- Trào lưu QuitTok nở rộ sau khủng hoảng nghỉ việc: Khi người trẻ thỏa mãn bản thân bằng cách biến đơn xin nghỉ thành video triệu view
- Tháng kiếm gần 100 triệu, tháng không có đồng nào: Tiêu tiền kiểu gì khi nghỉ việc làm freelancer?
- Thạc sĩ danh tiếng nộp 150 hồ sơ xin việc nhưng không có hồi âm, nhắn nhủ: ‘Nếu bạn đang có một công việc không tồi, đừng cứ hở ra là muốn nghỉ việc!’
Không chuẩn bị cẩn thận trước khi nghỉ việc có thể khiến bạn rơi vào loạt áp lực tài chính.
Có một khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa sự nghiệp là điều đang ngày càng phổ biến. Bởi vì khối lượng công việc quá nhiều, kiệt sức hoặc chỉ đơn giản là muốn điều chỉnh lại sự nghiệp cá nhân, nhiều bạn trẻ đã dành cho bản thân một khoảng thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị cho những bước tiến mới.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, họ cũng đã phải đối diện với những vấn đề mà quãng thời gian nghỉ việc đem lại, đặc biệt là câu chuyện tiền bạc.
30 tuổi vẫn ở nhà bố mẹ nuôi
Khánh Ly (30 tuổi) hiện đã thất nghiệp khoảng 2 năm, trước đó làm trong lĩnh vực du lịch. Thời điểm Khánh Ly nghỉ việc là do hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch hoàn toàn đóng băng. Bởi vì bất ngờ rơi vào cảnh phải thất nghiệp, Khánh Ly chưa có nhiều sự chuẩn bị. “Lúc đó mình có khoảng vài chục triệu đồng tiết kiệm phòng thân. Sau chỉ tầm nửa năm, dù chi tiêu rất tiết kiệm nhưng mình đã tiêu hết số tiền này. Sau đó, mình chỉ có thể về quê ở cùng bố mẹ để đợi hết dịch”.
Thời gian dài thất nghiệp rất khó khăn với Khánh Ly về mọi mặt. Việc không có thu nhập về mặt tài chính là một chuyện nhưng khó hơn nữa là tinh thần, tâm trạng rất hoang mang, lo lắng, mơ hồ. “Ba mẹ vẫn hỗ trợ và nuôi mình, dù giải quyết được khó khăn về vật chất nhưng về tinh thần thì chỉ càng khiến mình thấy chật vật thêm. Ở độ tuổi này mà thu nhập không có, vẫn phải nhận sự trợ giúp của gia đình khiến mình cũng ngại khi gặp bạn bè”.
Bên cạnh đó, thu nhập gần như không có nên Khánh Ly phải cắt giảm chi tiêu tối đa. Cô không có các cuộc đi chơi, đi ăn hay mua quần áo, đồ mỹ phẩm mới, có thể nói toàn bộ chi tiêu rút gọn xuống còn đồ thiết yếu và tiền ăn. Trong thời gian đầu, vẫn còn tiền tiết kiệm, Khánh Ly cũng chi tiêu tối thiểu như vậy để cầm cự. “Hoàn cảnh của mình là nghỉ việc do lý do khách quan nên không thể nói là hối hận hay không. Thế nhưng mình vẫn hơi hối tiếc vì đã thất nghiệp quá lâu nên khi bắt đầu tìm việc lại sẽ rất khó khăn”.
Tiêu hết tiền tiết kiệm mới bắt đầu đi làm
Minh Thu (27 tuổi) đã có một khoảng nghỉ ngơi 6 tháng vào năm 2022 trước khi tìm công việc mới. “Lúc đó, phòng mình thuộc diện cắt giảm nhân sự của công ty. Công việc khi ấy cũng quá căng thẳng, mình thường xuyên bị kiệt sức. Do vậy, mình đã dự định nghỉ 2 tháng trước khi đi tìm những công việc mới”.
Tuy nhiên, vì lúc đó đã 26 tuổi, cô bạn mong muốn kiếm được một công việc gắn bó lâu dài, quá trình tìm việc trở nên chông gai hơn. Rất khó để tìm một công việc để có thể đáp ứng những tiêu chí của Minh Thu về thu nhập, thời gian, danh tiếng cũng như khối lượng công việc. Vì vậy, cho đến khi tiêu sạch tiền tiết kiệm, cô bạn mới quyết định đi làm với lời đề nghị tốt nhất chứ chưa thật sự phù hợp với tiêu chí cá nhân.
“Trước khi nghỉ việc mình có khoảng 80 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian đầu mình đã đi du lịch Đà Lạt và Thái Lan, do vậy tiền tiết kiệm chỉ còn khoảng 55 triệu đồng. Con số đó chỉ đủ cho mình sống trong 6 tháng, sau đó mình bắt buộc phải đi làm vì không còn tiền để trang trải chi phí sinh hoạt”.
Minh Thu chia sẻ rằng vốn dĩ trước đó khi có nguồn thu nhập đều đặn, cô bạn gần như không quá quan tâm đến số tiền bản thân đã chi tiêu hàng tháng. Minh Thu đã rất sốc khi nhận ra mức sống của bản thân rơi vào khoảng 9-10 triệu/ tháng. “Mình không nghĩ bản thân chi tiêu nhiều như vậy. Thậm chí đó là thời gian nghỉ việc, mình có những cuộc đi ăn uống xã giao với bạn bè hay đi ăn ngoài vào buổi sáng và trưa. Điều này đã khiến mình bất ngờ vì mất kiểm soát trong tài chính của bản thân. Mình đinh ninh rằng có thể sống 9-10 tháng thất nghiệp nhờ khoản tiết kiệm”.
Bây giờ khi đi làm trở lại, để tránh rơi vào những tình trạng mất kiểm soát về tài chính như thời gian thất nghiệp, Minh Thu đã chăm chỉ ghi chép lại các khoản chi hàng tháng. Điều này giúp cô bạn phân biệt được khoản chi cần tiết kiệm và khoản chi phù hợp. Minh Thu cũng dần lấy lại quyền kiểm soát chi tiêu và đầu tư nhiều hơn vào bản thân.
Cảm giác không có thu nhập rất áp lực
Vân Anh (24 tuổi) đã nghỉ việc đầu năm nay vì quá kiệt sức trước tần suất công việc quá nhiều, thường xuyên phải có mặt kể cả ngày nghỉ. Thế nên Vân Anh đã quyết định nghỉ ngơi vài tháng trước khi quay lại thị trường lao động.
“Sau vài tuần háo hức nghỉ ngơi đầu tiên, mình đã bắt đầu cảm thấy khá bất an. Bởi vì từ khi chưa ra trường, mình đã đi làm và có thu nhập đều đặn hàng tháng. Bỗng dưng không còn nguồn thu nữa khiến mình rất hụt hẫng. Mình cảm thấy bất an dù vẫn còn tiền tiết kiệm”.
Vân Anh chia sẻ rằng dù bản thân đã có những chuẩn bị từ trước kể cả về mặt tài chính, tài khoản tiền tiết kiệm đủ sống trong 12 tháng nhưng đây vẫn là khoảng thời gian vô cùng bất an. “Nếu nói rằng mình không đủ tiền để sống thì không phải. Tài chính của mình vẫn khá vững mạnh, bên cạnh đó, gia đình luôn sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, trong thời điểm sa thải hàng loạt và rất khó kiếm việc như bây giờ, viễn cảnh xấu nhất là thất nghiệp một năm khiến mình cảm thấy áp lực”.
Cô bạn không nghĩ rằng bản thân lại từ áp lực công việc chuyển sang áp lực tài chính. Điều này nằm ngoài sự chuẩn bị về mặt tâm lý của Vân Anh. Cô bạn cho rằng bất kỳ ai chuẩn bị nghỉ việc cũng cần nghĩ và dự đoán trước trạng thái tâm lý khi không còn thu nhập. Bởi vì không phải ai cũng có thể vượt qua cú sốc này, đôi lúc điều này có thể còn tệ hơn cả kiệt sức khi làm việc.
“Tất nhiên, cảm xúc này tồn tại không quá lâu. Dần dần mình tự điều chỉnh lại bản thân, cũng như cắt giảm các chi tiêu không cần thiết để chắc chắn rằng bản thân vẫn có thể sống được nhờ tiền tiết kiệm mà không phải nhờ vả ai. Mình cũng không hối hận vì đã thất nghiệp chủ động. Tuy nhiên, mọi người nên nghĩ trước về chuyện này để không bị mất phương hướng khi nghỉ việc”.
Tags