(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng Angela Merkel và Chính phủ Đức đã kết thúc nhiệm kỳ công tác. Rời chính trường sau 16 năm lèo lái "con thuyền" nước Đức, “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” đã ghi nhiều dấu ấn thành công cả về đối nội và đối ngoại.
Nhiều thành tích đối nội
Đúng một tháng sau ngày bầu cử Quốc hội Liên bang, chiều 26/10, tại Cung điện Bellevue ở Berlin, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ công tác cho Thủ tướng Merkel và các thành viên trong nội các.
Theo quy định của Hiến pháp Đức, chính phủ đương nhiệm sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ sau phiên họp đầu tiên của Quốc hội liên bang Đức khóa 20 diễn ra ngày 26/10 và Tổng thống liên bang sẽ trao các quyết định kết thúc nhiệm kỳ cho Thủ tướng và các thành viên chính phủ. Tuy nhiên, do chính phủ mới chưa được thành lập nên Tổng thống Steinmeier đề nghị Thủ tướng Merkel tiếp tục đảm nhiệm cương vị cho tới khi Thủ tướng mới được bầu.
Angela Merkel là người phụ nữ đầu tiên ra tranh cử vào vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước. Mặc dù không phải là gương mặt mới trong chính trường khi đã hai lần làm bộ trưởng, bà vẫn đại diện cho sự thay đổi của những người thuộc phe bảo thủ dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Helmut Kohl. Đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 18-9-2005.
Một tháng sau đó, bà được chọn là lãnh đạo của chính phủ liên minh với Đảng Dân chủ xã hội (SPD). Ở tuổi 51, bà là thủ tướng trẻ nhất lịch sử Đức. Từ đó đến nay, bà đã trải qua 4 nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Đức, dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng và những giai đoạn khó khăn nhất, giành được sự tin tưởng lớn của người dân Đức.
Một trong những thành tựu quan trọng nhất của Thủ tướng Merkel là tạo nên sự hùng mạnh của nền kinh tế Đức. Trong 10 năm liên tiếp từ 2009 đến 2019 kinh tế Đức luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao, tỷ lệ việc làm cao, tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp kỷ lục. “Bức tranh” sáng về kinh tế đã cho phép các doanh nghiệp phân phối lợi nhuận kỷ lục và làm gia tăng ngân sách nhà nước.
Năm 2020, mặc dù GDP của Đức bị giảm trước tác động của đại dịch COVID-19, nhưng hiện Đức chiếm 40% tổng sản lượng công nghiệp trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Có lẽ thời điểm quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Merkel là vào năm 2015 khi Đức đối mặt với vấn đề nhập cư từ hơn 1 triệu người tị nạn chiến tranh từ Syria và các nước láng giềng Trung Đông khác. Mặc dù bị chỉ trích từ nhiều nhóm cực hữu và cực đoan ở Đức, bà Merkel vẫn giữ vững lập trường và cấp phép cho hàng trăm ngàn đơn xin tị nạn. Quyết định của bà không đóng cửa biên giới đối với hơn một triệu người di cư được đánh giá đã giúp tránh được một thảm họa nhân đạo ở châu Âu.
Vào thời điểm thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế mang tính lịch sử mang tên đại dịch COVID-19, trong suốt những tuần kể từ đại dịch bắt đầu càn quét nước Đức, nữ Thủ tướng Đức đã thể hiện những cá tính đặc trưng của mình để dẫn dắt đất nước trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Sớm khoanh vùng và phong tỏa đúng khu vực có dịch, tích cực xét nghiệm và truy vết các trường hợp nhiễm virus. Dù chưa thể đánh bại đại dịch, Đức vẫn được đánh giá là khá thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 và đa số người Đức vẫn ủng hộ sự lãnh đạo của bà Merkel trong thời kỳ đại dịch.
Trong nhiệm kỳ cuối, Thủ tướng Merkel phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn, không chỉ sự bùng phát đại dịch COVID-19 mà còn sự phân cực ngày càng lớn trong xã hội Đức, những căng thẳng lớn trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Merkel và sự điều hành của các thành viên chính phủ, nước Đức đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, được cả thế giới ghi nhận.
Di sản đối ngoại đồ sộ
Trong hành trình 16 năm trên cương vị Thủ tướng, bà Angela Merkel cũng đã ghi đậm dấu ấn là một nữ chính trị gia quyền lực, có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ với riêng nước Đức mà còn với cả EU. Ngay từ những ngày đầu, dường như bà đã tự mình định hình cách tiếp cận của chính phủ đối với chính sách đối ngoại, duy trì chính sách đối ngoại của các chính phủ tiền nhiệm: khách quan, tổ chức tốt, thỏa thuận tốt với tất cả các bên nếu có thể, trong đó luôn hướng tới lợi ích kinh tế toàn cầu của Đức. Từ đó đến nay, Thủ tướng Merkel đã “chèo lái” nước Đức và châu Âu vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng, đưa uy tín và ảnh hưởng của Berlin trên trường quốc tế ngày càng tăng.
