Tờ The Sun (Anh) nhận định, Trung Quốc là nơi có luật bản quyền lỏng lẻo, thường kiếm bộn tiền từ việc sao chép ý tưởng. Nhưng giờ đây, quốc gia 1,4 tỷ dân này còn đang sao chép rất nhiều công trình nổi tiếng từ các thành phố nước ngoài.
Trong những năm qua, "phiên bản giả, kém chất lượng" của các công trình nổi tiếng thế giới xuất hiện ở nhiều thành phố cấp ba và cấp bốn của Trung Quốc.
Được xây dựng vào năm 2012, bản sao của Cầu tháp London ở một thành phố của Trung Quốc đã được ca ngợi là còn "hoành tráng hơn" so với bản gốc. Công trình sao chép, được xây dựng bắc qua một con sông ở thành phố Tô Châu (tỉnh Giang Tô), cao 40m và mang hình ảnh của cây cầu nổi tiếng ở thủ đô nước Anh. Không giống như Cầu tháp London, cầu tháp “nhái” có 4 tòa tháp thay vì 2 như bản gốc, cho phép một làn đường đôi chạy qua bên dưới.
Nhưng đó không phải là ví dụ duy nhất về kiến trúc Anh được sao chép ở Trung Quốc. Thị trấn Thames, ở quận Tùng Giang gần Thượng Hải, được hoàn thành với những con đường rải sỏi, những ngôi nhà thời Victoria và quán rượu ở góc phố. Thị trấn thậm chí còn có một hội trường thời trung cổ và một bức tượng của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Và khu đô thị Thiên Đô Thành - được xây dựng ở thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) - tự hào có Tháp Eiffel cao 108m của riêng mình. Kiến trúc và cảnh quan của khu đô thị bắt chước phong cách Paris, và cũng có một bản sao Kim tự tháp bằng kính trong Bảo tàng Louvre của Paris.
Một bản sao của con tàu Titanic cũng đang được xây dựng ở tỉnh Tứ Xuyên. Bản sao này được cho là một phần của một địa danh du lịch mới, nhưng nó đã bị rỉ sét trong 8 năm qua. Tập đoàn đầu tư Seven Star Energy đứng sau dự án cho biết, con tàu sẽ được neo đậu vĩnh viễn trong một hồ chứa.
Theo tờ The Sun, Trung Quốc cũng là quê hương của công trình "nhái" Nhà hát Opera Sydney và Cầu cảng Sydney mang tính biểu tượng.
Ở thành phố Trừ Châu (tỉnh An Huy), Tượng nhân sư khổng lồ ở Giza (Ai Cập) được đổ bằng bê tông sừng sững trong một công viên giải trí chưa hoàn thành.
Và một mô hình Đền Parthenon của Athens cũng đã được xây dựng tại một công viên giải trí ở thành phố Lan Châu (tỉnh Cam Túc), và Khải hoàn môn (Pháp) nằm ở độ cao hơn 10m ở huyện Khương Yển (thành phố Thái Châu, tỉnh Giang Tô).
Trong khi đó, Đấu trường La Mã ở Ma Cao có sức chứa 2.000 người và là nơi tổ chức hòa nhạc ngoài trời.
Lấy cảm hứng từ Điện Kremlin ở Moskva, một khu phức hợp mái vòm màu vàng ở Bắc Kinh có một số văn phòng chính phủ - và chi phí xây dựng lên tới 3,5 triệu USD.
Như “một thoáng nước Ý”, làng Florentia ở quận Võ Thanh (thành phố Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc) đã lấp đầy khoảng 200.000 m2 cánh đồng ngô trước đây bằng những cây cầu và kiến trúc kiểu Ý. Nơi đây thậm chí còn có một con kênh lớn chảy qua.
Trung Quốc cũng đã xây dựng một cộng đồng Hallstatt trị giá 940 triệu USD ở thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông), sao chép thiết kế của ngôi làng hàng trăm năm tuổi ở Áo.
Và cách xa công trình gốc hơn 8.000 km, có một Tháp nghiêng Pisa ở Thượng Hải.
Các thiết kế "lớn, ngoại lai và kỳ quái" cần được hạn chế
Theo tờ The Sun, vào năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế các bản sao của kiến trúc nước ngoài để thúc đẩy thiết kế địa phương. Một tuyên bố của chính phủ nước này cho biết, các thiết kế "ăn cắp ý tưởng, bắt chước và sao chép" hiện bị cấm tại các địa điểm công cộng mới. Tuyên bố cũng cho biết, các thiết kế "lớn, ngoại lai và kỳ quái" cần được hạn chế.
Tờ The Sun nhận định, không rõ điều gì sẽ xảy ra với các công trình giả mạo hiện có - nhưng chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ có "các cuộc thanh tra cấp thành phố".
Các nhà chức trách kêu gọi một "kỷ nguyên mới" của kiến trúc để "củng cố niềm tin văn hóa, thể hiện các nét đặc trưng của thành phố, thể hiện tinh thần đương đại và thể hiện các đặc điểm của Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo tờ The Sun, Trung Quốc cũng không phải là quốc gia duy nhất sao chép các kiến trúc nước ngoài. Thái Lan cũng có những địa danh bắt chước vùng nông thôn nước Ý và những ngôi làng quyến rũ của nước Anh.