(Thethaovanhoa.vn) - Cơn giận của mọi cơn giận, như nhà báo của Guardian là Daniel Taylor đã gọi, xuất hiện khi Sir Alex Ferguson đối mặt báo chí vào tháng 12/2004, 2 ngày sau vụ đụng độ trong ngày Lễ tặng quà với Bolton khi Wayne Rooney tát vào mặt Tal Ben Haim.
- Man United ra sao nếu giờ này Alex Ferguson 60 tuổi?
- Xử Costa, Conte đã áp dụng triệt để 'thuyết cai trị' của Sir Alex Ferguson
- Sir Alex Ferguson đợi Ronaldo ở phòng thay đồ, chúc mừng 'con trai' đi vào lịch sử
Rooney thoát tội, nhưng vẫn đứng trước nguy cơ nhận một án phạt từ FA, và căng thẳng lên cao ở Carrington khi vấn đề đó được nêu ra với Ferguson. Ông bùng nổ trong cơn giận, đập bàn, quát tháo, và cáo buộc báo chí đang mở cuộc săn phù thủy với Rooney. “Thật ấn tượng khi thấy cảnh ông ấy nổi giận”, Taylor viết. “Chồm người ra khỏi ghế, cơ cổ căng lên, mắt lồi ra, chửi bới tục tằn”. Trong cơn thịnh nộ, Ferguson vung tay qua bàn và ném một chiếc máy ghi âm vào tường. “Cút”, ông nói. “Cuộc họp báo kết thúc. Các người đã khiến tôi nổi điên. Hay lắm!”
Trong tác phẩm của mình, Taylor còn kể lại vài câu chuyện nữa mà Ferguson làm cánh phóng viên phát khiếp. Hầu hết các nhà báo đều xếp “máy sấy tóc” ở rất cao trong danh sách những người phải đối phó thận trọng. Chỉ có vài người là ngoại lệ, những tay đã biết ông từ thời ở Scotland, cả thời thơ ấu tại Glasgow và sự nghiệp của ông ở East Stirlingshire, rồi St Mirren, và Aberdeen. Những nhà báo đó tin rằng Ferguson đã dễ chịu hơn nhiều. Hồi còn ở Scotland, ông tệ hơn hẳn.
Các cầu thủ ở Aberdeen cũng chia sẻ điều đó. “Lúc ông ấy 36, 37 tuổi thì không phải là máy sấy tóc”, Stuart Kennedy nói với Michael Grant trong cuốn Fergie Rises. “Đó là máy cắt cỏ. Tàn bạo. Giẫm đạp lên mọi cảm xúc, đó là Alex Ferguson. Những năm sau này ông mới giảm tông xuống thành máy sấy tóc”. Các cầu thủ gọi ông là “Chúa tể bóng tối” và “Fergie cuồng nộ”. Khi họ vào phòng thay đồ, Ferguson đã đứng sẵn ở cửa và nhìn thẳng vào mắt từng người. Trong phòng thay đồ, ông khiêu khích, dọa dẫm và nạt nộ họ. Đấm tay vào tường, quăng chai nước, ném máy nghe nhạc, thậm chí ném quần một cầu thủ lên đầu anh ta. Trong một dịp khác, Ferguson đạp một chiếc bàn uống cà-phê, khiến một cốc nước nóng rơi xuống và làm chính ông bị bỏng. “Ngay cả tôi cũng thấy sợ bởi cơn giận đến nhanh và rất dữ dội của mình”, ông nói.
Đó cũng chính là yếu tố then chốt khiến Ferguson khác biệt. Trong phim tài liệu Scotsport làm năm 1985, lúc mà vinh quang ở Aberdeen đã giúp Ferguson tới Anh, ông nói suy nghĩ của ông về người chiến thắng: “Tôi không phải là người giành danh hiệu khi còn là cầu thủ, không có danh hiệu lớn nào, nhưng tôi có khát khao chiến thắng… và tôi nghĩ tôi đã mang theo điều đó vào nghề HLV”.
Gordon Strachan nói ông chưa từng thấy một lòng quyết tâm như thế. Dù Ferguson làm gì, ông luôn phải chiến thắng. Khi ông còn mở quán rượu ở Glasgow, ông thách những ông già trong quán chơi domino. Ở East Stirlingshire, ông xỏ giày để tham gia tập với các cầu thủ, và sẽ bắt họ tập tới khi trời tối hẳn nếu thấy cần. “Ông ấy nóng tính, luôn la hét, chửi bới và không ngại động chân động tay”, tiền đạo Bobby McCulley nhớ lại. Ở Aberdeen, ông trở nên cáu bẳn tới mức các cầu thủ phải giả vờ thua ông khi chơi bi-a. “Đội bóng phản ánh HLV của họ và những gì họ tin tưởng”, Strachan kể nhiều thập niên sau. “St Mirren là một đội như thế, trẻ trung, cáu bẳn, phấn khích, và nguy hiểm”.
Ferguson lớn lên ở Govan, một quận của dân lao động nằm bên sông Clyde, ở Glasgow. Đó là một vùng nhộn nhịp, nơi tàu thuyền và cần cẩu tấp nập bên cạnh những căn nhà gạch, với những công nhân làm việc chăm chỉ tới tận hoàng hôn và sau đó giải trí trong những quán rượu khắp thị trấn. Nhà Ferguson sống ở một vùng như thế. Họ không có xe hơi, điện thoại, hay ti-vi, nhưng làm việc chăm chỉ. Mẹ ông, Elizabeth, làm trong một nhà máy kéo sợi kim loại. Cha ông, Alex, là thợ đóng tàu, làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, 60 tiếng mỗi tuần. Alex nghiêm khắc, thiếu kiên nhẫn, đòi hỏi, và nóng tính. Từ 6 giờ sáng, ông đánh thức con trai dậy và điều đó cực kỳ quan trọng: Ngay từ đầu, Ferguson đơn giản tin rằng cách duy nhất để tiến xa trong cuộc đời là làm việc cật lực.
Lớn tuổi hơn, Ferguson trở nên tinh quái hơn và dần học được sự khôn ngoan của đường phố. Ông không bao giờ nhượng bộ những kẻ bắt nạt, thà bị tẩn mềm người chứ không xin xỏ. Những trận đánh nhau từng khiến ông nhập viện, nhưng dần đám trẻ trong khu biết là đừng nên gây sự với ông. Trong cuốn tự truyện đầu tiên của ông, Managing My Life, ông nhớ lại có lần đi tới một khu chơi bi-a, năm ông 10-11 tuổi gì đó, rồi được một đám nhóc khác mời uống nước chanh. Hóa ra đó là nước tiểu. Ông suýt nôn ở đó. Một cậu bé bình thường sẽ phải nhịn mà về nhà, nhưng Ferguson đã thủ hai quả bi-a và một thanh gỗ, đợi khi đám trẻ kia không để ý, ném những quả bóng về phía họ “với tất cả sức lực”. Ferguson sau đó bỏ chạy, dùng thanh gỗ cài chặt cửa sau lưng.
Những lúc không đánh nhau, Ferguson chơi bóng đá ở các giải địa phương, thứ bóng đá còn nguyên chất bạo lực sơ khai của miền bắc đảo Anh. Đầu tiên ông chơi cho Harmony Row, nơi những vụ ẩu đả trên sân diễn ra như cơm bữa. 14 tuổi, ông chuyển sang Drumchapel Amateurs; rồi Queens Park, đội nghiệp dư hay nhất ở Scotland. Rất ương bướng, ông thường xuyên cãi cọ với HLV về chiến thuật và phương pháp huấn luyện. Ông rất bực khi phải chơi sai vị trí ở Queens Park trong trận ra mắt đội 1, tại Stanraer. Trận đấu trở thành một cơn ác mộng. Ông đá tiền đạo lùi, nhưng bắt đầu bên cánh phải, nơi ông đánh nhau với một hậu vệ trái tên là McNight. Ngay sau vài pha bóng mở màn, McNight cắn ông, ông choảng lại ngay. Ngày nay, đó là điều tồi tệ kinh khủng không thể chấp nhận. Nhưng đấy là bóng đá ở Scotland nhưng năm 1950, và vào giở nghỉ, Ferguson bị HLV Jackie Gardiner thay ra vì “không đủ quyết liệt”!
Một chiều thứ Bảy sau đó, Ferguson và bạn bè đi qua một đám cưới. Chỉ vì tình cờ, chú rể là McNight. Sau khi Ferguson kể lại mọi chuyện, họ quây McNight và đánh hội đồng ở ngay cửa vào nhà thờ. Một phụ nữ lớn tuổi sau đó xua họ đi, nhưng Ferguson và bạn bè vẫn kịp đứng lại hỏi: “Thằng chó, ai lại muốn cưới mày thế?”
Ở trường, Ferguson bỏ học, học kém, và nghỉ học hẳn năm 16 tuổi. Ông làm tập sự 5 năm trong một xưởng công nghiệp ở khu Hillington Industrial Estate, đi làm trên những chuyến xe buýt chật kín và ngợp trong khói thuốc lá. Khi các đồng nghiệp của ông dành thời gian rỗi trong quán rượu, ông chơi cho CLB mới St Johnstone, rời chỗ làm tới chỗ tập lúc 4 giờ chiều, về nhà lúc 1 giờ sáng và dậy lúc 6 giờ sáng. “Chỉ viết ra lịch trình đó thôi đã khiến tôi mệt nhoài rồi”, ông sau này nói.
St Johnstone khiến ông thấy hấp dẫn với đề nghị về một chỗ trong đội 1, nhưng Ferguson chỉ đá 10 phút trong mùa ra mắt. Tới năm thứ 4, ông đã chơi 50 trận. Rồi trong một trận cho đội dự bị, ông bị gãy mũi, vỡ xương má và rách lông mày. Ông phải đeo mặt nạ 6 tuần và khi trở lại, đội dự bị thua Celtic 1-10 và Kilmarnock 2-11. Tuyệt vọng và tan vỡ, ông làm giấy tờ di cư sang Canada, nơi gia đình cha ông đã sang sống và nơi những tay thợ có nghề như ông kiếm được khá hơn. Ông muốn một lối thoát.
Trận tiếp theo họ gặp đội dự bị Rangers. Ferguson không muốn đá và nói với bạn gái gọi cho HLV của ông, Bobby Brown, giả làm mẹ ông và nói ông bị ốm. Nhưng cha mẹ ông phát hiện ra. Cha ông nổi trận lôi đình vì ông nghĩ tới bỏ cuộc, và cả mẹ ông cũng la rầy. Brown cũng quát tháo qua điện thoại, bởi nhiều thành viên đội 1 quả thực bị ốm, lúc đấy vào tháng 12, và lệnh cho ông lên tập trung vào ngày hôm sau. Hôm đó, St Johnstone gặp Rangers ở Ibrox, nơi họ chưa bao giờ thắng, và Ferguson chơi trận đấu của cuộc đời. Ông lập một hat-trick mang về chiến thắng. Viết vào năm 1999, Ferguson vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích hợp lý cho “phép màu” đó, và thực sự tin rằng đấy là ơn trên: “Do tôi chưa bao giờ nghi ngờ về ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài mà chúng ta không biết được. Cuộc đời tôi đã thay đổi từ ngày hôm đó”.
Khi còn là cầu thủ, Ferguson nổi tiếng bởi năng lượng, sự can đảm, và dữ tợn của ông. Một người quan sát, theo lời Patrick Barclay trong cuốn tự truyện về Ferguson, Football - Bloody Hell!, mô tả ông là “kiểu tiền đạo truyền thống không tôn trọng một ai”. Ferguson chỉ trích đối thủ, trọng tài, và cả đồng đội. Một lần, ông đi từ đầu sân về cuối sân để quát tháo một đồng đội vì anh này chuyền sai, trong một trận giao hữu! Nhưng cơn thịnh nộ ghê gớm nhất là với các trung vệ đối phương. Ông bị đuổi khỏi sân 6 lần và nhận hàng loạt án treo giò vì các lỗi trả đũa. Ông tích cực thúc cùi chỏ vào đối phương, dù ông luôn nói đó là tai nạn. “Đó là một kẻ đáng sợ”, John Greig nói với Barclay. “Người ông ấy toàn da bọc xương, và những cú thúc cùi chỏ của ông ấy như lưỡi dao đâm vào người bạn”.
Hat-trick ở Ibrox giúp Ferguson kiếm được một hợp đồng ở Dunfermline với mức lương 28 bảng/tuần, đủ để ông bỏ việc công nhân và chơi bóng toàn thời gian. Ông cũng bắt đầu thấy đó có thể là một nghề nghiệp lâu dài. Ông nhanh chóng đăng ký lớp HLV đầu tiên, và tham gia hỗ trợ các vấn đề chiến thuật, thông tin, và thống kê trong đội. “Ông ấy học hỏi tích cực hơn rất nhiều người trong chúng tôi”, HLV Willie Cunningham nói với Barclay.
Dunfermline lẽ ra đã vô địch Scotland trong mùa đầu của ông, nhưng bỏ lỡ cơ hội khi để Kilmarnock và Hearts qua mặt. Nhiều người cho rằng Ferguson có trách nhiệm lớn. Khi họ gặp Celtic ở Cúp QG Scotland, Cunningham loại Ferguson. “Đồ khốn!” - Ferguson quát tháo với HLV trưởng, khi các đồng đội ngăn ông lại. Lúc đó bóng đá còn chưa có luật cho thay người, nên Ferguson ngồi ngoài chứng kiến đội nhà thua 2-3, trước khi nộp đơn xin được chuyển nhượng.
Kiểu tính khí đó rất điển hình với Ferguson. Ngay cả trong ngày đám cưới, ông cũng không giữ được bình tĩnh. Ngày 12/3/1966, ông kết hôn với Cathy Holding, và khi họ sắp chụp ảnh cưới, có người định đậu xe vào chỗ họ đã đặt. Ferguson la hét và đuổi theo gã đó. “Cathy giận tôi”, ông viết. “Ngày đầu mới cưới hay ho nhỉ, Alex”. Sau buổi chụp ảnh, Ferguson tới thẳng sân đá cho Hamilton Academical. Họ cũng chẳng có kỳ trăng mật: Ngày hôm sau, ông đã ở trong một khách sạn tại Dunblade chuẩn bị cho trận tứ kết Fairs Cup (được xem là tiền thân của Cúp C3) gặp Zaragoza.
Sau khi Cunningham từ chối để ông ra đi, Ferguson từ chối đá, và rốt cuộc ông chuyển sang Rangers. Jock Stein vừa đưa Celtic tới 2 danh hiệu liên tiếp, nên Rangers đang rất bực dọc, nhưng mùa đó Rangers tiến gần tới danh hiệu tới mức Stein đã (giả vờ) buông xuôi. Những tuyên bố của ông thật ra chỉ gây ra áp lực cho Rangers và Celtic lại qua mặt họ vào phút chót. Các CĐV Rangers nổi giận và vây lấy phòng thay đồ, đập cửa sổ và khiến các cầu thủ không dám ra ngoài nhiều tiếng liền. Khi Ferguson thoát vào trong một chiếc xe đợi bên ngoài, một CĐV đá vào bắp chân ông. “Tôi sẽ không bao giờ quên những dòng tít Jock đã tạo ra”, Ferguson viết. “Đó là một mẹo mà tôi sẽ nhớ mãi khi làm HLV”.
Mùa tiếp theo, HLV David White muốn đổi Ferguson lấy một tiền đạo khác, Colin Stein. Khi Ferguson từ chối ra đi, ông bị đẩy xuống đội dự bị. Sau này, trong một trận hiếm hoi được đá chính, ông để lọt người ông được phân công kèm dẫn tới bàn thắng của Celtic khiến Rangers thua trận chung kết Cúp QG. White thậm chí đẩy ông xuống đội trẻ. Ông không bao giờ quên cách mà Rangers đối xử với ông. “Hy vọng của tôi đã bị chôn sống ở đó”, ông viết.