Trên cương vị người đứng đầu nền kinh tế đầu tàu của EU, bà Merkel đã thể hiện bản lĩnh và vai trò quan trọng của mình, đưa EU vượt qua những thời điểm khó khăn, gắn kết EU thông qua các cuộc đàm phán nội khối. Đứng trước những khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng đồng Euro vào cuối năm 2009, một trong những biểu tượng quyền lực nhất của sự thống nhất châu Âu, bà Merkel cảnh báo: “Nếu đồng Euro sụp đổ, thì châu Âu cũng sụp đổ theo”.
Dưới sự điều hành của bà Merkel, Đức, đầu tàu kinh tế EU, đã đảm nhận vai trò lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh Chính phủ Berlin vừa buộc phải áp đặt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, vừa phải thực hiện cải cách, đồng thời áp dụng chính sách cứng rắn đối với các quốc gia mắc nợ. Song song các biện pháp trên, Đức đã thông qua gói viện trợ mở rộng của châu Âu. Khi đó, trách nhiệm pháp lý của Đức đối với các khoản nợ của các quốc gia khác ngày càng lớn.
Thực tế cho thấy, nhìn chung các nước còn lại trong EU đều chấp nhận vai trò lãnh đạo mới của Đức, lý do là vì cách cư xử tế nhị và khéo léo của bà Merkel. Khi đó, bà kết hợp “văn hóa kiềm chế” với “văn hóa trách nhiệm”, đúng như nhận định của nhà nghiên cứu chính trị Johannes Varwick thuộc Đại học Halle đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông DW.
Trong giai đoạn 2017-2021, nước Đức và cả thế giới chứng kiến nhiều nỗ lực mà bà Merkel mang lại. Bà Merkel cũng được biết đến với danh hiệu “Thủ tướng khí hậu” vì luôn kiên trì đàm phán với lãnh đạo các quốc gia khác về vấn đề khí hậu. Bà từng khẳng định trong một hội nghị thượng đỉnh của G20 rằng việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu luôn là một ưu tiên của châu Âu. Theo bà, Hiệp định Paris là là “không thể đảo ngược và không thể đàm phán” và điều quan trọng là phải hành động một cách quyết đoán ngay từ bây giờ cũng như trong những năm tới đây, vì bảo vệ khí hậu chính là bảo tồn môi trường sống và sinh kế của loài người, không chỉ thế hệ hiện tại mà còn các thế hệ tương lai trên toàn thế giới.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và tấn công châu Âu vào năm 2020, trên cương vị chủ tịch luân phiên EU từ 1/7, bà Merkel đã “kể câu chuyện thành công” của nước Đức và nỗ lực hết sức đưa EU thoát khỏi đại dịch.
Trong khi đó, chính sách đối ngoại cởi mở của Đức đã gặt hái được nhiều kết quả, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Bà Merkel thường xuyên công du Trung Quốc và trao đổi thương mại của Đức với Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Đức vẫn tăng 3%, đạt hơn 212 tỷ euro, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một của Đức 5 năm liên tiếp.
- Dấu ấn của 'người phụ nữ quyền lực' Angela Merkel
- Thủ tướng Angela Merkel và Chính phủ Đức kết thúc nhiệm kỳ
- Uy tín Thủ tướng Đức Angela Merkel tăng mạnh sau 16 năm cầm quyền
Bà Merkel cũng có khả năng “phi thường” trong việc gắn kết châu Âu và kết nối các bên xung đột đối thoại. Khả năng này đã được chứng minh khi bà nhiều lần nỗ lực hòa giải cho cuộc xung đột Ukraine-Nga, cũng như xử lý nhanh chóng những mâu thuẫn liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt của Nga tới Đức, vốn bị Mỹ và một số nước Đông Âu phản đối. Bà cũng duy trì được mối quan hệ vừa là đối tác, vừa là đối thủ giữa Đức và Nga trên cơ sở “đôi bên cùng có lợi.”
Trong quan hệ với Mỹ, là Thủ tướng Đức qua 4 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, bà Merkel vẫn giữ cam kết với liên minh Đại Tây Dương, ngay cả khi mối quan hệ trở nên đặc biệt căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến về vấn đề Iran, thương mại, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhiều vấn đề khác.
Sau thời gian rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Trump, bà Merkel đã có những bước chuẩn bị cho việc thúc đẩy quan hệ Đức-Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Merkel tới Mỹ hồi tháng 7 vừa qua đã gửi một tín hiệu rõ ràng về việc khởi động lại và nâng tầm quan hệ Mỹ-Đức theo mong muốn của cả hai nước.
Với 4 nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị thủ tướng, bà Angela Merkel đã ghi đậm dấu ấn là một nữ chính trị gia quyền lực, một nhà lãnh đạo tiêu biểu trong lịch sử nước Đức. Những đóng góp to lớn của bà không chỉ có ảnh hưởng sâu sắc với riêng Đức mà còn với cả EU và thế giới.
Thanh Lâm/TTXVN
Tags