovanhoa.vn) - Là người trợ lý được xem thân cận nhất của HLV Alfred Riedl, HLV Mai Đức Chung thấu hiểu tính cách của người đàn ông Áo mang trong mình quả thận Việt Nam này. Những câu chuyện ngày ấy không bao giờ quên được ông Chung chia sẻ cùng Thể thao & Văn hóa Cuối tuần.
- Đội tuyển Việt Nam: Bây giờ mới là thử thách thực sự!
- Đội tuyển Việt Nam tập ngay khi về khách sạn
- CẬP NHẬT tin tối 30/11: Đội tuyển Việt Nam 'đứng tim' vì máy bay rung lắc. Xabi Alonso mời Ronaldo sang Bayern
*Từng làm việc nhiều năm với HLV Alfred Riedl, để nói ngắn gọn về con người này, ông sẽ nói gì, thưa ông?
-Đó là một người rất giỏi về chuyên môn và có trái tim nhân hậu. Ông rất hòa nhã, cởi mở song làm việc thì lại rất nguyên tắc, phải có trước có sau, có trên có dưới. Vợ ông cũng vậy, cũng rất hòa đồng, cởi mở và vui vẻ. Hai vợ chồng coi Việt Nam như quê hương thứ hai vậy bởi một phần cơ thể trong ông mang dòng máu Việt.
*Về chuyên môn, những thành tích cùng các ĐT Việt Nam đã nói lên tất cả. Thế còn trái tim nhân hậu thì như thế nào nhỉ?
-Tôi muốn kể câu chuyện mà tôi không bao giờ quên về ông ấy. Khi ông ấy đi quảng cáo cho một hãng sản xuất nồi cơm điện, mọi người nói xì xầm ông thế này thế nọ nhưng ông âm thầm không nói gì mà ông đi quảng cáo để giúp đỡ cho người nghèo. Ông bảo tôi cùng anh Trọng Hiền là bác sĩ phải đi khảo sát trước, hỏi rõ bà con dân làng ai là người nghèo khổ và hoàn cảnh như thế nào để rồi ông đích thân trao tặng quà. Ông cũng dùng những đồng tiền đó giúp cô công nhân ở Nhổn đã nghỉ hưu, có con bị tàn tật. Số tiền kiếm được từ quảng cáo ông trao tặng hết cho người nghèo, gặp khó khăn chứ không giữ lại cho mình đồng nào cả. Ông ấy sống rất nhân đạo.
-Trong cuộc sống ông là người nhân hậu, song trong công việc, đó là người đàn ông hết mực nguyên tắc. Có lần ông đuổi cả tiền vệ Minh Hiếu (HN ACB cũ) chỉ vì phát biểu trên truyền thông làm ảnh hưởng đến đội bóng. Ông coi sự đoàn kết của tập thể rất cao. Khi họp đội mà cầu thủ nào có biểu hiện lơ đãng ông mời ra liền, không một chút do dự.
Sau bán tín là… rất tin
*Ngần ấy năm làm việc cùng ông Riedl, hẳn trong ông chất chứa rất nhiều kỷ niệm với người đồng nghiệp của mình?
-Năm 2007, khi ông ấy bị ốm, tìm được người thay thận rồi, ông quyết định về Áo để chữa thì gọi với tôi lên. Thời điểm đó chúng tôi làm việc với nhau đã nhiều năm, ông cũng đã tin tưởng và tôi cũng trải qua nhiều thử thách lắm rồi. Ông giao lại đội cho tôi để đá vòng loại Olympic Bắc Kinh song rất lo vì có sợ tôi truất ngôi HLV trưởng hay không. Ông cũng tâm sự nhiều lắm, rồi tôi bảo ông cứ yên tâm, ông về chữa bệnh thật tốt đi, khi nào khỏe sang đây tôi sẽ giao lại. Hiện tại, tôi sẽ cầm đội để hỗ trợ giúp ông. Khi đó ông mới vui vẻ, toàn tâm toàn ý về quê chữa bệnh.
Khi mới ghép thận xong, mặc dù đang nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn thường xuyên gọi sang hỏi thăm tình hình đội như thế nào. Sau đó, thành tích của chúng ta tương đối tốt khi có nhiều trận thắng liên tiếp. Ông chúc mừng tôi rồi khi sang Việt Nam, ông hỏi tôi xếp đội hình như thế nào mà tôi đọc báo nghe người ta ca ngợi nhiều lắm. Tôi giải thích con người với cách xây dựng thì là của ông còn tôi chỉ thay đổi một vài vị trí. Tôi bảo như vậy thìông bảo tốt.