Tháng 11/1969, Ferguson đành xuống chơi ở đội hạng Nhì Falkirk. Họ nhanh chóng thăng hạng. Ferguson tạo thành một cặp đôi lợi hại với Andy Roxburgh. Vài năm sau, ông muốn chuyển sang Hibs, nhưng HLV, lúc bấy giờ là Cunningham, cản trở bản hợp đồng đó. Lần này Ferguson không nhịn nữa, và họ đã choảng nhau trước khi mấy tay bác sĩ của đội kịp can thiệp.
Đến lúc đó, Ferguson đã xây dựng cho ông được lối tư duy chiến lược. Lớn tiếng và quả quyết, ông thường xuyên nghi ngờ Cunningham, người gọi ông là “sự phiền toái chó chết”. Nhưng mối quan hệ căng thẳng đó cũng ẩn giấu sự tôn trọng lẫn nhau, và Cunningham hẳn phải thấy gì đó khi mời Ferguson tham gia BHL của ông ngay từ khi ông còn là cầu thủ. Nhưng Ferguson không vì cương vị mới mà thay đổi trên sân: 1 tháng sau, ông bị đuổi khỏi sân ở trận gặp Aberdeen vì một phá đá nguội thô thiển. Đã mệt mỏi với những màn đấu võ đài của ông, LĐBĐ Scotland lần này treo giò ông 2 tháng. Khi Falkirk sa thải Cunningham, HLV mới của đội này John Prentice bán Ferguson cho Ayr.
Trước vụ chuyển nhượng đó, Ferguson đã định xin việc ở Falkirk. Ở Ayr, ông hiếm khi ra sân, và khi một đề nghị làm HLV tới từ East Stirlingshire ở hạng Nhì, ông nhận lời và giải nghệ nghề cầu thủ ở tuổi 32. East Stirlingshire chỉ đủ tiền trả cho Ferguson làm bán thời gian, đồng nghĩa ông phải làm một việc khác. Nên ông mở một quán rượu ở Govan. Dựa vào chút danh tiếng trong nghiệp cầu thủ, ông đặt tên quán rượu là “Fergie’s” và gọi phòng chính là “phòng cùi chỏ”. Quán rượu thu hút đủ hạng người: “sử gia, nhà thơ, bác sĩ, những kẻ lang thang, những kẻ sẽ thành triệu phú, những kẻ thích đánh nhau, những người yêu đương, những người nhiều mộng tưởng”. “Bạn nhiều khả năng không gặp Sylvester Stallone, Bruce Willis và Arnold Schwarzenegger trong quán của tôi”, ông viết. “Nhưng thỉnh thoảng sẽ gặp một gã có thể hạ cả ba tay đó cùng lúc”.
Đó là một cuộc đời sôi động và không phải lúc nào cũng an toàn. Xuất hiện những tin tức nói quán ông liên quan tới một vụ trộm số rượu whisky trị giá 40.000 bảng. Một ngày khi đang trên sân tập, người trợ lý bán quán của Ferguson, George Hope, gọi tới và nói có người đến quán mang theo một khẩu súng. Khi cảnh sát đến thì kẻ đó đã đi. Hope tả lại gã đó cho cảnh sát, và họ nhanh chóng nhận ra đó là tay tội phạm khét tiếng nhất ở đông Glasgow. Hóa ra trước đó gã đã bắn chết một người và đang trên đường trốn chạy. Hope nhận ra ông là nhân chứng duy nhất của vụ việc, và bỏ xứ đi ngay lập tức. “Tôi nghĩ ông ấy đã chạy sang xứ Wales”, Ferguson viết. “Tôi mà là ông ấy, tôi đã chạy tới tận Tristan da Cunha (một hòn đảo chỉ có không tới 300 người ở), vùng lãnh thổ thuộc Anh ở Nam Đại Tây Dương)”.
Trần Trọng
Dịch từ Time on the ball
Tags