(Thethaovanhoa.vn) - Sự bất ngờ luôn là một vẻ đẹp của thể thao. Và sau 2 tuần tranh tài, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 đã chứng kiến không ít những cú sốc khó tin.
Hãy cùng Thể thao & Văn hóa nhìn lại 5 cú sốc được cho là lớn nhất tại Olympic mùa đông 2022.
Nước mắt Valieva
Kamila Valieva có lẽ là cái tên được quan tâm nhiều nhất ở Thế vận hội mùa đông năm nay. “Thần đồng trượt băng” 15 tuổi người Nga là người hùng trong tấm huy chương vàng đồng đội của đội tuyển Nga, đặc biệt là với cú xoay 4 vòng trên không độc nhất vô nhị. Valieva cũng gây chú ý bởi dù có xét nghiệm dương tính với doping, nhưng cô vẫn đủ điều kiện thi đấu sau khi Tòa án trọng tài thể thao (CAS) đưa ra phán quyết cuối cùng.
Nhưng rốt cuộc, ở nội dung được đánh giá cao nhất là biểu diễn tự do nữ, Valieva đã có một màn trình diễn thảm họa, với những cú ngã khó tin. Kết quả, Valieva chỉ giành được 141,93 điểm, và với tổng điểm 224,09, cô chỉ đứng thứ 4 chung cuộc, sau hai đồng hương là Anna Scherbakova (255,95), Alexandra Trucova (251,73), và nữ VĐV người Nhật Bản Kaori Sakamoto (233,3). Sau cuộc thi, Valieva đã bật khóc vì thất vọng với chính mình.
Trái với Valieva, Scherbakova đã thể hiện khả năng tiếp sàn tuyệt vời và di chuyển mềm mại, trong khi Trusova cũng có 5 cú xoay trên không để mang về tấm HCB. Nhưng hưởng lợi cụ thể nhất từ sự sa sút khó tin của Valieva là Sakamoto, người trước đó đã tự nhủ rằng thật khó để có tên trên bục podium.
Mikaela Shiffrin thất bại thảm hại
Nếu như cú ngã của Valieva không phải bất ngờ lớn nhất ở Thế vận hội mùa đông, thì hẳn vị trí đó thuộc về thất bại của Mikaela Shiffrin – một trong những tên tuổi lớn nhất trong lịch sử môn trượt tuyết - ở cả ba nội dung mà cô tham dự tại Bắc Kinh 2022.
Đầu tiên, Shiffrin bị văng ra ngoài ở cổng thứ 5 của nội dung giant slalom (trượt tuyết đổ đèo như slalom nhưng ít cổng hơn, lượt rẽ rộng hơn, và tốc độ cao hơn). Sau đó, khi mà tất cả nghĩ rằng Shiffrin sẽ lấy lại danh tiếng của mình ở nội dung slalom thì cô tiếp tục bị trượt ra ngoài chỉ sau vài cổng. Cuối cùng, ở nội dung kết hợp slalom và alpine, dù khởi đầu ấn tượng với những pha đổ dốc tốc độ, nhưng rồi Shiffrin lại bị ngã đúng vào cuối chặng đua. Và đó là cơ hội cuối cùng để VĐV người Mỹ này giành huy chương cá nhân ở Thế vận hội mùa đông 2022. Shiffrin, sinh năm 1995, từng giành 2 HCV và 1 HCB ở các nội dung slalom và giant slalom tại Thế vận hội Sochi 2014 và Pyeongchang 2018. Màn trình diễn của Shiffrin ở Bắc Kinh cực thất vọng nếu biết rằng cô chỉ có 2 lần không hoàn thành cuộc đua trong vòng 4 năm qua.
Slovakia loại Mỹ ở môn hockey trên băng
Chưa từng giành huy chương trong 7 lần tham dự Thế vận hội trước đây, đội tuyển hockey trên băng Slovakia không được đánh giá cao trước giải. Thế nhưng sau khi đè bẹp Đức 4-0 ở trận play-off, họ tiếp tục gây sốc khi loại Mỹ, đội tuyển từng 2 lần vô địch Olympic (11 huy chương tổng cộng) và 2 lần vô địch thế giới, ở vòng tứ kết.
Ở trận đấu này, Mỹ gần như đã đặt chân vào bán kết sau khi dẫn 2-1 đến tận cuối trận, nhưng Slovakia đã đẩy nốt cả thủ môn lên tấn công, và trong thế 6 đánh 5, họ đã ghi được bàn gỡ hòa 2-2 đúng thời khắc cuối cùng nhờ công Marek Hrivik. Trong thời gian hiệp phụ, hai đội không ghi thêm bàn thắng nào. Và ở loạt luân lưu, thủ thành đánh thành công quả quyết định duy nhất, trong khi thủ môn Patrik Rybar cản phá cả 5 cú đánh của các cầu thủ Mỹ.
Dù đã thua Phần Lan, đội sau đó vô địch, với tỷ số 0-2 nhưng sau đó, Slovakia tiếp tục xuất sắc đè bẹp Thụy Điển 4-0 để giành tấm huy chương Olympic đầu tiên.
Mỹ thắng Trung Quốc ở môn trượt tuyết nhảy xa hỗn hợp
Việc Mỹ giành huy chương vàng ở nội dung trượt tuyết nhảy xa hỗn hợp khiến tất cả đều ngạc nhiên. Đây là nội dung lần đầu góp mặt ở Thế vận hội mùa đông và đội chủ nhà Trung Quốc được coi là ứng viên số một. Tuy nhiên, đội tuyển Mỹ đã chiến thắng nhờ sự đồng đều của các thành viên.
Chris Lillis, người từng về nhì ở giải vô địch thế giới hồi năm ngoái đã hoàn tất một cú nhảy kỳ diệu với 5 cú xoay người (twisst) và ba cú lộn vòng (flip) để ghi 135 điểm ở trận chung kết. Ashley Caldwell và Justin Schoenefeld cũng rất xuất sắc với số điểm lần lượt là 104,31 và 124,43. Trái lại, niềm hy vọng Jia Zongyang lại mất điểm vì một pha tiếp đất hỏng. Ở lượt cuối, Trung Quốc cần ghi 136,29 điểm thì mới vô địch, nhưng Qi Guangpu chỉ mang về 122,17 điểm. Đây là HCV đầu tiên của Mỹ ở nội dung này kể từ năm 2010.
24 giờ “điên rồ” của đội tuyển curling Úc
Đội tuyển curling đôi nam nữ Úc đã trải qua 24 giờ “điên rồ” thực sự. Ban đầu, Tahli Gill và Dean Hewitt nghĩ rằng họ sẽ phải về nhà sau khi Gill dương tính với Covid-19. Nhưng 15 phút trước 2 trận cuối vòng bảng, họ đã được các chuyên gia y tế thông báo đủ điều kiện thi đấu.
Đây là một quyết định đặc biệt quan trọng vì Gill/Hewitt là đội tuyển đầu tiên của Úc giành vé dự Olympic. Không ngạc nhiên khi họ thua 7 trận liên tiếp, nhưng sau đó lại gây sốc liên tiếp bằng hai trận thắng kể từ sau quyết định trên. Thứ nhất là chiến thắng đầu tiên trong lịch sử curling Úc khi họ hạ Thụy Sĩ, và thứ hai là cơn địa chấn khi bộ đôi này đánh bại đương kim vô địch Canada. Đặc biệt, HLV giúp Gill/Hewitt giành vé dự Olympic là John Morris, một người… Canada.
Na Uy lần thứ 8 vô địch toàn đoàn Ngày thi đấu cuối cùng của Thế vận hội mùa đông chứng kiến tấm huy chương vàng thứ 16 của đoàn thể thao Na Uy, giúp họ vô địch toàn đoàn đầy thuyết phục. Người giành tấm HCV thứ 16 cho đoàn Na Uy là Therese Johaug ở nội dung trượt tuyết băng đồng 30km nữ tự do sau khi cô cán đích trước người thứ nhì Jessi Diggíns (Mỹ) 1 phút 43 giây 3. Không chỉ giành nhiều HCV nhất (16 – kỷ lục ở một kỳ TVH mùa đông), Na Uy còn là đoàn giành nhiều huy chương nhất (37). Đây là lần thứ hai liên tiếp, và là lần thứ 9 Na Uy chiến thắng tại các kỳ TVH mùa đông, bỏ xa những đoàn kế tiếp như Liên Xô (7), Đức (3), Nga (2), Mỹ, Thụy Điển, Tây Đức, và Canada (mỗi đoàn 1 lần). Xếp thứ nhì ở Thế vận hội mùa đông 2022 là đoàn Đức với 12 HCV trong tổng số 27 huy chương. Với 9 HCV, Trung Quốc đã có màn trình diễn tốt nhất trong lịch sử tham dự Olympic mùa đông, và họ đứng ở vị trí thứ ba trên bảng tổng sắp huy chương. Trong khi đó, dù đứng thứ nhì về tổng số huy chương (32), nhưng đoàn ROC (Nga) chỉ đứng thứ 9 trên bảng tổng sắp do chỉ giành 6 HCV. Canada cũng gây thất vọng khi chỉ giành 4 HCV trên tổng số 26 HCV, và lần đầu tiên sau 34 năm xếp ở ngoài Top 10. |
Phương Chi (Tổng hợp)
Tags