*Nói như thế, ông Riedl chắc hẳn là người khó tính lắm?
-Không hẳn như vậy song ông là người đặt chữ tín lên hàng đầu. Trước khi giao nhiệm vụ cho bất kỳ ai, ông đều dò xét, thử và chỉ khi vượt qua thử thách thì ông mới giao phó.
Tôi nhớ ở SEA Games 1999 tại Brunei, đội chỉ tập buổi sáng còn buổi chiều đội được nghỉ. Buổi chiều có trận đấu giữa Thái Lan và Singapore thì ông bảo tôi đi xem trận đấu trực tiếp trên sân. Thế nhưng ông vẫn ở nhà xem trận đấu trên tivi. Trận tới đá với Thái Lan nên tôi được xử đi dò thám xem họ có những điểm mạnh nào, những vị trí nào tốt và lối đá như thế nào.
Tôi đi xem về thì ông bảo mời ông Chung vào đây nói cho tôi biết ở trận đấu vừa rồi. Lúc đó, cố danh thủ Tam Lang bảo với tôi rằng “Chung ơi ông ấy cũng ngồi xem đấy”. Thế rồi, tôi bảo lại chẳng có gì cả. Tôi ngồi báo cáo lại tất cả những gì ghi chép được từ đội Thái Lan thì ông ưng ý rồi bảo ngày mai tôi nhận xét trước đội y như những gì đã báo cáo hôm đó. Ông ấy thử tôi như vậy đó. Sống với ông tình cảm, thú vị và có tình người song ông cũng thử thách rất ghê.
*Trong những thời khắc khó khăn, ông Riedl thường làm gì để vượt qua nó?
-Trong lúc khó khăn thì ông luôn tạo không khí vui tươi, cười đùa cùng các thành viên. Ông cũng ra sút cầu môn cùng cầu thủ, trêu chọc thủ môn, ông làm cho tinh thần cầu thủ thoải mái chứ không hề căng thẳng. Ông khiến các thành viên cười đùa bằng những trò tếu táo. Chẳng hạn khi cầu thủ làm sai động tác thì ông giả vờ đưa nấm đấm song ông chỉ giơ tay rồi mặt ông cười. Những cú sút của cầu thủ đẹp mắt thì ông đến đập tay, giơ tay lên như chính bản thân mình ghi bàn.
*Thế còn về xây dựng lối chơi và tạo nên dấu ấn chiến thuật, ông Riedl hẳn phải có những điểm khác biệt, thưa ông?- Trước khi ông sắp xếp từng con người vào từng vị trí, ông cũng đã nhắm những ai đá tốt để đặt vào từng vị trí rồi. Sau đó, ông cho thi đấu tự do. Từ đó, ông mới lọc người rồi đưa ra từng vị trí cho từng người.
Chẳng hạn như Văn Sỹ, vị trí sở trường là tiền vệ biên nhưng có lúc ông xếp đá tiền vệ trụ. Trước khi sắp xếp đội hình thì ông có tập để mọi người có được cảm giác vị trí của mình chứ không phải xếp vào để đá ngay đâu. Ông có nghiên cứu của ông, trước khi đá lối đá gì, 5-3-2 hay 4-4-2 thì ông phải tập. Ông làm rất khoa học, xây dựng lối chơi rất đa dạng, linh hoạt. Khi có bóng ở biên rồi thì xuống biên được rất là tốt nhưng có những lúc chưa cần xuống biên thì giật vào trung lộ thì đối phương bất ngờ. Những bài tập rất là hay, mang tính thực tế, những miếng phối hợp đa dạng, áp dụng được cho tất cả cầu thủ chứ không hề máy móc.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Trong 3 lần dẫn dắt các ĐT Việt Nam, ông Mai Đức Chung đã sát cánh cùng HLV Riedl ở hai giai đoạn. Đó là giai đoạn đầu tiên khi HLV Riedl nắm quyền từ năm 1998-2001. Giai đoạn thứ 2 là năm 2005-2007. Dấu ấn đậm nét mà ông Mai Đức Chung cùng HLV Riedl có được chính là huy chương bạc Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Suzuki Cup), tấm vé lọt vào vòng loại thứ 3 Olympic năm 2007 và tứ kết Asian Cup 2007. “Ông Riedl rất chuyên nghiệp, trầm tĩnh, làm việc nghiêm túc, hết mình và hết sức nhạy bén. Ông chẳng khác nào người thầy, người cha của tôi”, Trần Công Minh, trợ lý cũ cũng là học trò cũ nói ngắn gọn về chiến lược gia người Áo. |
Trần Khánh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags